Doanh nghiệp địa ốc đang nỗ lực lấy lại niềm tin từ khách hàng dù cho hành trình đó khá gian nan. Ảnh: Thanh Thịnh
Thị trường đang trong cơn bạo bệnh
Thị trường đóng băng, giao dịch nhỏ giọt, thiếu vốn khiến nhiều chủ dự án bội tín với khách hàng vì không thể bàn giao nhà đúng tiến độ. Khách hàng như ngồi trên đống lửa với nỗi lo “tiền mất, tật mang”. Rồi cũng đến lúc không thể ngồi chờ được nữa, khách hàng “lôi” chủ đầu tư ra tòa. Cứ như thế, những vụ khiếu kiện trên thị trường ngày càng nhiều, tâm lý lo sợ khiến người mua không dám tin tưởng vào chủ đầu tư, dù cho trên thị trường vẫn có những dự án được hoàn thành đúng tiến độ.
Người mua băn khoăn không giao dịch, chủ đầu tư không bán được hàng khiến thị trường đóng băng, giá cả trên hầu hết các phân khúc của thị trường đều bị kéo giảm trong vài năm trở lại đây. Kết quả, nhiều ngành kinh tế liên quan đến bất động sản đã bị liên lụy, nợ xấu ngân hàng tăng cao, vật liệu xây dựng ế ẩm,…
Mặc dù thời gian gần đây, Chính phủ đã có những hành động hỗ trợ thị trường. Cụ thể nhất là trong Nghị quyết 02 được ban hành hồi tháng 1/2013. Việc dành 30 nghìn tỷ đồng để cho vay hỗ trợ nhà ở với lãi suất 6%/năm cũng chính thức được thông qua và được áp dụng từ tháng 5. Chiều 19/06 vừa qua, Quốc hội cũng đã “gật đầu” thông qua việc áp thuế VAT 5% đối với nhà ở xã hội kể từ ngày 1/7, đồng thời giảm 50% thuế VAT từ ngày 1/7/2013 đến 30/6/2014 đối với nhà ở thương mại dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia những chính sách hỗ trợ thị trường thật sự là liều thuốc cho con bệnh bất động sản. Nhưng thị trường chưa thể ấm lên trong một sớm một chiều vì hàng tồn kho quá lớn. Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, tính đến hết tháng 3/2013, tổng giá trị tồn kho tại các dự án phát triển nhà ở khoảng 125.450 tỷ đồng. Thậm chí còn có nhiều ý kiến cho rằng, con số tồn kho thực tế lớn hơn nhiều lần so với con số mà Bộ Xây dựng công bố.
Chủ dự án tự “xoay”
Nhận thức được khó khăn chung của thị trường, ngoài việc cơ cấu lại sản phẩm, xây dựng giá cả hợp lí, thời gian gần đây các chủ dự án đã cố gắng lấy lại niềm tin từ khách hàng bằng việc đảm bảo tiến độ và chất lượng của công trình.
Mới đây, Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất Hưng Lộc Phát, chủ đầu tư dự án Cao ốc Hưng Phát đã đưa ra thông báo cam kết bàn giao căn hộ này trong quý 2/2014. Nếu đến quý 3/2014 mà chủ đầu tư không thực hiện bàn giao cho khách hàng thì chủ đầu tư sẽ chịu phạt trên tổng số tiền khách hàng đã thanh toán với lãi suất 25%/năm tính từ cuối quý 3/2014. Số tiền này sẽ được thanh toán kế tiếp khi khách hàng nhận bàn giao nhà. Nếu thời gian bàn giao căn hộ trễ quá 6 tháng, khách hàng được quyền hoàn trả căn hộ và nhận lại toàn bộ số tiền đã thanh toán và tiền phạt do chậm trễ tiến độ giao nhà. Cam kết này sẽ được đưa vào phụ lục hợp đồng.
Được triển khai xây dựng vào năm 2011 Cao ốc Hưng Phát gồm 358 căn hộ. Tuy nhiên sau đó dự án này đã phải dừng thi công hơn 1 năm và phía chủ đầu tư đã giải quyết trả lại tiền cho 20 khách hàng muốn lấy lại tiền. Theo đại diện chủ đầu tư, lý do dừng thi công là để điều chỉnh quy hoạch.
Trước đó, Công ty TNHH Hòa Bình - Chủ đầu tư dự án Hoà Bình Green City (Hà Nội) cũng đã chính thức cam kết sẽ thực hiện đúng tiến độ dự án này cũng như đảm bảo giao nhà theo đúng thiết kế và đảm bảo chất lượng vật liệu hoàn thiện vào năm 2014.
Sau khi bàn giao dự án Cảnh Viên 3 trước thời hạn, Công ty Phú Mỹ Hưng cũng triển khai đồng thời nhiều công trình nhà ở khác như Star Hill, Mỹ Phú 3, Happy Valley với cam kết đảm bảo tiến độ. Hình ảnh tiến độ dự án cũng sẽ được cập nhật định kỳ vào ngày 25 hàng tháng để khách hàng tiện theo dõi.
Có thể thấy, các chủ dự án đã ngày càng chủ động hơn trong việc minh bạch thông tin về dự án, thay vì những cam kết đơn thuần bằng lời hứa thì trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc để dự án chậm tiến độ đã được một số chủ đầu tư đưa ra trong hợp đồng để đảm bảo quyền lợi cho người mua.
Tuy nhiên, tâm lý khách hàng hiện nay như “con chim sợ cành cong” nên rất thận trọng. Người mua nhà hiện nay rất tỉnh táo khi mua nhà chứ không dễ dàng hoa mắt vì những “chiêu” giảm giá hay cho vay với lãi suất 0% nhưng chỉ trong vài tháng.
Vì vậy, muốn lấy lại niềm tin từ khách hàng, các chủ đầu tư cần có sự thay đổi thực chất hơn, mà cụ thể là lựa phân khúc khách hàng phù hợp, đáp ứng và chứng minh được chất lượng, tiến độ của dự án.
Điều quan trọng hơn cả là chủ đầu tư cần chủ động chia sẻ cho người mua tất cả những thông tin trung thực nhất về dự án như các thông số kỹ thuật, mức giá được cấu thành như thế nào,… Nếu vẫn đứng ở vị thế ưu tiên lợi nhuận hàng đầu cho doanh nghiệp mà quên đi việc bồi đắp lòng tin nơi người mua thì xét cho cùng, chủ đầu tư dự án là người chịu thiệt.