Hàng loạt DN Thép đang đứng trước bờ vực phá sản.
Phá sản hàng loạt…
2011 là năm đặc biệt khó khăn đối với các đơn vị trong lĩnh vực xây dựng. Việc siết tín dụng đối với lĩnh vực phi sản xuất khiến ngành xây dựng gần như đứng im. Chính vì thế, các mặt hàng VLXD, trong đó có thép rơi vào cảnh ế ẩm triền miên.Thống kê của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho thấy, tính đến giữa tháng 9, lượng thép tồn kho lên tới 500 nghìn tấn. Đây là số lượng tồn kho lớn nhất từ trước đến nay khiến các DN khốn đốn. Tính riêng phần lãi vay ngân hàng mà DN phải trả cho lượng hàng tồn kho này cũng lên tới gần 150 tỷ đồng/tháng…
Thực tế, rất nhiều DN phải sản xuất cầm chừng, có nhà máy chỉ hoạt động 40- 45% công suất, thậm chí chỉ 20% công suất. Dù chưa tuyên bố phá sản nhưng có nhà máy phải dừng sản xuất, nếu có bán hết tồn kho cũng không đủ trả lương công nhân chứ đừng nói đến việc trả nợ bảo hiểm hay vốn vay ngân hàng.
Công ty cổ phần thép Vạn Lợi (Hải Phòng) là một trong những DN làm ăn khá nổi đình nổi đám trước đây hiện cũng đang đứng trước nguy cơ đóng cửa nhà máy. Thực tế, dù chưa công bố dừng sản xuất nhưng nếu còn tiếp tục thì công ty cũng chấp nhận sản xuất dưới quyền giám sát, quản lý của các ngân hàng. Hiện nay, Vạn Lợi đang là con nợ của 6 tổ chức tín dụng, với nhiều món nợ xấu, giá trị lớn. Ngoài ra, Vạn Lợi còn nợ cả tiền điện hơn 11 tỷ đồng và nợ Bảo hiểm xã hội thành phố Hải Phòng gần 7 tỷ đồng…
Đại diện của DN này phân trần: Lãi suất ngân hàng quá cao, cao hơn mức lợi nhuận của DN nên càng sản xuất chúng tôi càng lỗ. Trong khi đó, sản phẩm làm ra lại không bán được, đắp đống trong kho. Nói thật là DN khó khăn trăm bề. Chưa biết tìm cách nào để thoát được…
Thực tế hiện nay, không riêng Vạn Lợi, nhiều DN thép khác như: Công ty cổ phần Thép Đình Vũ ( Hải Phòng) Công ty cổ phần luyện thép Sông Đà, Công ty cổ phần thép Cửu Long Vinashin hay Thép Gia sàng (Thái Nguyên)… cũng trong tình cảnh tương tự. Mặc dù không chính thức tuyên bố đóng cửa, nhưng hoạt động của các DN này đều tạm ngưng.
Hiện nay ngân hàng rất ngại cho DN ngành thép vay vốn. Nếu trước đây DN vay thế chấp chính bằng hàng hóa thì nay ngân hàng yêu cầu phải có thêm tài sản khác đảm bảo. Vì thế nên DN vốn đã gặp khó lại càng thêm khó.
Lỗi ở quy hoạch
Tại cuộc họp giao ban Bộ Công thương sáng 3/10, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), ông Phạm Chí Cường thông tin: Hiện các DN ngành thép đang đối diện với nguy cơ bị kiện chống bán phá giá từ các nước như Mỹ, Thái Lan, Indonesia. Theo ông Cường, lượng thép xuất khẩu của Việt Nam không lớn, nhưng gần đây lượng xuất khẩu tăng cao, cộng thêm với giá bán ở mức khá thấp, đã khiến các nước đối tác xem xét đến phương án kiện để bảo vệ sản xuất nội địa.
