11/05/2015 3:55 PM
Với quyết định điều chỉnh tăng tỷ giá VND/USD thêm 1% từ 7/5 vừa qua sẽ khiến mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất VND để hỗ trợ doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn. Dù cơ hội đang bị thu hẹp lại nhưng giới chuyên môn cho rằng vẫn có thể hạ lãi suất cho vay VND nếu thanh khoản của các ngân hàng tiếp tục dư dả.

Tỷ giá có thể tạm yên trong lúc này nhưng nếu các yếu tố vĩ mô tiếp tục tăng cường hay USD tiếp tục tăng giá thì rất có thể người dân hay những nhà đầu cơ có thể nghĩ rằng tỷ giá sẽ biến động, và việc găm giữ hay rút tiền VND để chuyển sang USD sẽ xảy ra.

Bên cạnh những đánh giá tích cực về quyết định điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, giới chuyên môn cũng tỏ ra khá lo ngại việc tăng tỷ giá sẽ có những ảnh hưởng xấu đến mục tiêu giảm lãi suất VND.

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, tăng tỷ giá cũng sẽ ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất hiện nay và cũng sẽ tác động tới lạm phát, vì theo tính toán tỷ giá điều chỉnh thêm 1% thì sẽ khiến lạm phát tăng 0,2%.

Trên lý thuyết là tăng...

Theo đánh giá của TS.Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế-Tài chính, Học viện Tài chính, do tình trạng đô la hóa nên việc kỳ vọng tỷ giá tăng sẽ khiến cho người dân chuyển sang nắm giữ vàng, USD và khiến cho lãi suất huy động và cho vay tăng theo.

Qua các tính toán, ông Độ cho biết, khi tỷ giá VND/USD tăng 1% sẽ khiến cho lãi suất huy động tăng khoảng 0,3-0,33 điểm phần trăm, còn lãi suất cho vay sẽ tăng khoảng 0,35-0,4 điểm phần trăm.

Như vậy, với việc điều chỉnh tăng tỷ giá 2% mỗi năm sẽ khiến cho mặt bằng lãi suất tăng thêm khoảng 0,6-0,8 điểm phần trăm. Còn nếu mức điều chỉnh tỷ giá tăng 3%, thì lãi suất sẽ bị đội lên thêm khoảng 1-1,2 điểm phần trăm.

Mặc dù vậy, với thực tế hiện nay, TS.Nguyễn Đức Độ cho rằng, sự gia tăng của tỷ giá VND/USD không phải là trở ngại duy nhất, đồng thời cũng không phải là trở ngại lớn nhất đối với mục tiêu hạ mặt bằng lãi suất huy động và cho vay hiện nay.

“Những vấn đề như nợ xấu, thâm hụt ngân sách, nợ công, phát hành trái phiếu chính phủ... có thể mới là những yếu tố chính khiến mặt bằng lãi suất bị đội lên khoảng 1,5 điểm phần trăm trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay”, TS. Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, ông Hiếu cũng cho rằng, động thái điều chỉnh tỷ giá thêm 1% của Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ ảnh hưởng tới lãi suất.

Mặc dù tỷ giá đã hạ nhiệt trong những ngày qua, tuy nhiên, quan sát thị trường, ông Hiếu nhận thấy áp lực lên tỷ giá đang rất lớn. Điều này không chỉ do yếu tố tâm lý, mà còn đến từ các yếu tố vĩ mô khác như nợ công, nhập siêu...

Tỷ giá có thể tạm yên trong lúc này nhưng nếu các yếu tố vĩ mô tiếp tục tăng cường hay USD tiếp tục tăng giá thì rất có thể người dân hay những nhà đầu cơ có thể nghĩ rằng tỷ giá sẽ biến động, và việc găm giữ hay rút tiền VND để chuyển sang USD sẽ xảy ra.

Trong bối cảnh đó, các ngân hàng bắt buộc phải tăng lãi suất để cầm chân khách hàng.

“Tất cả mới chỉ là dự đoán nhưng khả năng các yếu tố đó đẩy lãi suất lên là có thật. Tỷ giá tăng lên cũng khiến mục tiêu giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp cũng sẽ khó khăn hơn rất nhiều”, ông Hiếu nhấn mạnh.

...nhưng vẫn có thể giảm trong thực tế

Những lần trước khi điều chỉnh, tỷ giá ngay lập tức hạ nhiệt và thị trường đi vào ổn định và điều này đã giúp giảm lãi suất VND.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, lần điều chỉnh tỷ giá này có tác động khác hẳn. Những yếu tố vĩ mô đang tác động mạnh lên tỷ giá, chính vì vậy, lần điều chỉnh này có thể sẽ khiến lạm phát tăng lên. Khi lạm phát tăng, cơ hội giảm lãi suất sẽ trở nên khó khăn hơn.

Dựa trên những quan sát của cá nhân, ông Hiếu cho rằng từ nay đến cuối năm rất khó giảm lãi suất VND để hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh những thách thức về áp lực tỷ giá, thì nợ xấu tại các ngân hàng đang được xem là yếu tố quan trọng đẩy lãi suất lên cao.

Bên cạnh đó, chi phí vốn của các ngân hàng cũng được đẩy lên cao, ngoài giá vốn các ngân hàng cũng phải duy trì dự trữ bắt buộc và lượng dự trữ này sẽ khiến chi phí vốn tăng lên... và khi đó, tỷ lệ lãi cận biên (NIM) phải ở mức 3-4% thì mới đảm bảo cho ngân hàng có lãi. Nói như vậy, không có nghĩa sẽ không giảm được lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp.

Vậy làm thế nào để giảm lãi suất cho vay? Theo ông Hiếu, các biện pháp có thể thực hiện là: giảm tỷ lệ dự trữ rủi ro bắt buộc đối với các khoản nợ xấu hay giảm bớt các chi phí hoạt động (hành chính, marketing...), hoặc Ngân hàng Nhà nước có thể bơm tiền qua OMO để tăng thanh khoản cho các ngân hàng...

Tất cả những biện pháp này sẽ giúp tạo thanh khoản dồi dào hơn cho các ngân hàng thương mại, từ đó các ngân hàng có thể thực hiện giảm lãi suất cho vay.

Trên thực tế, nếu các yếu tố vĩ mô tiếp tục thuận lợi, thị trường ngoại hối ổn định, thì khả năng lãi suất được điều chỉnh giảm hoàn toàn có thể thực hiện được.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), trong ngắn hạn, việc điều chỉnh tỷ giá đã giúp giải tỏa tâm lý đầu cơ, găm giữ USD. Còn trong trung hạn, áp lực lên tỷ giá trong hơn 7 tháng sắp tới vẫn là vấn đề cần lưu tâm khi cán cân thương mại của Việt Nam đang quay trở lại tình trạng nhập siêu với tốc độ nhanh.

Mặc dù vậy, các chuyên gia của BSC cho rằng yếu tố vĩ mô khả năng sẽ ổn định hơn, qua đó giúp giảm bớt áp lực tăng tỷ giá trong thời gian tới. Và như vậy, mục tiêu giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp vẫn khả thi...

Ngô Minh (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.