Dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng ngành thép trong nước vẫn có bước tăng trưởng tốt trong năm 2021. Cụ thể, sản xuất thép thô của cả nước đạt 23 triệu tấn, tăng 16% so với năm 2020.
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu thép trong năm 2021 đạt hơn 14 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm, mang về hơn 12,7 tỉ USD.
Giá thép tăng, nhiều doanh nghiệp thép vẫn đặt mục tiêu lợi nhuận khá thận trọng trong năm 2022
Bước sang năm 2022, ngành thép trong nước cũng ghi nhận những chuyển biến tích cực. Giá thép trong 3 tháng đầu năm liên tiếp tăng lên mức hơn 19 triệu đồng/tấn. Ngoài ra, tiêu thụ thép trong nước và xuất khẩu thép ra nước ngoài trong 2 tháng đầu năm nay tiếp tục duy trì tình hình khả quan, đặc biệt tại thị trường xuất khẩu.
Các chuyên gia nhận định, thị trường xuất khẩu thép sẽ tiếp tục rộng mở trong năm 2022 dưới tác động từ xung đột giữa Nga – Ukraine khi việc thiếu hụt nguồn cung trầm trọng sẽ giúp các công ty thép Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ xuất khẩu, đặc biệt từ thị trường châu Âu và Mỹ.
Mặc dù được nhận định hưởng lợi từ việc thiếu hụt nguồn cung và giá thép toàn cầu tăng, nhưng nhiều doanh nghiệp ngành thép lại đặt mục tiêu kinh doanh thụt lùi so với năm 2021.
Đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp ngành thép đã công bố kết quả kinh doanh của năm 2021 và kế hoạch kinh doanh trong năm 2022.
Cụ thể, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco, mã: TIS) lên kế hoạch kinh doanh năm 2022 đạt 20.105 tỉ đồng, tăng 56% so với năm 2021, nhưng lợi nhuận trước thuế của Tisco giảm mạnh tới 42%, dự kiến ở mức 90 tỉ đồng.
Cũng trong tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2022 vừa được công bố, Thép Vicasa – Vnsteel (mã: VCA) đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế ở mức 16.56 tỉ đồng, giảm gần 55% so với năm 2021.
Nguyên nhân đề ra chỉ tiêu lợi nhuận giảm hơn một nửa so với năm trước là do phía công ty dự báo giá thép sẽ quay đầu giảm trong năm nay. Bên cạnh đó, sản lượng thép xuất khẩu cũng sẽ giảm và khiến các doanh nghiệp ngành thép trong nước tăng sản lượng, qua đó làm gia tăng áp lực cạnh tranh. Mặc khác, do vốn tích lũy thấp, Thép Vicasa - Vnsteel thường xuyên phải vay và phát sinh chi phí tài chính khoảng 7-9 tỉ đồng/năm.
Tương tự, Công ty cổ phần đầu tư thương mại SMC (mã: SMC) cũng lên kế hoạch kinh doanh năm 2022 khá khiêm tốn, với chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 300 tỉ đồng, chỉ bằng 1/3 kết quả đạt được trong năm 2021. Tổng sản lượng tiêu thụ thép ước tính đạt 1,25 triệu tấn, giảm 2,9% so với cùng kỳ.
Cũng dè chừng với kế hoạch kinh doanh trong năm 2022, Công ty cổ phần Thép Thủ Đức - Vnsteel (mã: TDS) dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2022 chỉ ở mức 24,3 tỉ đồng, chưa bằng một nửa con số thực hiện năm ngoái. Được biết năm 2021, kết quả kinh doanh của Vnsteel đạt 56,1 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế.
Lý giải nguyên nhân đề ra chỉ tiêu lợi nhuận khá thấp so với năm ngoái, lãnh đạo công ty Thép Thủ Đức cho biết thị trường thép năm 2022 dự báo sẽ có nhiều thách thức và giá thép có thể biến động tăng/giảm nhẹ theo giá thế giới. Ngoài ra, do nhu cầu yếu, cạnh tranh mạnh giữa các thương hiệu thép về giá để giành thị phần, do vậy tiêu thụ thép thành phẩm sẽ gặp khó khăn trong năm nay.
Trước đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã: HSG) cũng đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2022 và dự báo triển vọng thị trường thép trong năm nay vẫn còn nhiều thách thức.
