27/12/2013 8:36 AM
"Đô thị nay phần lớn là những người - sống - trong - thành - phố chứ chưa hẳn là thị dân".

Ảnh minh họa.

Lê Vũ Quý Linh phỏng vấn TS Nguyễn Thị Hậu

1. Thưa chị, là một nhà nghiên cứu, chị thấy đô thị ở ta có đặc trưng gì?

Nếu coi đô thị là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của quốc gia, vùng miền hay địa phương; là khu vực hành chính tập trung với mật độ cao các cơ sở hạ tầng, kinh tế, văn hóa, là nơi tập trung sinh sống với mật độ cao dân cư sản xuất, buôn bán, dịch vụ, những nghề phi nông nghiệp…thìcho đến cuối thế kỷ XIX chúng ta vẫn chưa có đô thị và một nền văn hóa đô thị đúng nghĩa.

Đô thị ở nước ta hầu hết do nhà nước sản sinh ra, tức là khi có nhu cầu lập kinh đô hay trung tâm tỉnh, thành thì tìm vị trí, xây dựng công sở, hình thành dần đô thị do nhà nước quản lý, với các chức năng cơ bảnlà chính trị và quân sự (thành) và bên cạnh còn có chức năng kinh tế - văn hóa (thị).

Kinh đô, thủ đô luôn chịu tác động mạnh mẽ về kinh tế và văn hóa từ vùng nông thôn xung quanh, do đó có thể nhận thấy phần lớn đô thị nước ta mang tính chất "Thành thị nửa nông thôn", tức là tính chất kinh tế, dịch vụ và những nghề nghiệp khác của xã hội đô thị, của nền công nghiệp tồn tại xen kẽ với tính chất tự cung tự cấp của xã hội nông nghiệp, nông thôn.

Dọc bờ biển miền Trung vào tới Nam bộ từ thời các Chúa Nguyễn (và trước đó) đã có một hệ thống cảng thị ven biển gắn liền với giao lưu kinh tế - kỹ thuật. Từ đó hình thành các đô thịlà trung tâm kinh tế.Trong những trung tâm kinh tế này Sài Gòn được xây dựng và phát triển thành đô thị kiểu phương Tây sớm nhất, từ nửa cuối thế kỷ XIX.

2. Trong cảm thức của chị, đô thị bây giờ khác gì đô thị xưa?

Đô thị hiện nay đông dân hơn và cấu trúc dân cư cũng phức tạp hơn xưa. Ở hai đô thị lớn nhất nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, sự chuyển đổi dân cư mang tính đột biến tại thời điểm như 1954 -1955, 1975 - 1980 làm cho tầng lớp thị dân ở đây có sự thay đổi sâu sắc về "chất". Ở các đô thị khác cũng vậy (có thể ở những thời điểm khác).

Chính cái "chất" của cư dân làm cho "hồn vía" đô thị hiện nay khác xưa. Bây giờ khó có thể tìm thấy một gia đình thị dân còn lưu lại lối sống tinh tế và nền nếp của Hà Nội xưa hay Sài Gòn cũ. Những mối quan hệ ở đô thị hiện nay đang "chông chênh" giữa 2 mặt: một mặt thể hiện sự tôn trọng cá nhân và sinh hoạt của người khác, gia đình khác; không tò mò và can thiệp vào đời sống người khác khi không có yêu cầu, mọi việc mọi hành vi được những quy tắc, quy định… của lối sống đô thị điều chỉnh. Mặt khác nó làm cho từng con người "ích kỷ", mỗi gia đình trở nên "cô đơn" hơn, khi gặp khó khăn thường phải tự giải quyết mà ít khi nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng… là yếu tố gắn bó con người với cộng đồng trong xã hội cổ truyền.

Cảnh quan khác xưa thì rõ rồi, đã mất đi nhiều vẻ đẹp cổ xưa vốn được coi là hồn cốt của đô thị, những cái mới thì to lớn hơn hiện đại hơn nhưng không biết có thể trở thành di sản cho đời sau không khi chúng giống hệt nhau ở khắp nơi. Quá trình tụ cư quá nhanh do tác động của Công nghiệp hóa - đô thị hóa khắp nơi làm cho đời sống đô thị có vẻ xô bồ lộn xộn hơn. Con người đến sống ở đô thị mà không có sự gắn bó lâu dài với đô thị như xưa.

