Việc NHNN chủ động điều chỉnh lộ trình thực hiện tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn cho các TCTD theo hướng kéo dài thời gian hạ thấp tỷ lệ này của các TCTD về 40% từ năm 2018 sang năm 2019 là cần thiết và hợp lý.
Mấy năm trước Việt Nam đã trải qua một giai đoạn lạm phát phi mã, thị trường tiền tệ thiếu ổn định, tỷ giá và giá vàng biến động từng ngày. Từ đó tạo ra tâm lý của người dân không muốn gửi tiền nhàn rỗi của mình vào ngân hàng với các kỳ hạn dài.
Nhưng thời gian đó, các kênh đầu tư khác không nhiều và gửi tiết kiệm ngân hàng lúc đó vẫn là một kênh được đại bộ phận dân chúng có số tiền nhỏ lựa chọn như một khoản đầu tư. Mặc dù các khoản tiết kiệm chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn nhưng cũng ít bị rút ra khi đến hạn nên tính ổn định trong nguồn vốn ngắn hạn khá cao. Và tuy tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của hệ thống ngân hàng không nhỏ, song rủi ro mất cân đối kỳ hạn đã không xảy ra.
Ảnh minh họa
Đến nay tình hình đã có sự thay đổi đáng kể. Tính phức tạp, ẩn chứa rủi ro trên thị trường ngày càng gia tăng đòi hỏi hệ thống ngân hàng phải áp dụng ngặt nghèo hơn các chuẩn mực an toàn.
Vì vậy, Thông tư số 36/2014 của NHNN đã được ban hành, đưa ra quy định về đảm bảo an toàn hoạt động cho các TCTD. Trong đó quy định tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các TCTD phải hạ thấp dần theo lộ trình xuống còn 40% vào 2018.
Để thực hiện lộ trình này, các NHTM đã nỗ lực đưa ra các sản phẩm hấp dẫn để thu hút nguồn vốn trung và dài hạn. Tuy nhiên, cũng cần phải nói lạm phát được ổn định ở mức thấp trong vài năm gần đây, người dân tin tưởng vào hệ thống ngân hàng hơn, nên các NHTM đã tăng được nhiều hơn nguồn vốn trung và dài hạn.
Mặc dù vậy, việc huy động vốn trung, dài hạn của các TCTD hiện vẫn còn không ít khó khăn, do trên thị trường đã xuất hiện nhiều kênh đầu tư hơn để người dân lựa chọn. Vì vậy để tái cơ cấu lại nguồn vốn, tăng nguồn vốn trung dài hạn hơn nữa, đòi hỏi phải có thời gian nhất định, không thể đẩy các NHTM vào những rủi ro, do phải sử dụng biện pháp tăng cao lãi suất để huy động đủ nguồn vốn trung dài hạn theo quy định.
Hơn nữa nhu cầu cho vay trung dài hạn vẫn tiếp tục gia tăng, do nền kinh tế vẫn tiếp tục có những bước đột phá mới, các DN có nhu cầu đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, ứng dụng công nghệ hiện đại tạo ra những sản phẩm mới… nhất là trong bối cảnh thị trường vốn chưa phát triển, nên vốn ngân hàng đang là nguồn cung ứng chủ yếu cho nền kinh tế.
Theo số liệu thống kê đến tháng 4/2017, cho vay trung dài hạn toàn hệ thống chiếm 53% tổng dư nợ trong khi đó huy động vốn trung dài hạn chỉ mới đạt 15% tổng nguồn huy động của các TCTD.
Để đáp ứng yêu cầu thực tế này, việc NHNN chủ động điều chỉnh lộ trình thực hiện tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn cho các TCTD theo hướng kéo dài thời gian hạ thấp tỷ lệ này của các TCTD về 40% từ năm 2018 sang năm 2019 là cần thiết và hợp lý. Hơn nữa, với tính phức tạp của thị trường tài chính ngày càng gia tăng, cộng thêm yêu cầu thúc đẩy tái cơ cầu nguồn vốn của các TCTD, việc quy định giảm tỷ lệ này từ 50% hiện nay xuống 45% vào năm 2018 là bước đi phù hợp và hỗ trợ vốn cho tăng trưởng kinh tế.
TS.Nguyễn Thị Kim Thanh (TBNH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.