14/07/2012 7:46 AM
Nhiều ý kiến không đồng tình việc dự án kinh doanh nhưng Nhà nước lại đứng ra thu hồi.

>>Giá đất đền bù nên thông qua thẩm định giá?

“Luật Đất đai 2003 có hai cơ chế: Nhà nước thu hồi đất trong một số trường hợp và doanh nghiệp (DN) tự thỏa thuận. Tuy nhiên, cơ chế thỏa thuận có bất cập là chỉ còn một vài trường hợp không đồng ý thì dự án cũng bị ách tắc. Có ý kiến cho rằng có nên duy trì cơ chế thỏa thuận không?”. Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Thứ trưởng Bộ TN&MT, đặt vấn đề tại hội thảo về cơ chế thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư do Hiệp hội Bất động sản TP.HCM tổ chức ngày 13-7.

Dự án kinh doanh không để Nhà nước thu hồi

Đại đa số ý kiến đều cho rằng cần duy trì hai cơ chế thu hồi đất như quy định tại Luật Đất đai hiện nay. Luật sư Trương Thị Hòa cho biết hiện đất đai đã được xem là quyền tài sản thì phải có cơ chế thỏa thuận với người sử dụng đất.

“Chỉ những dự án an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia, công cộng thì Nhà nước mới thu hồi. Còn dự án kinh doanh của DN thì dứt khoát phải thỏa thuận với người dân. Tôi rất không đồng tình nếu dự án kinh doanh nhưng Nhà nước thu hồi” - ông Lê Đình Tú, Giám đốc Công ty nhà Bình Dân, phát biểu.

Thu hồi đất xây dựng khu đô thị mới ở quận 2, TP.HCM. Ảnh: HTD

Ông Tú cho biết một số DN cho rằng nên “mượn tay” và bồi dưỡng cho ban bồi thường giải phóng mặt bằng để cơ quan này thu hồi đất cho thuận tiện. “Đó là cách làm vô nhân đạo với người bị thu hồi đất” - ông Tú thẳng thắn nhận xét. Tuy nhiên, ông Tú cũng không ủng hộ quy định phải thỏa thuận đến cùng vì có những trường hợp không thể thỏa thuận được. “Trong trường hợp đã có 80%-90% hộ dân đồng ý thì thiểu số còn lại phải phục tùng theo giá bồi thường của đa số. Đó là giá thỏa thuận, tức đã rất hợp lý chứ không phải bị chèn ép” - ông Tú kiến nghị.

Ông Lê Chí Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức, đề xuất: Với 10%-20% hộ dân còn lại không chịu thỏa thuận thì cần thực hiện theo cơ chế thu hồi thông qua tòa án. Giám đốc Công ty Lê Thành, ông Lê Hữu Nghĩa, góp ý: Để thỏa thuận đạt kết quả tốt nhất thì nên tạo điều kiện cho người dân được giữ lại một phần đất sau khi làm dự án. “Có những trường hợp không chấp nhận bán vì là đất của tổ tiên dòng họ, việc bố trí lại một phần đất tại chỗ trong dự án có thể thuyết phục được họ” - ông Nghĩa chia sẻ kinh nghiệm.

Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN&MT, nhận xét sự tồn tại song song hai cơ chế thu hồi đất là một tất yếu xảy ra ở mọi quốc gia. Vấn đề quan trọng là cách thực hiện làm sao cho tốt. “Phải có sự tương đồng về giá bồi thường giữa hai cơ chế, chứ người dân không cần phân biệt chủ thể mua lại là ai. Nhưng tình hình hiện nay Nhà nước thu hồi thì giá khác, DN thỏa thuận lại giá khác. Đất công viên cây xanh thì bồi thường giá thấp, dự án nhà ở lại có giá cao dù hai vị trí sát nhau” - ông Kiệt bày tỏ.

Đề nghị bỏ khái niệm “tiền sử dụng đất”

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP, ông Lê Hoàng Châu, đề nghị bỏ khái niệm “tiền sử dụng đất” mà thay thế bằng sắc thuế có tên gọi là “thuế giá trị tăng lên do chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở”. Theo đó, DN nộp thuế với mức thuế suất là 10%-20% trên bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành. Bảng giá này được kiến nghị phải sát giá thị trường và ổn định ít nhất năm năm. Ông Châu cho biết Hiệp hội phản đối đến cùng quy định DN phải nộp tiền sử dụng đất theo giá thị trường vì trước đó họ đã phải mua một lần theo giá thỏa thuận với dân.

Chủ tịch HĐQT Công ty Nam Long, ông Trương Xuân Quang, đồng tình với đề xuất trên. Theo ông Quang, để đất nông nghiệp thành đất ở phải gồm rất nhiều yếu tố như tiền bồi thường, tiền sử dụng đất, tiền đầu tư hạ tầng, chi phí quản lý. “Không phải có một quyết định giao đất hay quyết định phê duyệt quy hoạch thì tự nhiên có đất ở. Do đó, DN nộp tiền sử dụng đất với mức 10%-20% bảng giá đất (sát giá thị trường) là hợp lý và đúng với ý nghĩa Nhà nước điều tiết nguồn lợi từ đất như Luật Đất đai đã nói” - ông Quang bày tỏ.

Ông Lê Chí Hiếu cũng cho rằng mối quan hệ giữa Nhà nước và DN bất động sản đang diễn ra rất bất bình đẳng, DN không được chia sẻ. “Ngành tài chính tìm đủ cách để tính tiền sử dụng đất cao nhất, khi có kết quả thẩm định giá là yêu cầu DN phải nộp ngay, trễ quá ba tháng không nộp là phạt, trễ hơn nữa thì thu hồi luôn…” - ông dẫn chứng.

Theo PL Tp.HCM
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.