Chưa tới 30% doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ thứ nhất
Đến hiện tại, mặc dù chính phủ đã thành công trong việc kiểm soát đại dịch, song nhiều doanh nghiệp vẫn phải cắt giảm lao động và đóng cửa do đại dịch. Theo Tổng cục Thống kê, có khoảng 34.300 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 8 tháng đầu năm (tăng 70,8% so với cùng kỳ). Càng nhiều doanh nghiệp đóng cửa, càng nhiều người lao động bị mất thu nhập. Do đó, các nhà hoạch định chính sách đang xem xét gói hỗ trợ lần hai nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch đối với nền kinh tế.
Doanh nghiệp mong được nới lỏng thủ tục vay để tiếp cận gói hỗ trợ thứ 2
Sở dĩ có gói hỗ trợ thứ 2 này là do gói hỗ trợ đầu tiên chỉ có một số ít doanh nghiệp được tiếp cận. Trong một thống kê được đưa ra bởi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã cho thấy, chỉ có khoảng 28,5% gói hỗ trợ đầu tiên được giải ngân tính đến cuối tháng 7/2020.
Thậm chí với doanh nghiệp tiếp cận được khoản vay từ gói hỗ trợ này thì việc hỗ trợ cũng chưa được nhiều. Ông Đinh Công Khương - Giám đốc Công ty Thép Khương Mai - chia sẻ, trong đợt dịch lần thứ nhất vừa qua, ngay khi Thông tư 01 được ban hành, doanh nghiệp cũng phải chờ đợi mất 2 tháng sau khi đề xuất ngân hàng xem xét giảm lãi suất khoản vay cũ mới được chấp thuận. Song theo ông Khương, dù các khoản vay lên đến 100 tỷ đồng thì với mức giảm 0,3% - 0,5% cũng chỉ tiết giảm cho doanh nghiệp tối đa là 50 triệu đồng. Trong khi đó ở lĩnh vực thép, chi phí lãi vay chiếm đến 80% tổng chi phí hoạt động của doanh nghiệp nên việc giảm này không đáng kể gì cho doanh nghiệp.
Các chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt chỉ ra, chính tỷ lệ thực hiện thấp của gói hỗ trợ ban đầu đã đặt ra câu hỏi về khả năng tiếp cận gói hỗ trợ của các nhóm chịu ảnh hưởng và những biện pháp nào có thể được sử dụng trong gói hỗ trợ thứ hai. Chính vì thế, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất gia hạn các biện pháp từ gói hỗ trợ đầu tiên, bao gồm mở rộng nhóm đối tượng thụ hưởng và sửa đổi điều kiện cho vay đối với khoản vay lãi suất 0% cho các doanh nghiệp để trả lương cho người lao động.
Kỳ vọng những gì ở gói hỗ trợ thứ 2?
Trở lại với việc đưa ra gói hỗ trợ thứ 2, theo các chuyên gia, gói hỗ trợ thứ 2 được đưa ra nhằm hỗ trợ nhóm người chịu ảnh hưởng mới (lao động thất nghiệp sống trong hoàn cảnh khó khăn) và tập trung vào việc thúc đẩy niềm tin của các doanh nghiệp nhỏ bằng cách cung cấp các khoản vay ưu đãi. Gói hỗ trợ này ước tính khoảng 18.600 tỷ đồng (khoảng 798 triệu USD, chiếm 0,31% GDP), thấp hơn nhiều so với gói đầu tiên.
Với gói hỗ trợ lần 2, ông Nguyễn Chí Trung - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn giày Gia Định - không kỳ vọng sẽ tiếp cận được bởi ở gói hỗ trợ đầu tiên doanh nghiệp này vẫn chưa tiếp cận được. “Điều chúng tôi mong muốn là Chính phủ có giải pháp giảm thuế VAT đến năm 2021 cũng như giảm thêm thuế thuê đất và các khoản thuế phí khác để doanh nghiệp giảm bớt áp lực trong giai đoạn này”, ông Trung chia sẻ.
Còn theo quan điểm của ông Trần Quốc Mạnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Gỗ SADACO, các thủ tục vay tiếp cận gói hỗ trợ cần nới lỏng để các doanh nghiệp khi cần vay đều có thể tiếp cận. Bởi đã là cơn mưa thì nên mưa cho tới, cơn mưa này phải phủ tất cả để ai cũng được lợi. Còn mưa chỗ có chỗ không thì hiệu quả của nó rất ít.
Từ góc nhìn của chuyên gia, TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, việc tiếp cận các gói hỗ trợ đầu tiên của doanh nghiệp còn thấp do tiêu chí khá khắt khe khiến quá trình thực thi gặp khó. Ông Hiếu cho rằng, để các gói tín dụng triển khai có hiệu quả, cần có cơ chế bảo lãnh của Chính phủ để các ngân hàng mạnh dạn cho vay, đồng thời cần kéo dài chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp sang năm 2021, thay vì dừng lại ở năm 2020 như việc giảm 30% thuế thu nhập cho doanh nghiệp.
-
Thủ tướng giao các Bộ tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch
CafeLand - Sau khi có thông tin phản ánh doanh nghiệp du lịch cần “máy thở” gấp, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.