Số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng (NH) Nhà nước cho thấy mặt bằng lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng có xu hướng giảm so với cuối năm ngoái. Lãi suất cho vay cũng giảm khá mạnh trong thời gian qua và đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm.

Trong khi đó, nhiều NH thương mại liên tục tung gói tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng vay mua nhà đất, vay xây - sửa nhà với mức lãi suất ưu đãi trong thời gian đầu từ 4,99%/năm... nhưng chủ yếu áp dụng cho khách hàng cá nhân, còn doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) rất khó tiếp cận.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Phú Đông Group, cho biết hiện nhiều NH đã tích cực hỗ trợ khách vay mua nhà, đồng thời giảm lãi suất cho DN vay triển khai dự án. Mức lãi suất cho vay trung bình từ 8,5%-10%/năm cho năm đầu, tùy theo NH và theo quan hệ tín dụng của DN. Tuy nhiên, dù quan hệ thân thiết đến đâu, các NH cũng chỉ cho vay khi dự án đủ điều kiện, đầy đủ về pháp lý.

Chẳng hạn, một dự án đất nền của Phú Đông Group chuẩn bị công bố ở huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) vừa được NH đồng ý cho vay sau khi đã hoàn thiện tất cả thủ tục, pháp lý. "Dù lãi suất có giảm, có dư thừa thì các ngân hàng vẫn rất thận trọng, họ chỉ cho vay khi dự án đầy đủ pháp lý" - ông Ngô Quang Phúc nói.

Giám đốc một DN kinh doanh BĐS tại TP HCM cũng cho hay lâu nay dự án nhà ở của công ty vay vốn không dễ, chủ yếu do hồ sơ pháp lý trục trặc. NH quen thường hỗ trợ cho vay nhưng DN vẫn phải bổ sung hồ sơ pháp lý đầy đủ mới được giải ngân.

Một vấn đề khác, theo các DN BĐS, dù lãi suất cho vay hạ, NH cũng mời gọi vay nhưng những khoản vay cũ lại không thể hạ nhiều, vì đa số được áp mức lãi suất theo hợp đồng tín dụng. Theo đó, nhiều DN đang trả lãi suất từ 10%-12%/năm.

Về phía NH thương mại, ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), thừa nhận lãi suất vay mua nhà đã giảm nhiều so với trước nhưng tín dụng BĐS không tăng quá cao. Bởi, cho vay BĐS không phải là lĩnh vực được ưu tiên vốn tại Sacombank và NH chỉ cho vay những dự án có đầy đủ pháp lý. "Không hẳn lãi suất thấp là DN BĐS sẽ vay nhiều hơn mà còn rất nhiều yếu tố từ thị trường, nhu cầu triển khai dự án, định hướng kinh doanh của DN... Thực tế, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng đến BĐS và lĩnh vực này cũng khá trầm lắng trong thời gian qua" - ông Phan Đình Tuệ nói.

Báo cáo của NH Nhà nước gửi Quốc hội mới đây cho thấy dư nợ tín dụng vào BĐS hiện khoảng 1,6 triệu tỉ đồng, chiếm hơn 19% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Trong đó, dư nợ tín dụng phục vụ nhu cầu về nhà ở chiếm tỉ trọng khoảng 62,43% dư nợ cho vay BĐS.

Đáng chú ý, theo thống kê của NH Nhà nước, tính đến cuối tháng 9, tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS đạt 606.253 tỉ đồng, trong đó cho vay các dự án khu đô thị, dự án phát triển nhà ở và sửa chữa, cải tạo nhà chiếm tỉ lệ 25,1%.

Chủ đề: Lãi suất ngân hàng,
Thái Phương - Sơn Nhung (Người Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.