Lượng hàng tồn kho của ngành thép đã vượt ngưỡng báo động. |
Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, trong tháng 8/2012, tiêu thụ xi măng có tăng hơn một chút, nhưng không đáng kể. Cụ thể, trong tháng 8, sản lượng tiêu thu xi măng cả nước đạt khoảng 4,15 triệu tấn, nhỉnh hơn vài chục ngàn tấn so với tháng 7/2012. Nhìn chung, tình hình vẫn không sáng sủa hơn. Doanh nghiệp xi măng vẫn đứng trước bài toán đầu ra cho sản phẩm và tiêu thụ đang dậm chân tại chỗ.
Trước sự khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, việc duy trì khuyến mãi để bán hàng là giải pháp phổ biến của các doanh nghiệp sản xuất xi măng hiện nay. Ông Ngô Đức Lưu, Phó tổng giám đốc Vicem Bút Sơn cho biết, thị trường tiêu thụ đầu ra của xi măng rất khó khăn, trong khi nguồn cung khá lớn, nên các doanh nghiệp sản xuất xi măng đang cạnh tranh với nhau rất quyết liệt để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, trong đó việc tăng cường khuyến mãi được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Tuy nhiên, theo ông Lưu, ngay cả khi tăng khuyến mãi cũng khó bán hàng vì sức cầu rất yếu. Lượng tiêu thụ trong tháng 8 của Bút Sơn chỉ tương đương tháng trước, khoảng 165.000 tấn.
Bà Nguyễn Thị Tảo, Phó tổng giám đốc Vicem Hoàng Thạch cho biết, trong tháng 8, Vicem Hoàng Thạch tiêu thụ được hơn 300.000 tấn sản phẩm, trong đó xi măng khoảng 250.000 tấn. Riêng sản phẩm xi măng MC25 của Công ty mới tung ra thị trường 4 tháng có mức tiêu thụ khoảng 15.000 tấn sản phẩm mỗi tháng.
Tuy khả năng tiêu thụ của xi măng có nhích nhẹ trong tháng 8, nhưng chủ yếu tập trung ở doanh nghiệp tiêu thụ chính ở các công trường, dự án lớn, với những doanh nghiệp có sản phẩm tiêu thụ chính trong dân thì tháng 8 năm nay chính là tháng thất bát, vì trùng với tháng 7 Âm lịch, tháng mà người dân kiêng cữ việc xây dựng, sửa chữa.
Ông Bùi Trần Đông, Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc, đơn vị chủ quản của thương hiệu xi măng Vinacomin cho biết, tiêu thụ 8 tháng của Vinacomin đạt mục tiêu đề ra với 1,3 triệu tấn, nhưng trong tháng 8 tiêu thụ giảm vì tháng ngâu nên không mấy ai xây nhà.
Không tích cực như thị trường miền Bắc và miền Trung, khả năng tiêu thụ tại miền Nam không có gì sáng sủa hơn, bởi đang là mùa mưa và trùng với “tháng ngâu”, nên các doanh nghiệp và người dân đều kiêng khởi công, xây dựng hay sửa chữa, khiến cho việc tiêu thụ vật liệu xây dựng, trong đó có xi măng và sắt thép càng thêm khó.
Ông Trang Thanh Ba, Phó tổng giám đốc Xi măng FICO nhận định, thị trường xi măng phía Nam vẫn khó khăn do hoạt động xây dựng vẫn trầm lắng. Trong khi đó, kinh tế khó khăn khiến người dân cũng hạn chế xây dựng, sửa chữa nhà cửa, nên tiêu thụ trong dân cũng giảm. “Trong tháng 8, tiêu thụ của FICO có nhỉnh hơn một chút, nhưng nhìn chung vẫn dậm chân tại chỗ. Thực tế, để giữ được mức tiêu thụ bình thường là quá khó khăn trong thời điểm này”, ông Ba nói.
Cũng thừa nhận những khó khăn của ngành xi măng, ông Trần Việt Thắng, Tổng giám đốc Vicem Hà Tiên còn cho biết, khó khăn trong tiêu thụ chưa thể “sáng” lên trong những tháng tới.
Xi măng đã khó, ngành thép càng khó khăn hơn khi sản lượng tiêu thụ trong tháng 8/2012 giảm mạnh so với tháng trước, đạt 350.000 tấn so với 500.000 - 600.000 tấn của tháng 7/2012 và những tháng trước đó. Trong khi số lượng tồn kho của ngành xi măng đã tạm về ngưỡng an toàn (khoảng hơn 1 triệu tấn sản phẩm), thì của ngành thép vượt ngưỡng báo động (khoảng gần 400.000 tấn). Nhiều doanh nghiệp thép đã phải ngừng sản xuất trong nhiều ngày để giảm sản lượng như Thép miền Nam, Tấm lá Phú Mỹ, Gang thép Thái Nguyên, Nhà Bè. Tình hình hiện nay của ngành thép cũng đã xảy ra với một số doanh nghiệp sản xuất xi măng ở cuối quý I và đầu quý II/2012.