Hiện nay, nhiều dự án BOT có tình trạng xé rào tỷ lệ góp vốn coi thường các điều khoản được ấn định tại Hợp đồng BOT, cũng như các quy định về trình tự đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước. Tuy nhiên, để xử lý triệt để vấn đề này, vẫn còn nhiều khoảng trống trong các quy định. Thậm chí có địa phương “không biết xử lý thế nào” với DN và phải gửi công văn “cầu cứu” lên Cục quản lý kinh doanh- Bộ Kế hoạch đầu tư (KHĐT) xin hướng dẫn cách xử lý.
Thản nhiên “xé rào” góp vốn
Trong năm qua, báo chí đã nêu khá nhiều vụ trong đó có hiện tượng tại dự án Nâng cấp mở rộng QL4 đoạn (Km1738+148 ÷ Km1763+610) tỉnh Đắk Lắk. Các kết luận Thanh tra dự án này cho thấy Cty CP BOT Quang Đức là DN dự án với vốn điều lệ 260 tỉ đồng, nhưng đến thời điểm thanh tra, có tới 2 nhà đầu tư chưa thực hiện góp vốn theo cam kết và Cty Quang Đức chỉ góp 102,2 tỉ đồng, so với cam kết hợp đồng BOT là 125,41 tỉ đồng. Mãi đến năm 2014, sau khi bị BQL Dự án đường Hồ Chí Minh phát hiện và dọa “chấm dứt hợp đồng”, Cty này mới có văn bản báo cáo Bộ GTVT đề nghị chấp thuận thay đổi tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư dự án.
Rõ rệt hơn là câu chuyện chuyển đổi cổ phần và xin giảm vốn của CTCP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đối với dự án BOT QL51.
Sở KHĐT tỉnh Đồng Nai đã có văn bản số 3655/SKHĐT-ĐKKD xin ý kiến Cục Quản lý đăng ký kinh doanh về việc hướng dẫn xử lý hồ sơ cho CTCP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (BVEC).
Đây là DN thực hiện Dự án xây dựng, mở rộng QL51, đoạn Biên Hòa - Vũng Tàu theo hình thức BOT. Các nhà đầu tư được chấp thuận tại Văn bản số 7962/VPCP-KTN, ngày 11.9.2008, gồm TCT Đầu tư phát triển đô thị và KCN Việt Nam (IDICO), TCT Sông Đà và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Các nhà đầu tư này đã thành lập BVEC để phát triển dự án.
Thanh tra Bộ xây dựng đã phát hiện nhiều sai phạm và công bố tại Kết luận thanh tra số 379/KL-TTr. như tính toán khối lượng chưa chính xác, lập dự toán xây dựng công trình chưa đúng quy định và một số sai sót khác làm tăng giá trị dự toán số tiền 40,015 tỉ đồng. Chất lượng thi công công trình đáng báo động khi kiểm định cho thấy chất lượng mặt đường không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật...
Trong đó, đáng chú ý còn có vấn đề vốn góp khi các nhà đầu tư được chấp thuận theo Văn bản 7962 đã không góp đủ số vốn, đúng thời hạn quy định và sau đó còn chuyển nhượng phức tạp.
Theo công văn của Sở KHĐT tỉnh Đồng Nai, năm 2008, BVEC được Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với số vốn điều lệ là 1.750 tỉ đồng, trong đó số vốn đã góp là 1.557 tỉ đồng.
IDICO góp 857,5 tỉ đồng (49%); Tập đoàn TCT sông Đà (sau chuyển đổi thành Tập đoàn Sông Đà) góp 525 tỉ đồng (30%); BIDV góp 175 tỉ đồng (10%).
Đến tháng 10.2011, DN này đăng ký thay đổi với nội dung là cổ đông sáng lập chuyển nhượng cổ phần. Theo đó, Tập đoàn Sông Đà bán toàn bộ số vốn góp 525 tỉ đồng cho TCT CP Đầu tư phát triển xây dựng. BIDV bán toàn bộ cổ phần cho CTCP Phát triển đường cao tốc BIDV.
Đến tháng 11.2011, một lần nữa, các cổ đông của BVEC chuyển nhượng cổ phần. Cổ đông mới, CTCP Xây dựng thương mại tổng hợp Thái Ninh mua lại một phần cổ phần từ TCT CP đầu tư phát triển xây dựng và mua lại toàn bộ cổ phần từ CTCP Phát triển đường cao tốc BIDV.
Cho đến tháng 11.2016, BVEC nộp hồ sơ thay đổi người đại diện theo pháp luật và giảm vốn điều lệ. Nội dung thay đổi người đại diện thì không có gì phức tạp nhưng nội dung giảm vốn điều lệ cho thấy câu chuyện vốn “ảo” tại Cty này khá nghiêm trọng.
Mặc dù vốn đăng ký là 1.750 tỉ đồng nhưng thực chất các cổ đông sáng lập, cho đến tháng 11.2016, mới chỉ góp được 307 tỉ đồng. Cty đề nghị giảm 1.442 tỉ đồng vốn điều lệ với hình thức giảm là do các cổ đông không thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua.
Xử lý lúng túng
Luật doanh nghiệp cho phép Cty CP được giảm vốn điều lệ trong trường hợp cổ đông sáng lập không thanh toán đủ số vốn góp như đã cam kết. Theo đó, các cổ đông sáng lập phải góp đủ số vốn trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
BVEC được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vào tháng 12.2008 như vậy, đến tháng 3.2009, các cổ đông sáng lập phải thanh toán đủ số vốn cam kết.
Nhưng trong trường hợp này, các cổ đông sáng lập của Cty không những không góp đủ vốn mà còn chuyển nhượng vốn đã đăng ký mua. Cty cũng đã xác nhận việc chuyển nhượng này.
Tình trạng này khiến Sở KHĐT tỉnh Đồng Nai lúng túng vì không biết nội dung giảm vốn này có phù hợp với quy định pháp luật và phải gửi công văn hỏi ý kiến Cục Quản lý đăng ký kinh doanh.
Theo Luật sư Hồ Anh Khoa, Đoàn Luật sư Hà Nội, Luật doanh nghiệp quy định cổ đông sáng lập phải nộp đủ số vốn đã cam kết trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp GCN đăng ký kinh doanh. Trường hợp cổ đông không nộp đủ tiền, cũng không làm thủ tục để giảm vốn điều lệ thì được coi là vi phạm. Nếu bị thanh tra, kiểm tra và phát hiện thì bị xử phạt vi phạm hành chính. Sau đó, buộc giảm vốn điều lệ cho đúng với mức vốn thực góp.
Vấn đề là Sở KHĐT tỉnh Đồng Nai đã không kịp thời phát hiện xử lý mà để sự việc kéo dài nhiều năm, từ năm 2008 – 2016. Chưa kể cổ đông sáng lập đã bán phần vốn góp/quyền góp vốn cho đối tác khác. Giao dịch chuyển nhượng qua 2 lần khiến việc giải quyết phức tạp.
Thực tế quy định hiện tại, cơ quan quản lý nhà nước cũng khó để có thể kiểm tra thực tế thanh toán tiền góp vốn của các cổ đông. Thêm nữa, cơ chế để cơ quan nhà nước công nhận giá trị vốn góp thực tế cũng không thực sự rõ ràng, nên khó cho cả phía DN.
Bùi Trang (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.