Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu quy hoạch điều chỉnh cần phải được rà soát, đánh giá, phân tích nghiên cứu kỹ lưỡng có xét đến chiến lược phát triển dài hạn đến năm 2030, quy hoạch tổng thể toàn diện đến năm 2020 và triển vọng kết nối vận tải quốc tế đáp ứng yêu cầu mở cửa, đảm bảo tính hiệu quả khi đầu tư.
Về nội dung điều chỉnh Quy hoạch, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo Tư vấn tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp tiếp tục làm rõ sự cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung các tuyến cao tốc, tiến độ và quy mô đầu tư đảm bảo đến năm 2020 mạng đường bộ cao tốc phải kết nối đến các trung tâm kinh tế trọng điểm khu vực, với các đầu mối giao thông quan trọng có nhu cầu vận tải cao; các tuyến cao tốc có tính liên hoàn, xem xét đến các tuyến nối các cao tốc, quy mô tùy theo yêu cầu; phân tích đánh giá kinh tế, tài chính để xây dựng kế hoạch đầu tư các tuyến cao tốc theo các giai đoạn đến năm 2020, năm 2025 và năm 2030 làm cơ sở đề xuất chiến lược huy động vốn đầu tư.
Ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, thực hiện Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Tổng cục đã tổ chức triển khai thực hiện và chỉ đạo Tư vấn-Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) tiếp thu, hoàn chỉnh báo cáo giữa kỳ gồm các nội dung: thuyết minh rõ sự cần thiết phải điều chỉnh bổ sung các tuyến cao tốc, tiến độ và quy mô đầu tư; cập nhật các tuyến đường cao tốc lên bản đồ, thể hiện kết nối mạng lưới đường cao tốc theo Quy hoạch điều chỉnh.
Về nội dung điều chỉnh Quy hoạch, Phó Tổng cục trưởng Phạm Quang Vinh cho biết Tư vấn nghiên cứu điều chỉnh theo hướng tuyến về quy mô, chiều dài đã, đang và chưa thực hiện đầu tư và hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng; xác định vị trí và loại nút giao chính, vị trí các công trình phụ trợ phục vụ đường cao tốc (trạm nghỉ, trạm thu phí), các trung tâm quản lý điều hành Bắc-Trung-Nam; bên cạnh đó phân tích đánh giá hiệu quả kinh tế, tài chính để xây dựng kế hoạch đầu tư các tuyến cao tốc theo các giai đoạn đến năm 2020, năm 2025 và năm 2030 làm cơ sở đề xuất chiến lược huy động vốn đầu tư.
Theo báo cáo của TEDI, phạm vi nghiên cứu Quy hoạch hầu như toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, trong đó trực tiếp đi qua địa phận của 56 tỉnh, thành phố, thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng, Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, trong nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch phạm vi còn mở rộng thêm các tỉnh thuộc khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.
Về nguyên tắc điều chỉnh các tuyến cao tốc được xem xét lại dựa trên dự báo lưu lượng giao thông, các quy hoạch và các đề xuất liên quan. Tuy nhiên, để đảm bảo đáp ứng nhu cầu vận tải, nguồn kinh phí đầu tư, khả năng hoàn vốn trong xây dựng các tuyến đường cao tốc và đảm bảo sớm hình thành các trục cao tốc làm động lực trọng cho phát triển kinh tế, ngoài việc xem xét điều chỉnh tiến trình đầu tư các tuyến cao tốc hợp lý, cần thiết phải xem xét đề xuất quy mô xây dựng phân kỳ đầu tư các tuyến cao tốc sao cho phù hợp với nguồn vốn đầu tư và đảm bảo tính hiệu quả của dự án.