Năm 2022, Tập đoàn Hoa Sen đặt kế hoạch sản lượng thép đạt 2 triệu tấn và doanh thu ước tính ở mức 46,399 tỉ đồng. Trong đó, riêng lợi nhuận sau thuế dự kiến với 3 kịch bản từ 1.500 tỉ đồng, 2.000 tỉ đồng và 2.500 tỉ đồng. Như vậy, với 3 kịch bản nói trên, ước tính lợi nhuận trong năm 2022 của công ty sẽ giảm lần lượt 65,2%, 53,6% và 42% so với mức 4,313 tỉ đồng năm 2021.
Hoa Sen dự kiến lợi nhuận giảm 42-65% so với năm 2021
Lãnh đạo HSG nhận định, trong năm 2022, sản lượng tiêu thụ trong nước có thể tăng nhẹ do nhu cầu hồi phục. Mặt bằng giá thép được dự báo tiếp tục neo ở mức cao, ít nhất trong nửa đầu năm 2022, do nhiều dự án bất động sản sẽ được nhanh chóng triển khai sau khoảng thời gian dài bị hoãn trong năm 2021 do dịch bệnh.
Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu thép được dự báo sẽ chững lại do chuỗi cung ứng toàn cầu hồi phục, các quốc gia sẽ gia tăng chính sách bảo hộ đối với thép nhập khẩu. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào đã và đang biến động rất khó lường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh không chỉ riêng của Hoa Sen mà còn tác động mạnh đến hầu hết các doanh nghiệp cùng ngành.
Do đó, Hoa Sen đặt kế hoạch kinh doanh đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và bền vững, tiếp tục duy trì hoạt động cạnh tranh cốt lõi.
Ở chiều ngược lại, sau năm lỗ nặng, Thép Việt Ý (mã: VIS) đã đặt ra chỉ tiêu năm 2022 với doanh thu ở mức 6.860 tỉ đồng, lãi trước thuế đạt 3,15 tỉ đồng.
Trên thị trường hiện nay, giá dầu, giá khí và giá than đang tăng rất nhanh, chi phí nhiên liệu tăng sẽ làm tăng chi phí đầu vào của các nhà sản xuất thép, dẫn đến tỷ suất lợi nhuận gộp của các nhà sản xuất thép giảm. Đây có thể là những lý do chính khiến nhiều doanh nghiệp thép vẫn lên kế hoạch lợi nhuận khá thận trọng trong năm nay.
Đánh giá về triển vọng thị trường thép Việt Nam năm 2022, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) dự báo sẽ tốt hơn khi Chính phủ ban hành chỉ đạo ổn định và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh thích ứng linh hoạt với đại dịch Covid-19 xuyên suốt.
Trước đó, VSA cũng công bố tình hình sản xuất và tiêu thụ thép các loại trong 2 tháng đầu năm 2022. Theo đó, mức sản xuất và tiêu thụ thép trong giai đoạn này đều tăng mạnh bất chấp giá thép tăng lên mức kỷ lục.
Cụ thể, sản xuất thép thành phẩm đạt 5,117 triệu tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2021. Bán hàng thép thành phẩm đạt 5,014 triệu tấn, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2021. Đồng thời, xuất khẩu đạt hơn 1,12 triệu tấn, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
-
Ngành thép đang đối diện với ba rủi ro lớn
Tiếp nối đà tăng trưởng trong năm 2021, ngành thép Việt Nam bước vào năm 2022 với những tín hiệu lạc quan khi kinh tế dần hồi phục sau đại dịch Covid-19. Các doanh nghiệp thép có thêm cơ hội để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng đang đối diện với ba rủi ro lớn.
-
Kỳ vọng gì với "game" thoái vốn Nhà nước tại Công ty thép 57 năm tuổi có trụ sở ở Đồng Nai?
Mặc dù tăng hơn 105% chỉ sau hai tuần, thị giá hiện tại của cổ phiếu Thép Vicasa vẫn thấp hơn 27% so với mức giá thoái vốn dự kiến.
-
Cổ phiếu tăng trần liên tục bất chấp kinh doanh thua lỗ, doanh nghiệp giải trình “không biết nguyên nhân”
Cổ phiếu tăng trần hơn 5 phiên liên tục khiến doanh nghiệp thép này phải giải trình theo quy định.
-
Cổ đông một hãng thép có tiếng tại miền Nam sắp nhận tin vui dịp cuối năm
Ngày 20/12 tới đây, Thép Nam Kim sẽ chốt danh sách cổ đông để nhận cổ phiếu thưởng và thực hiện quyền mua cổ phiếu. Theo đó, mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu NKG sẽ được nhận về 20 cổ phiếu mới....