20/11/2013 10:15 PM
Tại hội thảo “Các giải pháp quản lý rủi ro, giải quyết xung đột trong thị trường bất động sản” GS Đặng Hùng Võ cho biết, những tranh chấp về cách tính diện tích căn hộ sẽ tiếp tục dai dẳng, không thể căn cứ vào hợp đồng để định ra ai đúng, ai sai.

Hàng trăm dân cư của dự án chung cư Đại Thanh tập trung trước sàn giao dịch Mường Thanh “tố” chủ đầu tư.

Bộ Xây dựng trước đó khẳng định, cả 2 cách tính đều không thiệt cho người mua nhà. Trong khi đó khách hàng tranh luận đến đổ máu với chủ đầu tư đòi quyền lợi và cho rằng Bộ đang đứng về phía doanh nghiệp.

Doanh nghiệp được lợi?

Tranh chấp về cách tính diện tích căn hộ đang là diễn ra phổ biến ở nhiều dự án. Khách hàng đeo băng rôn khẩu hiệu, yêu cầu chủ dự án giải thích tuy nhiên lại không nhận được sự hợp tác từ phía chủ đầu tư.
Cụ thể là trường hợp giữa khách hàng và chủ đầu tư tại chung cư Lê Văn Lương (Hà Đông, Hà Nội) với chủ dự án tập đoàn Nam Cường, khách hàng của tòa nhà CT6A Đại Thanh với chủ dự án Mường Thanh bị đánh chảy máu phải nhập viện.
Sau hàng loạt vụ tranh chấp liên quan đến cách tính diện tích căn hộ, trả lời báo chí về việc có nên thống nhất một cách tính diện tích đối với giao dịch mua bán căn hộ hay không, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Nguyễn Mạnh Hà lại cho rằng, việc tính diện tích sàn căn hộ theo 1 trong 2 phương pháp tại Thông tư 16 người mua căn hộ cũng không bị thiệt thòi về quyền lợi hay mang thêm lợi nhuận cho bên bán.
"Thông tư của Bộ Xây dựng không quy định bắt buộc bên bán và bên mua căn hộ nhà chung cư phải tính diện tích sàn căn hộ theo kích thước tim tường mà đã hướng dẫn 2 cách tính để các bên thỏa thuận" ông Hà nói.
Luật Nhà ở và Nghị định số 71/2010/NĐ-CP chỉ rõ cột hột kỹ thuật là phần diện tích chung của tòa nhà chung cư, nhưng theo Thông tư 16, diện tích căn hộ có thể được tính theo tim tường bao, tường ngăn chia các căn hộ.
Hiện, người dân dựa vào Nghị định 71, còn chủ đầu tư "vin" vào Thông tư 16 của Bộ Xây dựng.
Tại hội thảo “Các giải pháp quản lý rủi ro, giải quyết xung đột trong thị trường bất động sản” GS Đặng Hùng Võ cho biết, hiện hợp đồng, thỏa thuận giữa chủ đầu tư dự án và khách hàng mang tính áp đặt do chủ đầu tư đơn phương đưa ra, thiếu các quy định bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, thiếu sự giám sát của cơ quan chức năng.
Luật Chung cư, pháp luật còn thiếu các quy định về quản lý giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai, quản lý rủi ro chưa đúng cách, quy định chưa rõ ràng về không gian, ban quản lý chung cư, dịch vụ.
Cũng theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên nhân phát sinh các tranh chấp do thị trường bất động sản đã phát triển quá nóng trước đó, mang lại lợi nhuận cao trong một thời gian ngắn.
Có mặt tại buổi hội thảo, chị Thanh, khách hàng của dự án Dương Nội (Hà Đông, Hà Nôi) cho biết, hợp đồng khi ký với chủ đầu tư, gồm bản nội dung ghi cách tính căn hộ thông thường nhưng sau đó phần phụ lục xuất hiện thêm thông báo về việc tính diện tích phần sử dụng chung vào diện tích căn hộ. “Sau khi đã ký bản hợp đồng mua nhà, chúng tôi mới biết phụ lục này”, chị Thanh nói.
"Phát biểu của phía Bộ Xây dựng mới đưa ra cũng đang đứng về phía doanh nghiệp vì trong khi luật nhà ở và nghị định 71 quy định rõ về phần sở hữu chung và riêng nhưng thông tư 16 lại quy định 2 cách tính, tạo sự nhập nhằng để chủ đầu tư có cớ”, chị Thanh cho biết.
Trước đó, bên lề Quốc hội, Đại biểu Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp khẳng định, quy định cách tính diện tích căn hộ theo Nghị định 71 và Thông tư 16 rõ ràng không nhất quán, không thống nhất và thể hiện sự không minh bạch về mặt chính sách. Điều này cơ quan chủ quản, cụ thể ở đây là Bộ Xây dựng cần phải làm rõ.
Cũng theo ông Thảo, về nguyên tắc, thông tư không được trái với nghị định. Thông tư chỉ được hướng dẫn và làm rõ nghị định hơn. Trường hợp thông tư sai thì phải sửa, hủy thông tư đó, và người đã chịu thiệt sẽ được bồi thường. Thông tư 16 là của Bộ Xây dựng, còn Nghị định 71 của Chính phủ, rõ ràng trường hợp này nghị định của Chính phủ cao hơn.
Hết thuốc chữa gói 30.000 tỷ
Bên lề hội thảo, đánh giá về 30.000 tỷ được đưa ra với lý do giải quyết hàng tồn kho bất động sản sau 5 tháng chỉ giải ngân khoảng 1%, ông Đặng Hùng Võ cho biết, các cơ quan quản lý đang có xu hướng nới rộng những điều kiện để cho vay với hi vọng số lượng người vay nhiều hơn và tiến độ giải ngân nhanh nhưng ông dù nới nhiều hơn nữa điều kiện cho vay cũng không khả thi.
GS Đặng Hùng Võ không đồng tình với một trong những điểm nới gần đây nhất vào ngày 7/11 của Bộ Xây dựng về việc cho phép người mua nhà không phải chứng minh thu nhập với ngân hàng nhưng lại chú thích về việc nếu ngân hàng yêu cầu vẫn phải đáp ứng điều kiện.
“Tôi cho rằng quy định nửa chừng là không hay. Quy định cho vay với điều kiện thuộc thẩm quyền của ngân hàng là không nên. Hoặc xác nhận hoặc không, hoặc trường hợp nào được xác nhận, trường hợp nào không phải quy định rõ ràng trong luật. Thực hiện quy định phụ thuộc vào bất kỳ ai cũng có khả năng tạo điều kiện cho tham nhũng vì không ai dám chắc mình lúc nào cũng sáng suốt và đạo đức tốt”, GS Võ nói.

GS Đặng Hùng Võ giải thích: “Nếu vẫn tiếp tục dùng cơ chế cho người giàu vay tiền để cho người nghèo vay tiền sẽ rất khó giải ngân gói 30.000 tỷ và người có thu nhập thấp vẫn chưa thể có nhà”.

Nguyên Thảo (Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.