Thực tế, nếu nhìn ở góc độ khác thì nguyên nhân sâu xa dẫn đến nguy cơ bị kiện của ngành thép Việt Nam có lẽ là do tình trạng cung vượt quá cầu hiện nay. Theo tính toán của VSA, dự kiến đến 2015, cả nước cần khoảng 15 triệu tấn thép và năm 2020 là 20 triệu tấn thép. Trong khi đó thì tổng công suất thiết kế của các dự án lên tới 26 triệu tấn/năm, đó là chưa kể dự án 5 triệu tấn của tập đoàn Tata (Ấn Độ) liên doanh với Tổng công ty Thép Việt Nam tại Hà Tĩnh và dự án thép tấm cán nóng Bà Rịa - Vũng Tàu (Tông công ty Thép Việt Nam mua lại của Tập đoàn Essar) 2 triệu tấn/năm, nằm trong quy hoạch nhưng đang gặp khó khăn…
Như vậy có thể thấy, việc phá vỡ quy hoạch và những hệ luỵ của ngành thép đã rất rõ ràng. Lúc này, cuộc khủng hoảng thừa thép đã không còn ở dạng “nguy cơ” mà nó đang hiện hữu, tác động tiêu cực đến chính các DN, đẩy ngành thép vào tình trạng khó khăn không lối thoát như hiện nay.
Vấn đề là chúng ta đã nhìn ra bất cập trong việc phá vỡ quy hoạch ngành thép nhưng tại sao lại không thể tìm ra biện pháp để giải quyết?
Lợi ích cục bộ địa phương lâu nay đã được coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc bung ra của các nhà máy thép. Tình trạng địa phương nào cũng muốn “đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá”, ưu tiên “trải thảm đỏ” để mời gọi các dự án công nghiệp đã trở nên phổ biến. Chính vì thế, nhiều dự án thép, dù về nguyên tắc, không thuộc thẩm quyền của địa phương cấp phép nhưng vì lợi ích trước mắt, vì tư duy “nhiệm kỳ” mà không ít lãnh đạo địa phương đã tìm cách “phù phép”, biến các dự án cấp Trung ương phê duyệt thành dự án thuộc cấp “tỉnh” để mưu lợi.
Xét ở góc độ địa phương, việc mọc lên một nhà máy thép có thể khiến địa phương đó có diện mạo của một tỉnh tiến dần tới công nghiệp hoá. Nhưng hẳn người ta chưa nghĩ đến những hậu quả về ô nhiễm môi trường, về nguy cơ thiếu điện và sát thực hơn là nguy cơ phá sản của chính các DN thép khi mà cuộc khủng hoảng thừa ngày càng nặng nề hơn. Đó là chưa kể, chỉ còn 6 năm nữa thôi, khi chúng ta buộc phải mở cửa thị trường, chấm dứt hoàn toàn chính sách bảo hộ đối với sản xuất thép, cuộc cạnh tranh sẽ vô cùng khốc liệt… Khi đó, ai sẽ cứu các DN thép ?
Chủ tịch VSA, ông Phạm Chí Cường cảnh báo: Để tồn tại được trong cuộc canh tranh khốc liệt đó, ngay bây giờ, chính các DN thép phải tự cứu mình bằng cách tập trung đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật, hoàn thiện công tác quản lý, chuyển hướng đầu tư bền vững, sản xuất sản phẩm có sự ổn định để phát huy năng lực của mình, phát triển bền vững trong điều kiện hội nhập.
Ông Cường cũng cho rằng, chính cuộc khủng hoảng này là thời cơ để ngành thép sàng lọc những DN yếu, tái cơ cấu lại toàn ngành…
Theo số liệu của Bộ Công Thương, đến nay, cả nước có 65 dự án thép có công suất thiết kế từ 100.000 tấn/năm trở lên, trong đó có 58 dự án trong nước và 7 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư là 41.623 tỉ đồng và 19.878 triệu USD. Điều đáng nói là trong số các dự án kể trên, có tới 32 dự án không thuộc danh mục quy hoạch đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tập trung ở các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hải Dương... Trong số này có hơn 20 dự án là địa phương cấp sai thẩm quyền, nghĩa là đáng lẽ trước khi cấp phép, địa phương cần phải xin ý kiến bộ chuyên ngành như Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường... và báo cáo Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Nhưng địa phương cứ làm theo nguyên tắc dự án nào dưới 1.500 tỉ đồng là tự quyết định mà không hỏi ý kiến Trung ương…