Ký loạt thỏa thuận triển khai chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn
Ngày 30/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ ký kết và triển khai chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn giữa Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) cùng các đối tác, đánh dấu bước tiến quan trọng của chuỗi dự án trọng điểm đã kéo dài gần 20 năm.
Lãnh đạo PVN cho biết, chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn là chuỗi dự án khí điện nội địa bao gồm dự án phát triển mỏ Lô B (thượng nguồn), dự án đường ống Lô B - Ô Môn (trung nguồn) và 4 nhà máy điện khí Ô Môn 1, 2, 3, 4 ở hạ nguồn, với quy mô đầu tư gần 12 tỷ USD.
Sản lượng khai thác khí dự kiến khoảng 5,06 tỷ m3 khí/năm, cung cấp cho tổ hợp 4 nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn với tổng công suất lắp đặt dự kiến lên đến 3.800 MW.
Ký loạt thỏa thuận triển khai chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn. Ảnh VGP
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn là công trình trọng điểm nhà nước về dầu khí, là chuỗi dự án khí điện có quy mô lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Do đó, dự án có vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược cân đối cung cầu, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, chuyển đổi năng lượng xanh và phát triển kinh tế - xã hội.
Sau gần 20 năm với nhiều lần đàm phán, chuẩn bị đầu tư gặp khó khăn, vướng mắc, tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định để PVN chính thức là chủ đầu tư tiếp tục triển khai hai dự án. Theo đó, PVN sẽ tham gia đầu tư vào toàn chuỗi dự án từ thượng nguồn tới hạ nguồn.
Chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn quy mô 12 tỷ USD. Nguồn: SSI Research
Các chủ đầu tư chính của dự án Lô B - Ô Môn bao gồm: PVN (thượng nguồn và các nhà máy điện Ô Môn 3 và 4 vừa được chuyển giao từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam(EVN); Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí, tập đoàn năng lượng Thái Lan PTTEP, Tập đoàn năng lượng Nhật Bản Mitsui Oil Exploration MOECO (thượng nguồn); Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV GAS (trung nguồn); Tập đoàn Nhật Bản Marubeni (nhà máy điện Ô Môn 2) và Tổng công ty Phát điện 2 (nhà máy điện Ô Môn 1).
Gói thầu 1,1 tỷ USD về tay liên danh McDermott và PVS
Tại buổi lễ, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, PVN và các đối tác đã tiến hành ký kết các văn bản quan trọng: Thỏa thuận khung Lô B; Biên bản thống nhất nội dung Hợp đồng Bán khí Ô Môn 1; Trao thầu Hợp đồng EPC#1. Đây là sự kiện tạo tiền đề để PVN và các đối tác tiếp tục triển khai các dự án thành phần trong thời gian tới.
Gói thầu EPCI#1 trị giá gần 1,1 tỷ USD về tay liên danh McDermott và PVS
Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán SSI cho biết gói thầu EPCI#1 trị giá gần 1,1 tỷ USD với các điều khoản giới hạn với hợp đồng thiết kế, xây dựng, lắp đặt cụm giàn công nghệ trung tâm và giàn nhà ở đã được trao cho liên doanh xây dựng McDermott (Mỹ) - Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS).
Liên danh này được phép thực hiện một số công việc chuẩn bị sớm cho hợp đồng EPC mặc dù chưa có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) đối với cả dự án Lô B - Ô Môn. Giá trị phần việc được thực hiện sẽ tương đối nhỏ cho đến khi cả dự án nhận được FID.
Theo SSI, động thái này nhằm mục tiêu đẩy nhanh tiến độ của gói thầu trong trường hợp nhà đầu tư đạt FID muộn hơn dự kiến. Trong trường hợp không đạt được FID, chi phí cho công việc ban đầu này sẽ do các nhà đầu tư chịu.
Để đạt được FID, những trở ngại chính cần phải giải quyết trong thời gian ngắn, bao gồm: Ký kết GSPA/GSA bao gồm cả khối lượng và giá khí cam kết cho mỗi năm; PVN hoàn thiện quyết định đầu tư vào Ô Môn 3 và 4.
SSI cho rằng, việc trao gói thầu EPCI#1 có giới hạn có thể giúp PVS và McDermott có thêm thời gian cũng như một số nguồn tài trợ ở giai đoạn đầu để đẩy nhanh quá trình thực hiện tiến độ xây dựng chính mà không cần chờ FID và cho phép dự án có thể khai thác dòng khí đầu tiên trong năm 2026.
Về phía McDermott, đây là doanh nghiệp 100 năm tuổi của Mỹ, chuyên cung cấp các giải pháp kỹ thuật và xây dựng hàng đầu trong ngành năng lượng. Hiện tại, McDermott hoạt động tại 54 quốc gia với hơn 40.000 nhân viên cùng một đội tàu xây dựng hàng hải chuyên dụng và các cơ sở chế tạo.
-
Siêu dự án khí điện Lô B - Ô Môn quy mô 12 tỷ USD có chuyển biến mới sau 20 năm
Chuỗi dự án khí điện Lô B là chuỗi dự án khí điện nội địa bao gồm dự án phát triển mỏ Lô B (thượng nguồn), dự án đường ống Lô B - Ô Môn (trung nguồn) và 4 nhà máy điện khí Ô Môn I, II, III, IV ở hạ nguồn, với quy mô đầu tư gần 12 tỷ USD.
-
“Ông lớn” năng lượng Mỹ thông tin về dự án nhà máy nhiệt điện 2,1 tỷ USD tại Ninh Thuận
Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long, đại diện Tập đoàn AES (Mỹ) đã báo cáo về tiến độ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ II mà tập đoàn này đang đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận....
-
Doanh nghiệp FDI có hơn 3.000 lao động làm việc tại Việt Nam muốn mở rộng đầu tư vào lĩnh vực điện gió
Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, lãnh đạo Doosan Vina mong muốn Việt Nam tạo điều kiện để công ty tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh cũng như tìm kiếm các cơ hội, thúc đẩy các hoạt động hợp tác, đầu tư tron...
-
Các dự án điện lớn trên cả nước đang được triển khai đến đâu?
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Luật Điện lực đã chính thức cho phép Chính phủ quy định cơ chế đặc thù cho điện khí. Không còn lý do để trì hoãn, nếu tiếp tục trì hoãn Bộ Công Thương sẽ kiến nghị lên Chính phủ thu hồi....