21/05/2018 10:38 AM
Hàng trăm khu đất công ở TPHCM đang bị các doanh nghiệp “xẻ thịt” cho thuê kiếm lời hàng tỷ đồng, số còn lại bỏ hoang và sử dụng không đúng mục đích gây lãng phí.

SaigonTourist cho thuê kinh doanh nhà hàng và xe cơ giới

Chỗ “đẻ” ra tiền - nơi bỏ hoang

Trong 10 năm qua, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (SaigonTourist) được TPHCM giao quản lý và sử dụng 14 khu đất công. Thực tế SaigonTourist chỉ sử dụng đúng mục đích một phần, phần còn lại SaigonTourist “xẻ thịt” cho thuê trục lợi hoặc bỏ hoang.

Tháng 8/2015, UBND TPHCM giao khu đất số 856, quốc lộ 1A, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức cho SaigonTourist quản lý và sử dụng. Ngay sau khi tiếp nhận miếng đất công hàng nghìn mét này, SaigonTourist đã cho Công ty TNHH - TMDV A- Sáng thuê để mở công ty và kho hàng kinh doanh xe cơ giới và xe nâng điện. Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, số tiền mà đơn vị này thuê lại mỗi năm khoảng gần 2 tỷ đồng.

Trong khi đó, khu đất công ở số 2 Hàn Thuyên, phường Bình Thọ ở Thủ Đức cũng được SaigonTourist sử dụng sai mục đích. Sau khi “xí phần”, SaigonTourist đã trục lợi bằng cách cho nhà hàng có tên Hà Vịt thuê lại, một phần khác cho nhà hàng mì cay NaGa thuê.

Còn khu đất ở số 195/3 quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Chánh của quận này cũng được SaigonTourist cho một đơn vị kinh doanh gara xe hơi. Mảnh đất công ở số 2 Thanh Đa, quận Bình Thạnh được đơn vị này cho thuê mở quán giải khát.

Trước đó, theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, Thanh tra TPHCM cũng chỉ ra nhiều vi phạm về quản lý đất công của SaigonTourist. Khu đất tại số 18 Khổng Tử, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, TPHCM được giao cho SaigonTourist quản lý và sử dụng.

Dù có biển hiệu ghi Công ty du lịch Sài Gòn nhưng cổng vẫn cửa đóng then cài. Tượng tự, khu đất ở số 26 Thống Nhất, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức đang trong tình trạng bị bỏ hoang, một vài căn nhà, hàng rào, tiểu cảnh bị đập bỏ.

Theo những người dân nơi đây, trước đây khu đất này có một nhà hàng khá lớn kinh doanh nhưng thời gian gần đây đã ngừng hoạt động và bị đập bỏ. Liên quan khu đất này, Thanh tra TPHCM kết luận “SaigonTourist đã thiếu trách nhiệm trong quản lý, sử dụng đất công”.

Công ty CP Hóa Dược phẩm Mekophar cũng được TPHCM giao quản lý 9.000m2 ở 620 Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân 10 năm nay nhưng thực tế đơn vị này chỉ sử dụng 400m2 làm nhà kho còn lại là bỏ hoang. Cách đó không xa là khu đất công rộng gần 2.700m2 ở 574 Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân do Công ty Cổ phần Chế tạo Máy SINCO được giao sử dụng hiện vẫn bỏ hoang.

Tiền vào túi ai?

Tình trạng “xẻ thịt” đất công đang diễn ra tràn lan ở TPHCM. Mới đây, cơ quan chức năng chỉ ra, Cty Dược liệu Trung ương 2 hợp tác với hai đơn vị bên ngoài để mở nhà hàng ăn uống, thu lợi hàng tỷ đồng/năm. Cụ thể: Khu đất công ở số 97 Quang Trung, quận Gò Vấp rộng hơn 18.000m2 được Cty Dược liệu Trung ương 2 thuê để đầu tư xây dựng trung tâm giới thiệu sản phẩm, cửa hàng, văn phòng làm việc và nhà kho với giá thuê là 7.700 đồng/m2 trong thời hạn 50 năm.

Thế nhưng, Cty chỉ trực tiếp sử dụng 12.490m2 làm nhà kho, văn phòng làm việc, nhà xe và sân. Phần diện tích gần 6.000m2, Cty này ký hai thỏa thuận hợp tác kinh doanh để xây dựng nhà hàng ẩm thực 45 và nhà hàng bia tươi Mahalo.

Để “hợp thức hóa” việc này, Cty đã có văn bản xin phép UBND quận Gò Vấp cho sửa chữa, cải tạo nhà kho, văn phòng làm việc cũ làm căng tin, nhà nghỉ, nhà vệ sinh, nhà xe phục vụ công nhân… và được chấp thuận. Sau khi Cty cải tạo xong, các phần kho trở thành nhà hàng thu lợi gần 4 tỷ đồng/năm.

Trục lợi hơn phải kể đến Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn - Sawaco. Theo kết luận của Thanh tra TPHCM về quản lý sử dụng đất công năm 2018, năm 2010, Sawaco được giao khu đất ở 4/19 Hậu Giang, quận Tân Bình theo diện miễn tiền sử dụng đất để phục vụ chuyên ngành. Lợi dụng việc này, Sawaco sau đó đã ký hợp đồng liên kết với Công ty Đức Bình với giá thuê 70 triệu đồng/tháng.

Tháng 3/2014, Công ty Đức Bình cho Công ty TNHH DV hàng hóa Tân Sơn Nhất thuê văn phòng, kho chứa và sân bãi tại khu đất ở 4/19 Hậu Giang để làm khu tiếp nhận hàng hóa, dịch vụ kho bãi, thời gian thuê lên đến 10 năm. Mức giá mà Công ty Đức Bình cho thuê lại 900 triệu đồng/tháng, cao gấp 13 lần mà Công ty này trả cho Sawaco.

Điều đáng nói là Sawaco không xây dựng trạm cấp nước dự phòng mà sử dụng khu đất để hợp tác đầu tư liên doanh liên kết, kinh doanh cho thuê kho bãi là thực hiện không đúng chủ trương của UBND TPHCM, không đúng mục đích để phục vụ ngành nước và cung ứng nước sạch. Tuy nhiên, trước những sai phạm đó, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu đơn vị này chấm dứt hợp đồng nhưng bất chấp chỉ đạo, Sawaco vẫn không chấp hành.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu đơn vị này chấm dứt hợp đồng nhưng bất chấp chỉ đạo, Sawaco vẫn không chấp hành.
Ngọc Lâm - Thanh Quang (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.