Đồ án quy hoạch ga Hà Nội và phụ cận đang nhận được những ý kiến trái chiều từ người dân và các chuyên gia: Vì sao đã có quy định không xây dựng cao ốc trong nội đô nhưng dự án vẫn đề xuất xây dựng những tòa nhà chọc trời, cao 100 - 200m. Quy hoạch này có giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông? Đời sống của hàng nghìn người dân sẽ ra sao khi được tái định cư tại những tòa cao ốc?
Đồ án “nắn” quy hoạch
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội có văn bản xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan đối với Đồ án quy hoạch phân khu đô thị Khu vực ga Hà Nội và phụ cận, tỷ lệ 1/2000. Theo đồ án quy hoạch này, tổng diện tích đất lập quy hoạch vào khoảng 98,1ha, với tổng dân số dự kiến 44.000 người. Trong đó có tái định cư tại chỗ dân số hiện trạng khoảng 40.300 người.
Về tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, đồ án này quy hoạch một số công trình có chiều cao khoảng 40 - 70 tầng, tương đương 100 - 200m. Vị trí quy hoạch sẽ thuộc địa giới hành chính các phường như: Văn Miếu, Quốc Tử Giám, Hàng Bột, Văn Chương, Khâm Thiên của quận Đống Đa; phường Cửa Nam của quận Hoàn Kiếm; phường Điện Biên của quận Ba Đình; phường Nguyễn Du của quận Hai Bà Trưng.
Ngay sau khi đồ án được công bố và xin ý kiến bộ, ngành liên quan đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về đồ án này. Đa phần các chuyên gia kiến trúc cho rằng, việc đề xuất xây dựng công trình cao từ 40 - 70 tầng được xem là đi ngược với Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử đã được Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ký ban hành tháng 4/2016.
Quy chế được Hà Nội triển khai xác lập trong 5 năm, kể từ năm 2011, khi Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể như: khu vực Vành đai I, chiều cao tối đa công trình là 24 tầng, 86m; Vành đai 2, chiều cao tối đa 27 tầng, 97m; đường ven đê sông Hồng, chiều cao 21 tầng, 76m…
Đồ án quy hoạch Ga Hà Nội “nắn” quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt (ảnh: Thành Công)
Quy chế cũng nêu rõ các khu vực và giới hạn tầng cao tối đa một số khu tập thể cũ ở Hà Nội như sau: Khu Văn Chương (18 tầng, tương đương 65m); Nguyễn Công Trứ (25 tầng); Giảng Võ, Hào Nam, Ngọc Khánh (21 tầng); các khu Thành Công, Khương Thượng, Vĩnh Hồ, Nam Đồng, Kim Liên, Láng Hạ, Phương Mai, Thanh Nhàn (24 tầng).
Bởi thế, việc đồ án đề xuất xây dựng công trình cao từ 40 - 70 tầng khiến dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng quy hoạch sau “phá” quy hoạch trước? Ở một góc nhìn khác có ý kiến cho rằng, dường như cả quy hoạch và quy chế đều không có giá trị định hướng, quản lý phát triển Thủ đô theo hướng bền vững, bởi đã không ít lần quy hoạch bị thay đổi, bị điều chỉnh vì chạy theo dự án. Vậy Hà Nội đang hướng tới mục tiêu phát triển bền vững hay phát triển bất động sản?
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội GTVT Hà Nội bày tỏ, đã quy hoạch thì phải thực hiện theo quy hoạch, chứ không phải vẽ ra một kiểu làm một kiểu. “Đề xuất dự án này trái với quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nếu thực hiện dự án này thì phải thay đổi cả quy hoạch đã có... Theo tôi, chúng ta cần phải làm đúng quy định pháp luật”, ông Bùi Danh Liên nói.
Coi chừng vỡ trận giao thông
Cao ốc chưa mọc, đường đã ùn tắc là cám cảnh, hình ảnh quen thuộc mà người dân thuộc vùng quy hoạch nhìn thấy mỗi ngày. Không hiểu lúc cao ốc 40 - 70 tầng mọc lên thì tình trạng ùn tắc giao thông sẽ đến mức nào?
Theo khảo sát của phóng viên, hiện trạng khu vực quy hoạch chủ yếu là nhà dân, rất ít công trình cao tầng. Ngay trên tuyến đường Khâm Thiên với chiều dài hơn 1,5km hầu hết không có tòa nhà nào cao tầng hay các trung tâm thương mại, cao ốc.
Trên đường Trần Hưng Đạo, tòa nhà Capital Tower, phía đối diện là tòa nhà giao dịch của Ngân hàng VietinBank… là những tòa nhà cao tầng hiếm hoi. Trên tuyến đường Lê Duẩn, công trình Chợ Cửa Nam, tòa nhà Tổng Công ty công nghiệp xi măng Việt Nam có chiều cao lớn nhất, còn lại đa phần là nhà dân.
