Như luật bất thành văn, khi nhìn thấy viễn cảnh lợi nhuận không như mong muốn, hàng loạt các doanh nghiệp thay đổi con số kế hoạch hoặc quyết định sáp nhập vào "mẹ" để giảm chi phí, tìm cách “làm đẹp” báo cáo cuối năm. Ảnh minh họa: KL
Điệp khúc lùi
Lường trước được khó thăn không thể hoàn thành kế hoạch năm, Công ty Cổ phần Phát triển Bất Động sản Phát Đạt (PDR) đã thông báo giảm 92% kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2013 từ 36 tỷ xuống còn 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty cũng mạnh tay cắt giảm kế hoạch doanh thu bán hàng và dịch vụ từ 303 tỷ xuống 40 tỷ đồng. Đây không phải lần đầu tiên “ông lớn” này quyết định điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh.
Trong lũy kế 9 tháng đầu năm 2013, Công ty Phát Đạt ghi nhận doanh thu 26,75 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng nhờ giá vốn giảm mạnh tương ứng đã góp phần làm lãi ròng công ty tăng nhẹ, đạt hơn 1,43 tỷ đồng. Bên cạnh đó, PDR cũng từng thông báo giảm giá bán 50% trong cuối quý III/2013 để đưa 34 căn biệt thự và 41 nhà phố thương mại thuộc dự án EverRich 3 vào kinh doanh.
Sau hai năm liên tiếp điều chỉnh giảm, Công ty Cổ phần Đầu Tư và Xây Dựng HUD3 (HU3) tiếp tục điều chỉnh kế hoạch năm 2013 với mức doanh thu từ 315 tỷ đồng xuống còn 280 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế từ 22 tỷ đồng xuống còn 17 tỷ đồng.
Có lẽ, Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC) là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi khi điều chỉnh tăng kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu tăng từ 2.155 tỷ đồng lên 2.269,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế từ gần 161 tỷ đồng lên hơn 200,6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế từ 121,7 tỷ đồng lên 151,6 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 5% cho doanh thu và 25% cho lợi nhuận trước thuế và sau thuế.
Mặc dù điều chỉnh tăng nhưng kết quả kinh doanh quý III của TDC khá tệ khi lỗ ròng 9,6 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 17,7 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng 2013, TDC lãi vỏn vẹn 174 triệu đồng, trong khi 9 tháng 2012 lãi 27,45 tỷ đồng. Tại 30/9/2013, hàng tồn kho của TDC là 2.158 tỷ đồng, tăng hơn 500 tỷ đồng so với hồi đầu năm và chiếm 60% tổng tài sản.
Rũ bỏ “con, cháu”
Khi thị trường hưng thịnh, các “ông lớn” đua nhau thành lập hàng loạt công ty con, cháu. Nhưng khi kinh tế khó khăn, đại gia cạn tiền, hết hơi không lo nổi cho đàn con cháu quá đông đành phải rũ bỏ.
Sau hai tuần công bố góp vốn thành lập công ty con, mới đây Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Khang An (KAC) đã thống nhất chủ trương giải thể góp vốn là Công ty Cổ phần Đầu tư địa ốc Khang An - Nhơn Trạch. Theo giấy chứng nhận kinh doanh, Công ty Cổ phần Đầu tư địa ốc Khang An - Nhơn Trạch có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, trong đó KAC chiếm 80% (40 tỷ đồng) để kinh doanh bất động sản tại Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Tương tự, Công ty Cổ phần Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (DXG) công bố Nghị quyết Hội đồng Quản trị về việc thoái vốn tại 2 công ty con và 1 công ty liên kết liên doanh. Theo đó, HĐQT DXG đã thông qua việc chuyển nhượng 306.000 cổ phần của Công ty Cổ phần Green Real, tương đương giá trị 3,06 tỷ đồng với giá chuyển nhượng không thấp hơn 10.000 đồng/CP. Đồng thời thông qua chuyển nhượng toàn bộ 41% vốn tại Công ty Cổ phần Quy hoạch Kiến trúc Việt. Được biết, DXG hiện nắm giữ 160 triệu đồng vốn điều lệ tại Kiến Trúc Việt.
Bên cạnh đó, HĐQT DXG còn thông qua việc giảm tỷ lệ sở hữu tại 02 công ty con là Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Đất Xanh Tây Bắc và Công ty Cổ phần Đất Xanh Đông Á cùng từ 51% xuống còn 36%. 02 công ty con này đều có vốn điều lệ 6 tỷ đồng, trong đó DXG nắm giữ 3,06 tỷ đồng vốn tại Đất Xanh Tây Bắc. Trong tháng 11 vừa qua, DXG cũng đã chuyển nhượng dự án khu dân cư Tân Vũ Minh, Bình Dương với giá 70 tỷ đồng, gấp 2,5 lần tổng chi phí đầu tư dự án là 28 tỷ đồng.
Chính vì vậy, trong III/2013, DXG được hưởng một khoản doanh thu tài chính trên 40 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng 100% vốn cổ phần công ty con, góp phần cải thiện KQKD quý III với doanh thu thuần đạt 31,3 tỷ đồng (chủ yếu đến từ hoạt động môi giới) và lợi nhuận sau thuế 30 tỷ đồng, tăng 17,65% so với cùng kỳ.
Như luật bất thành văn, khi nhìn thấy viễn cảnh lợi nhuận không như mong muốn, hàng loạt các doanh nghiệp thay đổi con số kế hoạch hoặc quyết định sáp nhập vào "mẹ" để giảm chi phí, tìm cách “làm đẹp” báo cáo cuối năm cũng là điều dễ hiểu. Song, việc làm này chẳng để làm gì khi mà miếng bánh kết quả kinh doanh đã được bóc gần xong.