03/11/2017 9:05 PM
Giữa lúc người dân Thủ đô nhiều khu vực đang ‘khát’ nước sinh hoạt, Đồ án quy hoạch khu vực ga Hà Nội và phụ cận lại đề xuất di dời cả nhà máy nước sạch Ngô Sỹ Liên đang cung cấp nước cho khu vực nội đô để dành đất xây dựng các cao ốc.
‘Xóa sổ’ nhà máy nước nội đô
Trong bản thuyết minh về Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận (tỷ lệ 1/2.000) đang được Hà Nội lấy ý kiến của bộ ngành, để đảm bảo cho việc tái định cư tại chỗ 100% dân số hiện trạng, đơn vị soạn thảo Đồ án đưa ra kế hoạch trong giai đoạn đầu ưu tiên phát triển đến năm 2025. Trong đó, đảm bảo quỹ nhà tái định cư cho 13740 người tương đương mức 136% dân số hiện trạng là 10140 người.
Theo Đồ án này trong 4 ô đất ‘vàng’ thuộc phân khu ưu tiên phát triển giai đoạn đầu, sẽ bắt đầu triển khai thực hiện từ việc khai thác khu vực nhà máy nước sạch Ngô Sỹ Liên và khu vực hồ Linh Quang (tổng cộng trên 11ha); tiếp theo đó thực hiện nốt 2 ô đất còn lại.
Cụ thể, trong giai đoạn đầu tại khu vực nhà máy nước Ngô Sỹ Liên triển khai xây dựng tái định cư cho khoảng 4000 dân, cơ bản đảm bảo được tái định cư cho toàn bộ khu vực nhà máy nước và khu vực hồ Linh Quang.
Bên cạnh đấy, xây dựng cả nhà ở tái định cư tại khu vực hồ Linh Quang, với tổng cộng xây dựng được quỹ nhà tái định cư cho khoảng 7700 dân, đảm bảo hơn một nửa dân số định cư của khu vực Văn Chương.
Đồ án này đưa ra việc khu nhà máy nước được quy hoạch thành khu nhà ở (gọi là khu nghỉ dưỡng đô thị ký hiệu UTPT1), với diện tích đất 3,7ha; hiện trạng có 200 người.
Khu nghỉ dưỡng đô thị sẽ được xây dựng thành các tòa nhà cao tầng với mật độ xây dựng 40-60%, chiều cao công trình 120m (tương đương 40 tầng-PV), với diện tích sàn là tổng 96.99m2. Tổng dân số quy hoạch thường trú của khu này sẽ là 3.990 người.
Từ 18 tầng nâng lên 40 tầng?
Lý giải cho việc xây dựng các cao ốc tại khu nhà máy nước, Đồ án cho rằng, theo Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô Hà Nội do TP Hà Nội ban hành tháng 4/2016 thì khu vực này chỉ có công trình cao 18 tầng (tương đương chiều cao 54m), nhưng được đề xuất xây các công trình có chiều cao 120m (tương đương 40 tầng-PV), để kết nối với khu vực hồ Linh Quang khoảng 7,3 ha thành khu nghỉ dưỡng đô thị cao từ 120 đến 200m.
Việc nâng chiều cao và xây các công trình cao tầng ở khu vực này theo lý giải là nhằm sử dụng đất cao độ trên quan điểm chỉnh trang khu vực phía Tây; Đảm bảo tỷ lệ tái định cư tại chỗ 100%; tạo nguồn lực tại chỗ để triển khai thực hiện quy hoạch.
Theo đánh giá của Đồ án, hiện nguồn nước chính cung cấp cho khu vực ga Hà Nội và phụ cận là nhà máy nước Ngô Sỹ Liên, ngoài ra còn có các nguồn khác như nhà máy nước Ngọc Hà, Yên Phụ, Lương Yên.
Đồ án cho rằng, để tạo nguồn lực đầu tư phát triển cho dự án trong giai đoạn đầu thì việc di dời nhà máy nước Ngô Sỹ Liên ngay trong giai đoạn đầu sẽ tác động phân nào đến việc cung cấp nước sạch cho khu ga Hà Nội và các phân khu lân cận.
Vì vậy đơn vị tư vấn đề xuất giải pháp khắc phục như: Tăng cường công suất nguồn cấp bổ trợ từ các nhà máy nước Ngọc Hà, Yên Phụ, Lương Yên cho cả khu vực mà hiện nay nhà máy nước Ngô Sỹ Liên đang cung cấp; đầu tư tuyến ống cấp nước đấu nối các khu vực này với các mạng lưới cấp nước chung.
Được biết, nhà máy nước Ngô Sỹ Liên có công suất đạt 50.000m3/ngày đêm với công suất hiện tại trung bình đạt khoảng 45.000m3/ngày đêm, với khoảng 20 giếng khai thác.
Đây là nhà máy nước ở khu vực nội đô, hiện phạm vi phục vụ chủ yếu cho quận Đông Đa, đồng thời hòa một phần vào mạng lưới phân phối chung cung cấp cho các quận khác như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng.
Tú Anh (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.