Lãi suất cho vay được hi vọng sẽ giảm xuống 14-16%/năm nhưng các doanh nghiệp khẳng định, tuyên bố và thực thi có khoảng cách rất lớn. Chưa kể, hạ lãi suất là một chuyện, vay được vốn hay không lại là chuyện khác. Thực tế, doanh nghiệp vẫn đang gánh mức lãi 18-19%/năm cho các khoản vay hiện tại.

Ngân hàng Nhà nước đang làm đúng lời hứa, sẽ đưa dần lãi suất về mức 11-12%/năm, mỗi Quý hạ 1% lãi suất. Tuy nhiên, cú hạ lãi suất trần huy động nhanh chóng về 12%/năm hôm 11/4 lại không khiến các doanh nghiệp hoan hỉ, vui mừng cho lắm. Thay vào đó, họ vẫn mang vẻ mặt nghi ngại, băn khoăn và thậm chí, không tin cậy.


Vẫn gánh lãi suất 18-19%/năm và nỗi lo độ trễ


"Tôi cho rằng, nếu thực tế diễn ra đúng như tuyên bố của ông Thống đốc, lãi suất huy động 12%/năm và lãi suất cho vay sẽ giảm về 14-16% thì doanh nghiệp có thể giữ được ổn định sản xuất trước mắt, có thể khắc phục được những khó khăn tạm thời", ông Lê Minh Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP sản xuất Thép Việt Đức mở lời với PV Diễn đàn kinh tê Việt Nam.


Hai lần liên tiếp hạ lãi suất quả đã đúng với nguyện vọng của ông, vị doanh nghân đã từng chia sẻ với PV VEF hồi tháng 1 vừa qua. Khi đó, ông Hải từng cho biết: "Năm 2011, chi phí vốn riêng ở lãi suất ngân hàng đã chiếm tới 300 tỷ đồng trên tổng doanh thu 4.700 tỷ. Lãi suất như giai đoạn 2007-2009 là 12%- 13% thì doanh nghiệp đã có thể đạt lợi nhuận 150 tỷ đồng".


Mặc dù vậy, ông Hải vẫn băn khoăn: "Lãi suất huy động và lãi suất cho vay vẫn còn khoảng chênh lệch rất lớn. Thời gian qua, chúng tôi vẫn đang phải vay các ngân hàng thương mại ngoài quốc doanh là 19,5%/năm. Khoảng chênh lệch này cần nhanh chóng điều chỉnh lại, nếu không, ngân hàng thì vẫn lãi, còn doanh nghiệp thì vẫn lỗ".


Bên cạnh đó, một nghi ngại khác được ông Hải nhấn mạnh, đó là độ trễ lớn giữa những lời tuyên bố và thực thi trên thực tế. Sợ nhất là Thống đốc tuyên bố như vậy, nhưng chính sách lại có độ trễ lớn, lãi suất cho vay trên thực tế vẫn chậm hạ nhiệt, trong khi, doanh nghiệp thì vẫn phải duy trì sản xuất, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động.


DN vẫn chờ, chưa vội vay vốn
DN thép đang hi vọng vào tuyên bố nới tín dụng cho bất động sản (ảnh: Phạm Huyền)

Nghi ngại này của ông Hải có cơ sở, vì tiền lệ nhiều năm qua, mỗi khi thị trường tín dụng căng thăng, Ngân hàng Nhà nước tuyên bố lãi suất một đằng, nhưng thực tế lại "một nẻo". Ví dụ như năm 2011, ngân hàng công bố cho vay 17-18%/năm nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn phải đi vay với lãi suất 20-22%/năm là bình thường.


Cũng chung "cảnh ngộ" như ông Lê Minh Hải, ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT Công ty CP chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu Aproximex than thở: "Lãi suất trung bình chúng tôi đang vay là 18,5%/năm, trong đó, chỉ có vay Ngân hàng Công thương đang được hưởng mức lãi 17%/năm. Có ngân hàng chúng tôi phải chịu lãi tới 20%/năm. Bên ngoài, doanh nghiệp khác còn chịu vay tới 25-26%/năm".


Tỏ ra không mặn mà lắm với động thái "giữ lời hứa" của Ngân hàng Nhà nước, ông Lý nói: "Đó là ngân hàng tự cứu ngân hàng thôi, không có lợi gì cho doanh nghiệp cả".


Cần có lãi suất đặc biệt 10%?


