14/12/2012 3:11 PM
Ba lĩnh vực bất động sản, xây dựng và tài chính đang đứng đầu về số lượng doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể với mức tăng từ 20 - 48% so với năm 2011.

Không những vậy, đây cũng chính là khu vực có số doanh nghiệp đăng ký mới thấp nhất. Trong khi đó, theo thông tin được cập nhật trên Hệ thống Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế lại có xu hướng gia tăng đáng kể.

Một vài nét trong bức tranh doanh nghiệp do ông Bùi Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa ra trong Diễn đàn Đầu tư và Phát triển doanh nghiệp Việt Nam 2012 tổ chức ngày hôm qua (11/12) đã cho thấy, sự chuyển dịch của doanh nghiệp về lĩnh vực hoạt động đang diễn ra rất mạnh. Thực tế rất rõ là, nguồn lực của các doanh nghiệp đang giảm dần ở những lĩnh vực mang tính đầu cơ, rủi ro cao… Đây là lý do khiến ông Tuấn tin rằng, sẽ không thể có sự đổ vỡ hàng loạt trong doanh nghiệp như lo ngại của nhiều người. “Sự linh hoạt trong khu vực doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang góp phần quan trọng vào sự chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế”, ông Tuấn nhận định.

Nhìn lại quá trình chuyển dịch theo ngành nghề của doanh nghiệp Việt Nam trong 10 năm qua cho thấy, sự chuyển dịch của các nguồn lực vào những lĩnh vực phát triển nóng của nền kinh tế trong từng giai đoạn thể hiện rõ. Đặc biệt, giai đoạn 2002 - 2010 chứng kiến sự phát triển ấn tượng về số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh tài sản, dịch vụ tư vấn, với tốc độ tăng trưởng bình quân lên tới 35,12%/năm. Ông Lương Minh Huân, Viện Phát triển doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) thống kê, chỉ trong vòng 8 năm này, số doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã tăng 10 lần, từ 3.200 doanh nghiệp năm 2002, lên trên 36.000 doanh nghiệp vào năm 2010. Doanh nghiệp xây dựng cũng có tốc độ tăng trưởng cao với tốc độ tăng trưởng bình quân là 23%/năm, tăng từ hơn 8.000 doanh nghiệp vào năm 2001 lên trên 47.000 doanh nghiệp vào năm 2010.

Rõ ràng, sự chuyển dịch của doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào tác động của môi trường kinh doanh cũng như hệ thống chính sách ở từng giai đoạn. Sự bùng nổ của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản giai đoạn vừa qua, theo đánh giá của ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, là hệ quả của một giai đoạn tín dụng và đầu tư dễ dãi. “Nền kinh tế tăng trưởng nóng và mức cầu ảo từ “bong bóng thị trường” đã thúc đẩy và lôi kéo doanh nghiệp “chạy theo” và “ăn theo” những chính sách kích thích kinh tế của thời kỳ đó, nhất là trong ngành bất động sản và các ngàng có liên quan”, ông Cung phân tích. Năm 2007, tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng M2 và đầu tư đạt kỷ lục, với tỷ lệ tương ứng là 43,6% và 53,8%.

Rõ ràng, sự chuyển dịch trong bức tranh doanh nghiệp năm 2012, phần lớn do hệ quả của các chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô được áp dụng từ đầu năm, đặc biệt là chính sách cắt giảm và khống chế hạn mức tăng trưởng tín dụng, mức tăng tổng phương tiện thanh toán đối với nền kinh tế nói chung và một số ngành phi sản xuất nói riêng.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp lo ngại, thực trạng doanh nghiệp đang tồn tại không hẳn đều có năng lực cạnh tranh, sức khoẻ tốt hơn. “Không ít doanh nghiệp yếu kém lại bị lọt lưới khỏi sự sàng lọc, thay vào đó là những doanh nghiệp bị chết oan do các chính sách được đưa ra không dựa trên các thông tin thực tế và cập nhật”, ông Doanh băn khoăn.

Rõ ràng, sự chuyển dịch của doanh nghiệp đang cần có sự dẫn hướng quan trọng của chính sách, đặc biệt là chính sách trong phân bố nguồn lực nhằm thực hiện mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng. “Thay vì thúc đẩy mở rộng quy mô về lượng trong cơ cấu, lĩnh vực cũ đang dư thừa nguồn cung, chính sách cần khuyến khích tạo ra năng lực sản xuất mới, nguồn cung mới phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội… Trọng tâm của các giải pháp nên tập trung vào thay đổi cơ bản các thể chế để thay đổi, sửa đổi lại hệ thống động lực và quan trọng là thay đổi hành vi của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân”, ông Cung đề xuất.

  • 2 kịch bản sinh tử cho bất động sản

    2 kịch bản sinh tử cho bất động sản

    Theo tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, khủng hoảng bất động sản có thể tránh cuộc bể dâu nếu ổn định vĩ mô 3-5 năm, lập lại trật tự hệ thống ngân hàng, hạ lãi suất xuống dưới 10% và giá nhà đất giảm 30% nữa để giải tỏa hàng tồn.

  • “Vẫn chưa phải thời điểm thích hợp mua nhà”

    “Vẫn chưa phải thời điểm thích hợp mua nhà”

    Mặc dù đã giảm mạnh song so với khả năng của những người thực sự có nhu cầu thì giá bất động sản hiện nay vẫn còn cao.

Theo Khánh Linh (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.