Muốn an cư – không dễ
Sau mấy năm sinh sống và làm việc tại khu vực Đông Dương, đa phần ở Việt Nam, anh Mark (quốc tịch Anh quốc) có nhu cầu mua nhà để ở lâu dài tại Hà Nội. Tuy nhiên, sau nhiều lần mòn mỏi đi hỏi khắp cửa, anh Mark mới tìm được “lối thoát” chính là cuộc hôn nhân với một phụ nữ Việt Nam.
“Để sở hữu được bất động sản tại Việt Nam là điều rất khó khăn, trong đó phải kể đến các điều kiện như phải có thẻ thường trú một năm trở lên; phải là người hoạt động trong lĩnh vực kinh tế-xã hội có bằng đại học; kết hôn với công dân Việt Nam; có đóng góp cho đất nước Việt Nam và được Chủ tịch nước tặng Bằng khen...”, anh Mark nói. “Mà, kể cả khi có các điều kiện trên, thì hành trình mua nhà cũng không đơn giản như thủ tục hành chính quy định”.
Một người môi giới bất động sản cũng kể cho chúng tôi nghe về một trường hợp khách hàng chị gặp. Chị từng đưa khách hàng là người nước ngoài (vợ quốc tịch Đức, chồng quốc tịch Việt Nam) đi xem căn hộ tại khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính (Hà Nội). Mặc dù rất hài lòng và muốn mua căn hộ đó, nhưng đến khi làm thủ tục pháp lý, vấn đề còn vướng là người vợ không thể đứng tên sở hữu căn hộ này vì không có thẻ thường trú.
Ở trường hợp khác, vợ chồng anh Henry, quốc tịch Pháp đang muốn mua nhà liền kề ở khu đô thị Ciputra (Hà Nội) để vừa làm văn phòng, vừa làm chỗ ở, nhưng theo quy định, người nước ngoài chưa được phép mua loại nhà này.
“Vợ chồng tôi cũng đã nghĩ đến việc nhờ người thân ở Việt Nam đứng tên trên căn nhà nhưng lúc nào cũng nơm nớp lo sợ sẽ xảy ra tranh chấp tài sản sau này”, anh Henry thổ lộ.
Đại diện chủ đầu tư một hệ thống dự án bất động sản cao cấp chia sẻ, nhiều khách hàng là các chuyên gia cao cấp, lãnh đạo đến từ nhiều nước đã đến thăm dự án của công ty và tỏ ý hài lòng về các dự án này. Tuy nhiên, khi “chạm” đến vấn đề thủ tục quá nhiêu khê, mất thời gian, nhiều khách hàng đã “chùn bước”.
Một số khác chọn giải pháp nhờ người Việt đứng tên, dù đây là giải pháp họ không mong muốn vì có thể dẫn đến nhiều hệ lụy. “Bản thân doanh nghiệp chúng tôi khi thực hiện thí điểm gặp rất nhiều rào cản và thủ tục quá nhiều làm những người nước ngoài có đủ điều kiện cũng không muốn mua”, chủ đầu tư này cho hay.
“Hiện nay khách hàng của chúng tôi ngay cả những người đáp ứng đủ điều kiện rồi nhưng khi làm thủ tục còn gặp rườm rà, phức tạp. Ví dụ như đi hợp thức hóa lãnh sự, công chứng... mất rất nhiều thời gian. Mặt khác, sau khi đứng tên họ lại không được thế chấp, không được sở hữu như người Việt nên cũng e ngại”, ông Phan Thành Huy, Tổng Giám đốc Novaland, cho biết.
Bỏ rào cản chính sách
Ông Huy cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để mạnh dạn mở rộng các đối tượng cũng như các loại sản phẩm cho người nước ngoài được mua. “Trước đây chúng ta chỉ giới hạn trong căn hộ, giờ nên mở rộng ra cả nhà đất” 0 ông Huy nói, dù rằng, việc “mở” phải được tính toán để phù hợp không chỉ cho giai đoạn trước mắt, mà còn cả thời gian tiếp theo, để đảm bảo độ bền vững của chính sách và ổn định của thị trường.
“Nới lỏng các chính sách để người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam là một giải pháp tốt cho thị trường bất động sản hiện nay” ông Leon Cheneval, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn CB Richard Ellis (CBRE Việt Nam) nhận định. Ông Leon Cheneval đánh giá cao việc Bộ Xây dựng đang có chủ trương trình Quốc hội cải tiến chính sách cho người nước ngoài mua nhà và cho đó là một quan điểm hết sức đúng đắn.
“Tuy nhiên, chính sách này vẫn còn quá “chặt,” chủ yếu là việc quy định người nước ngoài chỉ được phép thuê dài hạn mà không được phép sở hữu nhà, những người đủ điều kiện để mua nhà sẽ chỉ được ở, không được cho thuê lại”, ông Leon Cheneval nhận định. “Việt Nam nên cải tiến chính sách theo hướng không chỉ giới hạn ở người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam mới được mua nhà, mà cần mở rộng ra với những người nước ngoài có nhu cầu và hướng họ vào phân khúc nhà giá cao”.