Theo phản ánh của ông Đoàn Trọng Lý, "trừ các ngân hàng lớn như Ngân hàng Công Thương, Ngoại thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, còn lại, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần vẫn chưa hạ lãi suất. Họ đưa ra nhiều lý do, nhưng rõ ràng, Ngân hàng Nhà nước tuyên bố ra, nhưng không có chế tài, không kiểm soát".


Hơn nữa, trước khi đưa ra một mức lãi suất, đáng lẽ, ngân hàng cần tham vấn ý kiến các hiệp hội, doanh nghiệp, ban ngành, chứ không phải áp dụng ngay lập tức sau khi thông báo như hiện nay.


DN vẫn chờ, chưa vội vay vốn

Hạ lái suất song DNNVV vẫn khó tiếp cận vốn (ảnh: Phạm Huyền


Tham gia cung ứng nguyên liệu cho ngành chăn nuôi, nông nghiệp nên doanh nghiệp của ông Lý không thể vì lãi suất cao mà giảm nhu cầu vốn cho năm 2012 được.

Tuy nhiên, đơn vị này lại gặp phải một vướng mắc khác: "Ngân hàng vừa ra quyết định không cho doanh nghiệp vay USD. Tôi cho đây lại là một động thái để cứu ngân hàng, nhưng quá "lộ", ông Lý cho biết.


"Chúng tôi phải vay tiền Việt để thanh toán cho các đơn hàng nhập khẩu nguyên liệu, như vậy, phải chịu lãi suất rất cao, 17-18%. Nhiều doanh nghiệp vì thế mà phải co lại sản xuất, đình đốn sản xuất là đương nhiên", ông nói.


Theo ông Lý, các ngân hàng cần phải có tránh nhiệm với nền kinh tế, chính là ở việc tạo thuận lợi cho sản xuất phát triển. Chính sách lãi suất hiện nay vẫn còn chưa minh bạch, chưa rõ ràng, công khai.


"Để cứu doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng thiết yếu, ngân hàng cần có chính sách lãi suất đặc biệt ưu tiên. Ví dụ, đó là những ngành như nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, xuất khẩu, giao thông vận tải... lãi suất đặc biệt cần hạ xuống là 10% trở xuống, còn những ngành khác thì lãi suất như bình thường", ông Lý kiến nghị.


Tiếp cận vốn sẽ vẫn khó


Làm sao để những tác động tích cực từ chính sách hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước đến được các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa? Câu trả lời này lại không nằm ở vấn đề mức lãi suất cụ thể là bao nhiêu.


Bà Từ Thị Bích Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Anh, một công ty chuyên sản xuất hàng may thuê xuất khẩu khẳng định: "Hạ lãi suất là tốt rồi, nhưng tiếp cận vốn vay ngân hàng được hay không lại là câu chuyên khác. Không phải vì hạ lãi suất mà chúng tôi dễ vay vốn hơn đâu".


Theo bà, hiện nay, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp với ngân hàng gần như phụ thuộc hoàn toàn vào uy tín, quan hệ thân quen với doanh nghiệp với ngân hàng đó, vào cả tài sản thế chấp mà doanh nghiệp có. Với công ty Mỹ Anh, nhu cầu về vốn cho năm 2012 cũng không nhỏ nhưng vướng mắc ở chỗ tài sản thế chấp mà ngân hàng đưa ra lại không đủ đáp ứng. Hạn mức cho vay mà ngân hàng đưa ra không đủ nhu cầu cho doanh nghiệp.


Bởi lẽ thế, hạ lãi suất nhưng phải đòi hỏi thế chấp lớn, điều kiện ngặt nghèo thì chính sách này cũng chưa giúp được nhiều cho doanh nghiệp, nhất là khi doanh nghiệp đã trải qua một năm 2011 quá khó khăn. Bà Lộc đề nghị, Ngân hàng cần nới các điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp, có thể là tăng hạn mức cho vay tín chấp hơn là thế chấp.


Tâm tư này đã được ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á ADB chia sẻ hôm 11/4. Ông Mellor cũng đánh giá: "Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam gặp vướng mắc không chỉ là vấn đề lãi suất cao mà tiếp cận ngân hàng khó. Hầu hết, họ hiện không có thế chấp đảm bảo để có thể tiếp cận vốn ngân hjàng. Ngoài ra, do bất động sản sụt giảm nên các doanh nghiệp này cũng khó khăn trong thế chấp vay ngân hàng, từ đất nông nghiệp cũng như đất thổ cư."


"Hiện, ADB đang xây dựng hệ thống cung cấp thông tin về tiếp cận vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam", ông Mellor cho biết.

Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh