Nợ đọng lãi vay lớn
Nhắc đến nợ chi phí lãi vay phải trả lớn, DN đầu tiên được nghĩ đến trên sàn chứng khoán là CTCP Sông Đà Thăng Long (STL). Hết năm 2012, tổng số tiền lãi vay phải trả của Công ty lên tới 688,965 tỷ đồng. Cả năm 2012, tổng chi phí lãi vay phát sinh tới hơn 552 tỷ đồng, nhưng chỉ 50 tỷ đồng lãi vay (gần 10% số lãi phát sinh) đã trả cho các chủ nợ.
Đối với CTCP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam (THV), phá sản là điều được thị trường dự báo từ hơn 1 năm nay. Đến 31/12/2012, khi vốn chủ sở hữu của Công ty chỉ còn hơn 10 tỷ đồng, cửa thoát hiểm của Thái Hòa rất mong manh. Sử dụng vốn vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn, doanh thu không có, Thái Hòa không chỉ làm “bốc hơi” vốn chủ sở hữu, mà còn khiến các chủ nợ lao đao, khi cả gốc lẫn lãi phát sinh đều khó thu hồi.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2012 của Công ty cho thấy, năm 2012, Công ty chỉ trả được 13 tỷ đồng chi phí lãi vay. Tại thời điểm 31/12/2012, tổng số lãi vay chưa trả của Thái Hòa lên tới 341 tỷ đồng, tăng 200 tỷ đồng so với cuối năm 2011.
Một DN niêm yết khác cũng có nợ lớn từ lãi vay chưa trả là CTCP Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình giao thông 584 (NTB). Đầu năm 2012, NTB gây bất ngờ khi công bố sẽ hỗ trợ CTCP Thủy sản Bình An (Bianfishco), nhưng bản thân NTB lại ở trong tình trạng khó khăn. Năm 2012, tổng chi phía lãi vay phát sinh lên tới 174,412 tỷ đồng, nhưng số tiền lãi Công ty trả cho chủ nợ chỉ là 34,158 tỷ đồng, đưa tổng nợ chi phí lãi vay phải trả tính đến 31/12/2012 lên tới 211,402 tỷ đồng.
Ngoài các DN kể trên, hàng loạt DN có số dư lãi vay phải trả cuối năm 2012 tăng mạnh so với cuối năm 2011, dù vay nợ không tăng. Khó khăn về dòng tiền khiến không chỉ việc trả nợ gốc bị chậm, mà ngay cả chi phí lãi vay phát sinh cũng bị nhiều DN… chậm luôn.
Vốn hóa lãi vay cũng lớn
Năm 2012, Sông Đà Thăng Long chỉ lỗ 71,8 tỷ đồng. Đây là hệ quả của việc doanh thu sụt giảm, chỉ bằng hơn 1/3 doanh thu cùng kỳ và hạch toán chỉ gần 41 tỷ đồng vào chi phí lãi vay trong kỳ. Tuy nhiên, lãi vay thì vẫn cứ phát sinh và trên thực tế, Sông Đà Thăng Long đã vốn hóa tới hơn 510 tỷ đồng chi phí lãi vay, tính riêng năm 2012.
Không tiêu cực như Sông Đà Thăng Long, CTCP Quốc Cường Gia Lai có mức lãi 13,4 tỷ đồng năm 2012. Báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy, con số này đến từ khoản thu nhập khác, chứ không đến từ hoạt động kinh doanh chính. Tuy nhiên, có một điều đáng lưu ý trong thuyết minh BCTC của Công ty là 100 tỷ đồng chi phí lãi vay được vốn hóa vào các dự án bất động sản, 72 tỷ đồng chi phí lãi vay được tính vào chi phí trong kỳ, bởi tổng các khoản vay ngắn và dài hạn của Quốc Cường Gia Lai lên tới 3.000 tỷ đồng.
Với CTCP Bất động sản Phát Đạt, dù tổng vay nợ hơn 2.700 tỷ đồng, với đa số các khoản vay chịu lãi suất 15%/năm, nhưng chỉ có 3,9 tỷ đồng tiền lãi vay được hạch toán vào chi phí tài chính năm 2012.
Trong các trường hợp trên, DN đều có cơ sở khi vốn hóa các khoản chi phí lãi vay phát sinh trong năm, do mục đích của vay vốn là để tài trợ cho các dự án (chưa phát sinh doanh thu). Tuy nhiên, khi giá hầu hết các tài sản bất động sản đều đã và đang giảm, DN lại vốn hóa thêm chi phí lãi vay thì tài sản bất động sản của DN rất có thể có giá hạch toán khác xa giá thị trường.
Điểm mặt chủ nợ lớn
Theo BCTC quý IV/2012 của Sông Đà Thăng Long, 5 ngân hàng, công ty tài chính (không tính trái chủ) hiện cho Công ty vay nhiều nhất là: Công ty Tài chính cổ phần Sông Đà (450 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Quân đội (313 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP An Bình (214,120 tỷ đồng), Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (128,296 tỷ đồng) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (41,856 tỷ đồng). Đây là các khoản vay gốc, chưa tính đến 700 tỷ đồng lãi vay chưa trả, gần 1.500 tỷ đồng vay trái phiếu doanh nghiệp.
Không có thuyết minh chi tiết các khoản nợ vay, nhưng có thể ghi nhận dữ liệu về 10 ngân hàng chủ yếu còn dư nợ cho vay Thái Hòa tính đến nửa đầu năm 2012 gồm Ngân hàng Phát triển Việt Nam -VDB (219,3 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam -Vietcombank (192 tỷ đồng), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - Agribank (168,5 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Hàng Hải - Maritime Bank (155 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (97 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP An Bình - ABBank (94 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội - SHB (78 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội – Habubank (đã sáp nhập với SHB, 137,1 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam -Techcombank (66,5 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Quốc tế - VIB (19,2 tỷ đồng).
Đối với Công ty 584, số dư nợ gốc của các ngân hàng tại thời điểm 31/12/2012 gồm: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (58,96 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (370 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Phương Nam (150 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Nam Á (87 tỷ đồng), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (515,244 tỷ đồng).