Mặc dù nhiều ngân hàng thương mại đồng loạt công bố hạ lãi suất cho vay xuống 18-19%, đồng thời dành những khoản vốn vay nhất định với lãi suất ưu đãi (có khi đến 15%) cho những ngành sản xuất, xuất khẩu…, song từ nhiều ngày qua, các doanh nghiệp (DN) vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn vốn lãi suất mới.

Doanh nghiệp chưa được vay lãi suất mới

Doanh nghiệp vẫn phải vay tiền với lãi suất cao. Ảnh: Hồng Vĩnh.


Chưa thể áp dụng lãi suất mới?


Theo ông Phạm Văn Minh-Giám đốc Cty TNHH TM và CB thực phẩm Phú An Sinh, cho đến thời điểm này lãi suất cho vay ở mức 20,5 đến 21,5%, thậm chí có ngân hàng còn tăng lãi suất. Có ngân hàng cho vay 22,9% trong tháng đầu tiên, sau đó đề nghị lãi suất cao hơn nữa. “Tôi chưa thấy ai trong số đồng nghiệp của tôi tiếp cận được vốn với lãi suất mới từ các ngân hàng”- ông Minh nói.


Ông cũng cho biết, công ty ông đang thiếu vốn trầm trọng, việc đầu tư nhà máy, chuồng trại mới đây đã ngốn hết toàn bộ vốn tự có và cả các nguồn vốn khác nên công ty ông đang rất cần vốn lưu động để phục vụ giết mổ, chế biến nhưng không thể nào tiếp cận được vốn ngân hàng với lãi suất thấp.


Ông Châu Nhựt Trung, một thành viên HĐQT Công ty TNHH Huỳnh Gia Huynh Đệ ông cũng cho biết, đang rất cần một lượng vốn hàng chục tỷ để đầu tư phát triển nguyên liệu và chế biến thực phẩm song không thể tiếp cận được vốn ngân hàng.


“Dù lãi suất các ngân hàng nói là đã giảm nhưng thực tế vẫn không thể vay được”- ông Trung nói, đồng thời cho biết, lý do các ngân hàng thường đưa ra là không còn vốn nên chưa thể cho vay được.


Ông Diệp Thành Kiệt - Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may-Thêu đan TPHCM cho rằng, các ngân hàng đang cho vay nguồn vốn huy động với lãi suất cao, chỉ đến khi cho vay hết nguồn vốn đó, các ngân hàng mới bắt đầu cho vay vốn lãi suất thấp hơn.


Lãnh đạo một số chi nhánh, phòng giao dịch của các hệ thống ngân hàng cũng thừa nhận ngân hàng vẫn chưa mặn mà cho vay với lãi suất mới. Một lãnh đạo Phòng giao dịch Agribank Rạch Ông (Quận 8, TPHCM) cho biết, từ vài ngày qua, Phòng giao dịch này đã bắt đầu giải ngân các hợp đồng vay vốn lãi suất mới 17-19%/năm đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp, xuất khẩu.


Tuy nhiên, mới chỉ ưu tiên cho một số ít khách hàng truyền thống chủ yếu là DN nhà nước, DN cổ phần lớn. Các DN khác chưa thể vay được với lãi suất mới. “Chúng tôi cân đối, lượng tiền huy động lãi suất cao trước đó còn nhiều, cho nên nếu giờ cho vay đồng loạt với lãi suất mới, thấp hơn lãi suất cũ, lỗ thì sao”- vị lãnh đạo phòng giao dịch phân trần.


Muốn không cho, cho không muốn


Theo ông Diệp Thành Kiệt, nhu cầu vay vốn của các DN dệt may và da giày là rất lớn, nhất là nhu cầu đầu tư sản xuất xuất khẩu. Nhưng, với lãi suất như hiện nay vẫn chưa đủ hấp dẫn ngành này cho nên DN chưa sẵn sàng vay, đấy là chưa kể ngân hàng chưa sẵn sàng cho vay.


Còn ông Phạm Xuân Hồng- Giám đốc Công ty CP may Sài Gòn 3 cho rằng với lãi suất hiện tại, dù đã giảm và ngân hàng sẵn sàng cho vay thì cũng chỉ có rất ít DN ngành dệt may “liều mình” vay trong thời gian ngắn để giải quyết các khó khăn nhất thời.


“Các ngân hàng cũng không muốn cho vay, nên DN không dễ được vay”- Tổng giám đốc Công ty CP XNK Intimex (TPHCM), ông Đỗ Hà Nam nói. Ông cũng cho rằng, với lãi suất và điều kiện vay khắt khe như hiện nay, DN (hay cá nhân) thực sự có nhu cầu sẵn sàng chấp nhận lãi suất cao thì vẫn không vay được. Ngược lại, DN có khả năng và ngân hàng sẵn sàng cho vay thì lại không muốn vay, bởi lãi suất chưa hấp dẫn. Công ty CP XNK Intimex là một ví dụ, DN này được ngân hàng “năn nỉ” nhưng vẫn không vay.


Theo ông Nam, cần phải phân loại, có ưu đãi cho những hoạt động để đảm bảo cho nền kinh tế. Việt Nam là một nước nông nghiệp nên phải có quy định rõ hơn phần nào cho vay xuất khẩu, đặc biệt cho vay sản xuất chế biến nông sản phải được ưu tiên.


Hàng ngàn tỷ đồng tiết kiệm rời ngân hàng

Tại hội nghị ngành ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Hà Nội diễn ra ngày 15-9, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Quốc tế (VIB), ông Hàn Ngọc Vũ, cho biết: Từ 7-9 đến nay,khách hàng đã rút ra gần 1.000 tỷ đồng khỏi VIB.


Đại diện Ngân hàng Phương Nam, ước tính khoảng 200 tỷ đồng bị rút. Một lãnh đạo Agribank cũng thừa nhận lượng vốn “chạy” khỏi ngân hàng trong tuần vừa rồi khá mạnh, lên tới vài trăm tỷ đồng.


Một công ty tài chính quy mô lớn ở Hà Nội cũng chia sẻ, đơn vị này đã sụt 600 tỷ đồng vốn huy động, chủ yếu từ những khách hàng không truyền thống. Tuy nhiên, có vẻ với các ngân hàng lớn như BIDV, Vietinbank thì diễn biến ngược lại vốn vẫn đổ vào ngân hàng.

Khánh Huyền

Theo Đại Dương (Tiền phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.