Vì tin tưởng vào lời giới thiệu và mức chiết khấu hấp dẫn của nhân viên bán hàng, nhiều người tiêu dùng đã gặp phải cảnh “dở khóc dở cười” trong quá trình sử dụng và bảo hành khi mua phải thiết bị vệ sinh không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Việt Nam là một trong 3 quốc gia đứng đầu về xuất khẩu thiết bị vệ sinh của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nhưng lại đang bị lấn lướt bởi hàng nhập khẩu giá rẻ tại ngay chính thị trường nội địa. Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt cũng phải đối diện với nhiều rủi ro tiềm ẩn từ nguồn hàng trôi nổi, không đảm bảo chất lượng hay đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết về kiểm định.

Đặt niềm tin nhầm vào thiết bị vệ sinh giá rẻ

Sau khi hoàn thiện xong phần xây thô của căn nhà mới, anh Hưng (Hà Đông, Hà Nội) dành một ngày dạo quanh các cửa hàng bán thiết bị vệ sinh để tìm mua sản phẩm phù hợp lắp đặt ở các phòng tắm.

Anh được nhân viên giới thiệu một loạt thương hiệu tên nghe khá lạ tai, nhưng có ưu điểm là giá bán rẻ từ 2-3 lần, cùng lời quảng cáo hấp dẫn về công nghệ sản xuất theo tiêu chuẩn Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… Cuối cùng, anh quyết định chọn mua một bộ thiết bị cơ bản của phòng tắm có mẫu mã bắt mắt, với giá gần 5 triệu đồng bao gồm bồn cầu, chậu rửa kèm vòi và sen tắm.

Tuy nhiên, sau chưa đến 4 tháng sử dụng, gia đình anh thường xuyên gặp bất tiện khi loạt thiết bị phòng tắm thay nhau hỏng hóc, đặc biệt là các bộ phận có tần suất sử dụng cao như vòi nước rửa tay, nút nhấn nước bồn cầu…

Nhiều lần gọi điện đến cửa hàng yêu cầu bảo hành, nhưng anh Hưng luôn bị từ chối vì lý do hãng chưa có trung tâm bảo hành tại Việt Nam và cũng không có sẵn phụ kiện thay thế, phải chờ để nhập khẩu.

Kết quả sau một thời gian chờ đợi nhưng không được giải quyết thỏa đáng, anh đành thuê một đơn vị thi công đến cải tạo toàn bộ phòng tắm. Tính cả tiền mua thiết bị mới và công thợ, anh Hưng phải bỏ thêm gần 20 triệu đồng.

Thiết bị vệ sinh trôi nổi thường hay gặp tình trạng hư hỏng do độ bền kém

Cũng vì muốn tiết kiệm chi phí khi xây nhà, gia đình anh Khánh (quận Gò Vấp, TP HCM) chọn mua bộ thiết bị vệ sinh giá rẻ. Nhưng chỉ sau chưa đầy nửa năm, anh thất vọng khi thấy men sứ dần bay màu, nhanh bám cặn và rất khó tẩy sạch.

“Ban đầu, tôi tính mua hàng rẻ để bớt phần nào chi phí. Ai ngờ, nửa năm đã phải thay lại toàn bộ thiết bị phòng tắm, coi như mất trắng số tiền”, anh Khánh bày tỏ.

KTS Huỳnh Xuân Hải (Công ty cổ phần Thiết kế - Xây dựng và Đào tạo Kiến Thiết Việt) cho biết, việc gia chủ mua phải sản phẩm thiết bị vệ sinh hàng trôi nổi dẫn đến gặp khó khăn, bất tiện khi sử dụng và bảo hành là hiện tượng phổ biến hiện nay.

Sản phẩm thiết bị vệ sinh nhập ngoại giá rẻ được bày bán tràn lan bên cạnh các thương hiệu uy tín trong nước

Các sản phẩm thiết bị vệ sinh không rõ nguồn gốc vẫn đang được bày bán chung với hàng của thương hiệu uy tín tại nhiều cơ sở kinh doanh ở Hà Nội, TP HCM và nhiều tỉnh thành khác. Chiêu bài chính được nhân viên các cửa hàng sử dụng là tư vấn các sản phẩm này có nguồn gốc Thái Lan, Hàn Quốc… hay sản xuất theo công nghệ Châu Âu. Vì không phải người trong nghề, thiếu kinh nghiệm, nên đa số người tiêu dùng sẽ khó có thể phân biệt được và thường tin tưởng người bán.

Cẩn trọng với thiết bị vệ sinh không rõ nguồn gốc

Theo phân tích của các chuyên gia, thiết bị vệ sinh giá rẻ đa phần là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bị áp tiêu chuẩn khi nhập khẩu nên khó đảm bảo được các yêu cầu về chất lượng.

Thực tế này hoàn toàn trái ngược với các thương hiệu trong nước, khi nhiều doanh nghiệp kinh doanh gốm sứ, thiết bị vệ sinh Việt Nam phải thông qua nhiều khâu kiểm định trước khi bán ra thị trường, hay xin cấp chứng nhận sản phẩm mới đủ điều kiện xuất khẩu.

Đại diện Viện nghiên cứu và phát triển Viglacera (R&D) cho biết, sản phẩm thiết bị vệ sinh được sản xuất tại các nhà máy sứ và sen vòi của Viglacera luôn phải trải qua quy trình kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN, được kiểm soát theo quy trình ISO chất lượng, ISO môi trường và hàng loạt bài kiểm tra về độ bền màu, khả năng xả, đồng bộ linh phụ kiện trước khi bán ra thị trường; còn với các sản phẩm xuất khẩu qua Châu Âu, Châu Mỹ còn nghiêm ngặt hơn khi phải đáp ứng rất nhiều các tiêu chí về sản xuất.

“Khi mua hàng của đơn vị sản xuất trong nước, người tiêu dùng còn được bảo hành tận nơi, thời gian bảo hành dài lên tới 10 năm, luôn có sẵn linh phụ kiện trong trường hợp cần thay thế mà không phải mất công chờ đợi”, đại diện Trung tâm bảo hành thiết bị vệ sinh Viglacera chia sẻ.

Người tiêu dùng nên chọn mua thiết bị vệ sinh từ các thương hiệu uy tín

Sử dụng thiết bị vệ sinh kém chất lượng sẽ mang tới nhiều rủi ro khó lường và gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế cũng như an toàn sức khỏe. Trong đó, thiết bị sứ kém chất lượng dễ bay màu, hay bị rò rỉ nước, bám cặn, thậm chí nứt vỡ khi đang sử dụng, gây ảnh hưởng không nhỏ, thậm chí tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đến người sử dụng. Chưa kể, các thiết bị này thường không thể bảo hành, trường hợp hư hỏng sẽ khó sửa chữa do không chắc chắn có phụ kiện thay thế.

Để tránh rơi vào tình cảnh “mất tiền oan” như trên, người mua nên tìm đến các thương hiệu uy tín có thông tin nhà máy sản xuất rõ ràng, được truyền thông rộng rãi thay vì các thương hiệu “lạ” trôi nổi . Tùy vào diện tích, nhu cầu sử dụng và khả năng kinh tế, khách hàng có thể chọn dòng sản phẩm có mẫu mã, công năng, chi phí phù hợp.

PV
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.