3. Có người bảo rằng, đô thị giờ nhộn nhịp bề nổi, nhưng hoang vu về tính cách… Chị nghĩ sao?

Lối sống, nhịp sống đô thị đang ngày càng nhanh hơn, sinh hoạt đô thị đa dạng phong phú hơn, có cảm giác đô thị của ta ngày một trẻ ra, giàu hơn, nhưng cũng na ná như nhau, từ cảnh quan đến con người. Điều quan trọng là hệ giá trị văn hóa đô thị - những chuẩn mực cần có để giữ hồn cốt đô thị - đã bị phá vỡ, biến dạng. Quá trình hiện đại hóa làm cho tính cách đô thị nhạt nhòa; tính cách xưa mất dần mà tính cách mới chưa kịp định hình,làm cho nhiều người luyến tiếc "bao giờ cho đến ngày xưa". Đô thị nay phần lớn là những người - sống - trong - thành - phố chứ chưa hẳn là thị dân.

Các đô thị có lịch sử và đặc điểm văn hóa khác nhau nhưng hiện nay quá trình hiện đại hóa, mở rộng, nhập cư… giống nhau, có nguy cơ làm mất đi những "tính cách" riêng , độc đáo, làm nên sức hấp dẫn của từng đô thị.

4. Có vẻ như, chúng ta chỉ nghĩ về phát triển đô thị là phát triển cơ sở hạ tầng (xây dược bao nhiêu nhà cao tầng, bao nhiêu cụm dân cư có nhà chung cư), chứ ít chú ý đến cái cấu trúc thượng tầng của đô thị?

Đô thị hóa hay hiện đại hóa luôn được hiểu (và thực tế) là xây dựng những công trình mới, xóa bỏ nông thôn nông nghiệp vùng ngoại ô hay vùng ven đô, "cải tạo" khu trung tâm… hiện tượng này phản ánh sự phát triển "nóng" về kinh tế.Thế nhưng việc làm gì để chuyển đổi lối sống, nếp sống của cư dân thì không được quan tâm đúng mức.

Tuy vậy ngay cả hạ tầng kỹ thuật cho đô thị cũng chưa thật hoàn chỉnh: còn thiếu những công trình phục vụ nhu cầu tối thiểu như nhà vệ sinh công cộng, khoảng xanh đô thị, khu vui chơi của trẻ em, giao thông công cộng chưa phổ biến, khu dân cư vẫn như "làng trong phố"… chính vì vậy mà cư dân còn khá tùy tiện trong lối sống, duy trì thói quen sinh hoạt từ nhiều vùng nông thôn khác nhau.

Ý thức thị dân chưa được xây dựng và duy trì thành nếp sống mới, "xây dựng nếp sống văn minh đô thị" còn là "phong trào" mà chưa thực sự trở thành nhu cầu của mỗi người dân. Cần phải làm cho cư dân hiểu ràng, trong một khoảng không gian có giới hạn của đô thị đã có sự phân chia chức năng cho từng khu vực, từng tiện nghi sinh hoạt, nếu cư dân không có thói quen tuân thủ nguyên tắc, thậm chí, phải tuân thủ một cách "máy móc" thì không gian đô thị sẽ vô cùng lộn xộn, dẫn đến đình trệ mọi hoạt động. Thói quen giao thông trên đường thành phố là một ví dụ.

5. Nhưng có lẽ các thiết chế đô thị của ta cũng có vấn đề?

Đúng vậy. Đúng hơn là thiết chế quản lý đô thị cũng chưa phù hợp: đô thị cần có những quy định, nguyên tắc phù hợp để tạo ra thói quen, củng cố nền nếp và gìn giữ "văn minh đô thị" ở khu dân cư, không gian công cộng, tại công sở, cơ quan công quyền, tức là "cấu trúc thượng tầng" của đô thị phù hợp sẽ tác động tích cực đến lối sống thị dân. Để thay đổi văn hóa, lối sống sẽ cần một thời gian lâu dài hơn nhiều so với thay đổi học vấn hay kinh tế và sẽ không thể làm nổi nếu cư dân thiếu ý thức về việc đó. Nhưng không thể xây dựng "cấu trúc thượng tầng" của đô thị nếu thiết chế quản lý đô thị cũng giống như thiết chế quản lý khu vực nông thôn.

Lê Vũ Quý Linh (Người đô thị)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.