19/10/2013 8:17 AM
Theo ghi nhận của PV, phiên giao dịch bất động sản (BĐS) lần II tại Cung Triển lãm quy hoạch quốc gia (Từ Liêm, Hà Nội) dù được kỳ vọng sẽ đem lại luồng gió mới trên thị trường BĐS với hơn 3.500 sản phẩm nhà ở xã hội và nhà thương mại đã diễn ra khá tẻ khi số người tới tìm hiểu thông tin nhà ở không nhiều.

Dù tại lễ khai mạc, số người dự khá đông nhưng phần lớn là khách mời và nhân viên doanh nghiệp tham gia hội chợ, trong khi người dân tới không nhiều.

Tại gian hàng của Cty Kinh doanh BĐS Viglacera (Viglacera Land), dù vị trí đầu lối vào, với các dự án nhà ở xã hội giá rẻ nhất thị trường (dưới 9 triệu đồng/m2), nhưng số người tới tìm hiểu rất ít.

Trong cả buổi chiều, chỉ lác đác vài khách hàng ghé qua, nhân viên chống cằm đợi khách. Nhiều gian hàng của doanh nghiệp khác cũng trong cảnh tương tự, trong khi nhân viên tụ tập thành từng tốp nói chuyện, chơi game, người gục bàn ngủ.

“Cũng có đông người tới xem và lấy tờ rơi giới thiệu, nhưng chỉ có khoảng 10 người để lại thông tin cá nhân mong muốn liên hệ tìm hiểu dự án nhà ở xã hội”, nhân viên tư vấn của Viglacera Land cho biết.

Bác Nguyễn Văn Đức (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, đọc thông tin trên báo nên tới xem nhưng thấy doanh nghiệp chủ yếu giới thiệu dự án đang xây dựng hoặc sắp hoàn thiện, vị trí lại quá xa nên bác bỏ về luôn. “Mình chỉ mua nhà vào ở được ngay, chứ mua nhà trên giấy, nộp tiền vào, biết bao giờ mới có nhà ở”, bác Đức nói. Anh Trịnh Huy Phượng (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, dù có sẵn 3 tỷ đồng nhưng tìm từ đầu năm tới nay vẫn chưa mua được chung cư nào ở gần trung tâm.

“Số người nhiều tiền ngày một ít, giới đầu tư thứ phát cũng giảm vì ngân hàng siết cho vay, tiền vốn của họ đang “chết” ở các dự án trên giấy. Còn đa phần người dân đang lo thiếu ăn mấy ai nghĩ tới mua nhà”, ông Trịnh Huy Thục, nguyên Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) nói.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho hay, do tác động của khủng hoảng kinh tế, nhiều dự án BĐS xây dựng dở dang, chậm tiến độ… đã đánh mất niềm tin của khách hàng vào sự minh bạch của thị trường.

Lê Hữu Việt (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.