Dù không có cao ốc, trung tâm thương mại nhưng nhiều năm qua, khu vực này trở thành nỗi ám ảnh với người tham gia giao thông khi thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Hằng ngày, vào khung giờ cao điểm 7h - 8h30 và 17h - 19h là khung cảnh hàng nghìn phương tiện giao thông di chuyển chậm, nhích từng cen-ti-mét, thoát khỏi nơi ùn tắc. Trên các tuyến phố Khâm Thiên, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Thái Học, Văn Miếu… luôn luôn dày đặc người và phương tiện. Hằng ngày hàng chục chốt cảnh sát giao thông phải “gồng mình” để phân luồng, hướng dẫn các phương tiện tham gia giao thông.
Theo đồ án quy hoạch khu vực ga Hà Nội và phụ cận, dân số khu vực này sẽ tăng thêm 3.000 người so với hiện tại. Điều này dẫn đến những lo ngại về việc gia tăng mật độ dân số và tình trạng ách tắc giao thông tại đây sẽ trầm trọng hơn.
Ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, dù đồ án khẳng định hạ tầng trong khu cao tầng sẽ hiện đại, tương xứng với mật độ dân số, nhưng với 4,4 vạn người tại vùng quy hoạch thì sẽ đi bằng con đường nào, hay họ vẫn phải đi bằng con đường chật hẹp: Trần Hưng Đạo, Lê Duẩn, Trần Quý Cáp…
Đồng tình với quan điểm này, ông Bùi Danh Liên cho rằng, việc quy hoạch phải ưu tiên xem xét hạ tầng giao thông. Những tuyến đường Lê Duẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng... thường xuyên tắc nghẽn, không thể “cõng” được hàng nghìn phương tiện giao thông. Tuy nhiên, trong đồ án không hề đả động đến vấn đề này. Ông Liên phân tích, mặt sau Ga Hà Nội đi hướng Ba Đình, Đống Đa; hay từ Ga Hà Nội ra hướng Khâm Thiên, Đại Cồ Việt thì phải có đường đi, đường về to, rộng. “Có tới 4 vạn dân mà đường nhỏ, lắt léo thì làm sao tải nổi lưu lượng giao thông lớn…” - ông Liên nói.
Quy hoạch phải tính tới đời sống người dân
Nhìn bản đồ án với những tòa ngang, dãy dọc, tòa cao ốc chọc trời khiến nhiều người cảm nhận thấy một khu đô thị sầm uất, văn minh thương mại. Dĩ nhiên để tạo nên một khu đô thị văn minh thương mại thì những người sống và làm việc ở đó cũng phải là những người có trình độ, văn minh. Quả thật, theo đúng ý tưởng thì đồ án này sẽ xây dựng khu văn hoá thấp tầng; các khu tài chính cao 40 - 70 tầng; khu thương mại quốc tế, khu lối sống mới cao 40 - 60 tầng; khu nghỉ dưỡng đô thị 40 - 60 tầng; khu ga đường sắt 40 - 70 tầng.
Hoành tráng và nguy nga, nhưng dưới chân những nhà chọc trời thuộc vùng quy hoạch là hàng nghìn mảnh đời nghèo khó, hàng ngày phải “bám đường”, “bám ngõ” để mưu sinh. Bởi thế, dù ý tưởng quy hoạch rất hiện đại nhưng có gì đó xa rời về đời thực, cuộc sống của đa phần người dân vùng quy hoạch. Anh Nguyễn Thanh Hải, sinh sống tại ngõ Linh Quang (giáp với tường bao phía sau Ga Hà Nội) trăn trở, cộng đồng dân cư đã sinh sống lâu năm nên không dễ thay đổi thói quen, tập quán sinh hoạt của họ.
Cuộc sống của nhiều hộ gia đình hoàn toàn dựa vào việc khai thác lợi thế mặt tiền để kinh doanh, buôn bán nhỏ. “Có những gia đình đã 3 - 4 đời bán phở để sinh nhai. Định cư tại chỗ thì phải sống trên chung cư, nhà cao tầng. Không có mặt bằng, cửa hàng thì không biết người dân sẽ phải mưu sinh ra sao? Đây là điều trăn trở của gia đình tôi và rất nhiều hộ dân xung quanh” - anh Nguyễn Thanh Hải lo lắng.
Cùng chung tâm trạng, anh Nguyễn Quốc Huân, ngõ Trung Tiền cho biết, gia đình anh có 5 người, đã định cư ở đây 47 năm, thu nhập chính của gia đình là từ việc kinh doanh nhỏ tại nhà. “Nếu khu vực này bị giải tỏa, phục vụ dự án xây lại khu vực Ga Hà Nội và theo phương án tái định cư người dân lên những căn hộ cao tầng thì chúng tôi không biết phải làm gì. Cuộc sống sẽ rất khó khăn. Nếu thuê cửa hàng thì chi phí rất cao, không thể làm được…” - anh Nguyễn Quốc Huân trăn trở.
TS. Phạm Sỹ Liêm bày tỏ, dự án này đầy mâu thuẫn, phi lý và có động cơ mang lại lợi ích từ bất động sản cho một nhóm người nào đó. Nếu tái định cư chỉ để cải thiện đời sống dân tại chỗ thì các nhà kinh doanh bất động sản chẳng dại mà đầu tư.