Chiến dịch cắt giảm
Sự trầm lắng vẫn tiếp tục bao trùm thị trường BĐS từ năm 2011 đến những tháng đầu năm 2012 vẫn chưa có nhiều khởi sắc. Dù Ngân hàng Nhà nước đã nới lỏng chính sách thắt chặt tín dụng cho lĩnh vực này, song các doanh nghiệp vẫn lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Đực – Giám đốc công ty địa ốc Đất Lành cho biết: “Các doanh nghiệp BĐS đang ngày càng gặp khó vì không thể bán được sản phẩm, sức mua gần như bằng 0. Trong khi đó, hàng tháng doanh nghiệp vẫn phải gồng mình gánh lãi suất. Việc gánh lãi suất trong tình hình tín dụng bị thắt chặt trong suốt 2 – 3 năm qua cũng khiến cho nhiều doanh nghiệp ngày càng đuối sức”.
Để “đối mặt” với tình trạng đóng băng của thị trường nhiều doanh nghiệp đã đưa ra nhiều kế sách để tồn tại. Hàng loạt những chương trình khuyến mại, giảm giá khủng từ 10- 30% thậm chí là 50% được đổ ra một cách ồ ạt nhưng người tiêu dùng vẫn đang khá thờ ơ. Bên trong làn sóng giảm giá ấy, các doanh nghiệp BĐS thực hiện những chiến lược “cải tạo” từ bên trong.
Theo nhiều thông tin, năm 2010-2011, các quỹ đầu tư bất động sản giảm trên 30% nhân sự, các công ty môi giới nhà đất “ngoại” chỉ giữ lại bộ phận tư vấn và thẩm định giá, trong khi cắt giảm không nương tay bộ phận kinh doanh, chỉ giữ lại một vài nhân viên...
Với việc giảm tối đa chi phí hoạt động, cùng việc “tinh giảm” nhân viên, cắt giảm lương của nhiều bộ phận, nhiều doanh nghiệp “thay áo” chuyển từ văn phòng cấp cao để thuê văn phòng khác phù hợp với điều kiện kinh tế thực tế của doanh nghiệp, trả lại văn phòng lớn để thuê văn phòng nhỏ hoặc là về nhà làm việc.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đực cho biết thêm: “Việc cắt giảm nhân sự, hay cắt giảm lương hiện nay ở nhiều doanh nghiệp BĐS là chuyện bình thường đối với bất kỳ doanh nghiệp nào. Nhiều văn phòng không làm việc thì họ chuyển sang kinh doanh như bán café, bán mỹ phẩm, bán bia… Đó là cách cắt giảm chi tiêu để cố gắng thoát khỏi cơn khó khăn này.
Có doanh nghiệp phải bán bớt số dự án để tồn tại. Như tôi biết, ở quận Tân Phú có dự án chủ đầu tư đã trả tiền đất, tiền xây dựng, trả lãi đến 4 năm với số tiền khoảng 300 tỷ nhưng đã buộc lòng phải bán với giá chỉ bằng 1 nửa để tồn tại. Có nhiều nơi không chỉ bán dự án mà còn bán luôn doanh nghiệp của mình. Hiện nay, có làn sóng nhiều doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế đã mua lại doanh nghiệp khác”.
Vượt qua khe cửa hẹp
Theo một nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới, tại Hà Nội, chỉ 5% dân số đủ tiền mua nhà đất. Nhưng không ít khách hàng trong số 5% lại đang bị sa lầy tại nhiều dự án và đang đang phải tìm cách vùng vẫy thoát khỏi thị trường. Thậm chí, họ cạnh tranh với chính chủ đầu tư của mình. Bỏ ra 1 tỷ để đặt trước cho căn hộ 2 tỷ, trong thời gian này họ sẵn sàng bán lỗ đến 2 – 3 trăm triệu nhưng cũng “đỏ mắt” tìm người mua, 95% còn lại là khách hàng tiềm năng của thị trường BĐS chưa được khai thác.
Thị trường BĐS vẫn sẽ còn không ít những khó khăn trong thời gian tới.
Sức mua trên thị trường hiện nay thấp nhưng trên thực tế hàng triệu người dân vẫn có nhu cầu về nhà ở. Tuy nhiên, hiện nay, căn hộ cao cấp dư thừa trong khi căn hộ bình dân vẫn thiếu hụt trầm trọng. Vì vậy hạ giá nhà, chia nhỏ diện tích để giá căn hộ sát với thu nhập của người dân là giải pháp được nhiều doanh nghiệp tính đến. Được coi là giảm pháp cần thiết nhưng căn hộ nhỏ vẫn là “khe cửa hẹp” bởi những quy định về luật nhà ở.
Theo đó, một căn hộ nhà ở thương mại bắt buộc phải có diện tích trên 45m2 và nhà ở xã hội tối thiểu cũng phải trên 30m2. Ngoài ra thủ tục pháp lý đối với các dự án này quá nhiêu khê. Từ đó tạo nên tâm lý dè chừng đối với khách hàng đẩy thị trường BĐS xa tầm tay với chính khách hàng của mình.
Mới đây, trong buổi đối thoại trực trực tuyến với nhân dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sáng 5/6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: trường bất động sản hiện đang đóng băng, đây đang là đáy của bất động sản. Thị trường BĐS vẫn sẽ còn không ít những khó khăn trong thời gian tới.