Tham gia đầu tư vào lĩnh vực ngoài ngành, một số doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) đang nhắm đến những dự án cảng du lịch, cảng vận chuyển hàng hóa, song song với nhiệm vụ ổn định ngành nghề cốt lõi.

Sức hút của logistic

Tháng 11 vừa rồi, Novaland, nhà phát triển dự án BĐS lớn nhất nhì tại TP.HCM, tạo bất ngờ khi khoản đầu tư mới của họ không phải là dự án mới như những lần công bố trước mà là dự án đầu tư vào lĩnh vực cảng.

Theo đó, trong đợt IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của Công ty TNHH MTV Cảng Sông TP.HCM (Casoco), Novaland trở thành cổ đông chiến lược với việc mua lại 8,38 triệu cổ phần (được phát hàng trong đợt IPO), tương đương 25,4% vốn điều lệ Casoco.

Từ trước đến nay, Novaland vẫn được biết đến là DN BĐS, đã và đang triển khai khoảng 13 dự án căn hộ tại TP.HCM, với vốn điều lệ 2.300 tỷ đđồng và tổng tài sản lên đến 23.000 tỷ đồng. Bên cạnh địa ốc, lĩnh vực truyền thống (nguồn gốc) của Novaland là sản xuất kinh doanh thuốc thú y, thuốc thủy sản, hóa chất và nguyên liệu dược...

Trong khi đó, Casoco là thành viên của Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (SAMCO) và là đơn vị khai thác và quản lý Cảng Phú Định (Q.8, TP.HCM) - cảng sông lớn nhất Việt Nam với diện tích 64 ha.

Theo tính toán, hàng hóa trung chuyển qua cảng này đến năm 2020 ước đạt 2,5 triệu tấn/năm, chủ yếu phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa cho khu vực miền Tây Nam Bộ, Campuchia và Phú Quốc. Tiềm năng của Casoco được đánh giá cao vì theo hướng cải tạo chung của TP.HCM, các hoạt động bốc xếp, cho thuê bến bãi trên địa bàn đều được di dời về Cảng Phú Định.

Ngoài Novaland, sau khi Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư dự án Xây dựng Cảng hành khách quốc tế tại thị trấn Dương Đông (Phú Quốc), mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang đã kêu gọi Tập đoàn Vingroup (hiện đang đầu tư dự án khu nghỉ dưỡng Vinpearl Phú Quốc) tham gia vào dự án 1.254 tỷ đồng này theo hình thức PPP (công - tư).

Trong khi đó, ở Bình Thuận, Tập đoàn Rạng Đông, chủ đầu tư dự án Sealink City, cũng đã đề xuất việc tham gia đầu tư hạng mục cảng hàng không dân dụng Phan Thiết.

Trên thực tế, việc các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, BĐS tham gia đầu tư ngoài ngành, đặc biệt là lĩnh vực logistic cũng không còn là hiện tượng mới. Bởi vì, trước đó, năm 2010, Công ty CP Đồng Tâm Long An cùng một số đối tác cũng đặt rất nhiều kỳ vọng vào dự án Cảng Quốc tế Long An với số vốn đầu tư lên đến 1 tỷ USD. Nhưng, hiệu quả và giá trị của các khoảng đầu tư này đến nay vẫn chưa thể hiện rõ rệt.

Tiềm năng hay rủi ro?

Ngay khi triển khai Cảng Quốc tế Long An trên sông Soài Rạp, mục tiêu mà các nhà đầu tư hướng đến là xây dựng toàn bộ dự án trở thành khu đô thị - dịch vụ - cảng, đồng thời phục vụ việc lưu chuyển hàng hóa không chỉ trong nước mà còn mang tầm quốc tế. Tuy nhiên, những khó khăn trong vấn đề thu hút vốn đầu tư đã tác động đến tiến độ triển khai của dự án trong suốt thời gian qua.

Với trường hợp của Công ty CP BĐS Phát Đạt (PDR), dù TPL Shipping (Công ty CP Thương mại Vận tải biển Trường Phát Lộc) được xác định là công ty thuộc quyền sở hữu của gia đình ông Nguyễn Văn Đạt (Chủ tịch HĐQT PDR và Chủ tịch HĐQT TPL Shipping), nhưng rõ ràng, những người sát cánh với ông Đạt không phủ nhận chuyện ông chủ Phát Đạt san sẻ lợi nhuận mà gia đình ông có được từ TPL Shipping cho PDR vượt khó.

Về vấn đề kinh doanh vận tải biển, ông Đạt cho biết, bước vào ngành vận tải biển từ năm 2009, với định hướng khai thác các tuyến vận tải nội địa lẫn quốc tế, sau 4 năm, công ty lỗ 100 tỷ đồng. Sau đó, TPL Shipping đã tái cấu trúc mạnh mẽ, bắt đầu từ việc xác định những rủi ro tiềm ẩn, sau đó là mua bảo hiểm ngăn ngừa rủi ro và không khai thác tuyến nội địa mà tập trung vào tuyến quốc tế.

Đến năm 2014, Công ty có lợi nhuận 100 tỷ đồng, đồng thời đặt mục tiêu 400 - 500 tỷ đồng vào năm 2015 và niêm yết trên HOSE vào năm 2017 với mong muốn dẫn đầu trong ngành vận tải biển khí hóa lỏng lớn nhất Việt Nam. Được biết, năm 2014 cũng là thời điểm Công ty CP BĐS Phát Đạt dần thoát khỏi khó khăn.

Trong khi đó, về phía Novaland, dù đại diện DN này từ chối tiết lộ cụ thể về lý do tham gia vào Casoco, nhưng ngay trong đề án sau cổ phần hóa, phía Casoco có đề cập đến chiến lược phát triển của DN (được đổi tên thành Công ty CP Cảng Phú Định - CPD) giai đoạn 2015 - 2019 là tiếp tục phát triển giai đoạn 2,3 của Cảng Phú Định (toàn bộ dự án sẽ hoàn tất năm 2017). Trong đó, hợp tác chặt chẽ với Novaland trong việc khai thác và phát triển mạng lưới thị trường cho sản phẩm và dịch vụ đầu ra tại Cảng Phú Định.

Ngoài ra, Novaland sẽ giúp Casoco nâng cao năng lực quản trị và hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc kết nối được nguồn tài chính chi phí rẻ để phát triển dự án. Hiện, Casoco đang quản lý hai khu đất có tổng diện tích hơn 604.000m2 tại Q.8.

Còn Novaland vẫn đang trong giai đoạn tìm kiếm, bổ sung thêm quỹ đất để phát triển các dự án mới trong tương lai. Theo tính toán của Công ty, sau cổ phần hóa, lợi nhuận sau thuế của CPD sẽ bắt đầu khởi sắc từ năm 2015, dự kiến đạt 9,8 tỷ đồng và đến năm 2019, con số này là 70,9 tỷ.

Nói về lĩnh vực logistic tại Việt Nam, đặc biệt là đầu tư vào các hạng mục cảng (cảng du lịch, cảng vận chuyển hàng hóa), ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF), cho rằng, đây là lĩnh vực nhiều tiềm năng, các nhà đầu tư vẫn quan tâm đến các đợt IPO của các cảng nhưng vấn đề là giá và chiến lược cụ thể, năng lực phát triển của cảng trong tương lai.

Nguyên Bảo (Doanh nhân SG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.