Doanh nghiệp (DN) bất động sản đang “bất động” vì thiếu vốn, nhưng các ngân hàng (NH) nói rằng không phải DN nào trên thị trường cũng đủ khả năng đáp ứng được các tiêu chí vay vốn hoặc hấp thụ nổi vốn vay.

Mối quan hệ giữa các DN bất động sản (BĐS) và NH là vấn đề được các DN bất động sản “than” nhiều nhất tại hội thảo “Vực dậy nguồn lực BĐS”do Báo Lao Động và Hiệp hội BĐS Việt Nam tổ chức hôm 31.5. Theo các DN, NH hiện nay đang siết chặt nguồn cho vay bằng những tiêu chuẩn quá cao khiến họ không tài nào tiếp cận được nguồn vốn, một lý do quan trọng khiến thị trường đóng băng trong thời gian qua.

“Mối quan hệ giữa NH và DN phải là mối quan hệ song hành” - ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS, nói. “nếu các DN phá sản vì không tiếp cận được nguồn vốn thì các NH cũng sẽ lao đao bởi nợ xấu từ những Cty kinh doanh BĐS”.

Mặc dù NH Nhà nước đã có quyết định hạ lãi suất cho vay xuống còn 14% nhưng trên thực tế các doanh nghiệp vẫn không thể tiếp cận được với mức lãi suất này. Ông Nguyễn Văn Đực - Phó GĐ Cty địa ốc Đất Lành, nói: “Không chỉ chúng tôi mà nhiều Cty trên thị trường không tài nào vượt qua được những chuẩn cho vay quá khắt nghiệt của các NH. Chúng tôi buộc phải vay với lãi suất cao hoặc thậm chí có DN phải “chơi” với tín dụng “đen” để có tiền duy trì hoạt động”.

Trong phần trình bày trước hội thảo, tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, ví von nền kinh tế hiện đang như “dòng xe bị ách tắc” bởi “chiếc xe bị nổ lốp” là những khoản vay nhưng không còn khả năng chi trả.

Trong khi đó, ở một chiều khác của vấn đề, các NH lại cho rằng họ thật sự muốn giải ngân số vốn trong kho của mình nhưng không thể tìm ra khách hàng. “Nhân viên của chúng tôi thậm chí phải đi tìm kiếm khách hàng để cho vay, nhưng tìm một DN đủ khả năng vay tiền trong thời điểm này quá khó” - ông Từ Tiến Phát – Phó Giám đốc khối khách hàng cá nhân NH Á Châu (ACB), cho hay. “Chúng tôi hiểu được những khó khăn của các DN trong thời điểm hiện nay, nhưng các mức chuẩn cho vay của những tổ chức tín dụng hiện nay đã sát với thực tế”. Theo ông Phát, hiện nay các NH cũng cần những khách hàng có khả năng hấp thụ các khoản vay không khác gì các DN bất động sản “khát” vốn.

Trước thực tế nhiều DN hiện đã thế chấp hết tài sản để vay vốn hoạt động nên không thể tiếp tục vay được nữa, ông Phát cho biết NH còn có thể xét đến các tài sản khác như hàng tồn kho, nguồn lực tài chính, phương hướng kinh doanh trong thời gian tới...

Theo đại diện của các NH, hiện nay các DN đang phải chịu mức lãi suất cao từ những khoản vay trước kia, họ nên ngồi lại đàm phán với các NH để nhận một mức lãi vay “dễ chịu” hơn nhằm duy trì hoạt động.

Với NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khi đưa ra sản phẩm liên kết bốn nhà, gồm: NH – chủ đầu tư – nhà thầu – dản xuất VLXD cũng đưa ra một tiêu chí quan trọng, đó là sản phẩm của các DN BĐS muốn vay vốn phải phù hợp với đầu ra của thị trường. Theo ông Đậu Trí Dũng - Phó GĐ Ban phát triển sản phẩm và tài trợ thương mại BIDV, các DN BĐS muốn tham gia vào sản phẩm này phải có công trình được hoàn thành trong năm 2012 – 2014.

Có vẻ như các NH đã “động tâm” trước những lời kêu ca trong thời gian qua của những DN BĐS nên đã sẵng sàng “mở hầu bao”, vấn đề bây giờ thuộc về các DN phải chứng tỏ được mình có khả năng hấp thụ được vốn vay và có kế hoạch kinh doanh hiệu quả.

Theo Lao động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.