Nợ xấu của các ngân hàng gia tăng bên cạnh nguyên nhân chung là khó khăn của nền kinh tế. Nếu nói yếu tố khách quan thì nguyên nhân đầu tiên chính là do các ngân hàng tự gây nên. Nói đúng hơn, đây là sự trả giá của chính các ngân hàng trong việc kiểm soát cho vay.

Lúc kinh doanh tốt, các ngân hàng công bố hàng loạt con số ấn tượng về lợi nhuận, tăng vốn, huy động vốn và mở rộng tín dụng dễ dàng... Tuy nhiên, khi tình hình kinh doanh đổi chiều, không chỉ kinh doanh khó khăn, các ngân hàng còn bộc lộ những điểm yếu kém, trong đó điển hình là gia tăng nợ xấu. Hơn lúc nào hết, nỗi lo về chất lượng hoạt động của các ngân hàng lại gióng lên hồi chuông báo động .

Nợ xấu tăng đều

Thông tin liên tiếp về khoản nợ xấu của các ngân hàng liên tiếp lộ ra. Người ta chưa quên vụ 5 ngân hàng cùng nhau cho vay một DN, đến khi DN phá sản thì các ngân hàng cùng đến tranh nhau một khối tài sản thế chấp "mất giá" - món nợ khó đòi lên đến hàng trăm tỷ đồng. Mới đây, một DN lớn ở Thái Bình phá sản, chủ DN, đại gia một thời tỉnh này biến mất, 2 -3 ngân hàng giật mình với những khoản cho vay hàng chục tỷ đồng... cũng bỗng dưng thành nợ khó đòi. Cách đây mấy ngày, khối ngân hàng ở Hà Nội cũng truyền tai nhau thông tin một ngân hàng cổ phần đã buộc phải cách chức giám đốc một đơn vị vì để số nợ xấu lên đến cả trăm tỷ đồng...

Với thực tế này, người ta hoàn toàn có thể câu hỏi: Tình hình kinh doanh khó khăn, con số DN phá sản đã lên đến 4.700... thì sẽ có bao nhiêu vụ như trên tiếp tục vỡ ra và nợ xấu sẽ tăng lên thế nào? Câu trả lời từ phía các ngân hàng cũng thừa nhận, nợ xấu đang tăng nhanh. Tuy nhiên, các ngân hàng lại coi đó là chuyện bình thường khi kinh doanh khó khăn.

Mới đây, Đảng khối doanh nghiệp TƯ đã công bố các con số hoạt động kinh doanh của DNNN lớn và phát lộ ra các ngân hàng quốc doanh đều đang đối mặt với vấn đề nợ xấu. Lớn nhất là Agribank, tính đến hiện nay lên đến 6,67% tổng dư nợ. Con số này ở Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) 3,47%.

Trong khi đó, một lãnh đạo BIDV gần đây cũng tiết lộ, nợ xấu của ngân hàng này đã lên đến 2,59%. Thậm chí, với tình hình hiện nay, ngoài việc không đạt mục tiêu đề ra của cả năm là 2,5% thì BIDV còn dự báo, nợ xấu có thể tiệm cận mức 3%.


Nợ xấu gia tăng: Sự trả giá của ngân hàng


Câu trả lời từ phía các ngân hàng cũng thừa nhận, nợ xấu đang tăng nhanh (ảnh SGTT)

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 7, tỷ lệ nợ xấu là 3,04% trên tổng dư nợ cho vay so với mức 2,16% cuối năm 2010. Mục tiêu mà cơ quan này đề ra cho năm nay là nợ xấu có thể chạm ngưỡng 5% trong trường hợp tệ nhất.

Thậm chí, nhìn lại các con số công bố qua những mốc công bố gần đây, nợ xấu đã tăng đều lên một cách đáng kể. Tính đến 20/6/2011, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ xấu toàn hệ thống chiếm 2,37% tổng dư nợ, tăng 0,2% so với cuối năm 2010 (2,17%). Đến cuối tháng 7, con số này đã tăng vọt lên 2,91%/tổng dư nợ vào cuối tháng 7/2011.

Mới đây, ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nói rằng, tổng nợ xấu của hệ thống ngân hàng đến tháng 6 năm nay vào khoảng 75.000 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ.

Theo các ngân hàng, các khoản nợ xấu bắt đầu lộ diện. Nguy cơ nợ xấu gia tăng sẽ bộc lộ rõ hơn trong các tháng cuối năm. Tuy nhiên, đối mặt với tình trạng này, các nhà băng đều cho rằng đây là hiện tượng bình thường. Bởi vì khi kinh tế khó khăn, DN hoạt động kém hiệu quả thì nợ xấu tăng lên là điều dễ hiểu. Bản thân các ngân hàng cũng đã tiên liệu trước điều này.

Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như giải thích của các ngân hàng. Bởi các con số công bố chưa chắc đã phản ánh hết nợ xấu của các ngân hàng. Trong một phân tích gần đây, các chuyên gia Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội cho biết, theo tổ chức định mức tín nhiệm Fitch Rating, tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam là 13% trong khi con số này do NHNN tính toán chỉ là 2,37% (tính đến 20/6).


Nợ xấu gia tăng: Sự trả giá của ngân hàng


Đối chiếu các tiêu chuẩn quốc tế thì tỷ lệ nợ xấu được tính toán khác với cách tính của Việt Nam. Dựa vào kinh nghiệm và quá trình theo dõi, giám sát hoạt động, việc sử dụng các khoản vay của doanh nghiệp, họ đưa ra dự đoán khả năng trả nợ của doanh nghiệp và phân loại nợ ngay từ khâu này. Theo cách đó, việc ghi nhận các khoản nợ xấu có thể sẽ sớm hơn theo cách của Việt Nam. Như vậy, tỷ lệ nợ xấu trên thực tế có thể sẽ cao hơn rất nhiều so với con số được công bố của NHNN.

Trả giá

Nợ xấu của các ngân hàng gia tăng bên cạnh nguyên nhân chung là khó khăn của nền kinh tế. Nếu nói yếu tố khách quan thì nguyên nhân đầu tiên chính là do các ngân hàng tự gây nên. Nói đúng hơn, đây là sự trả giá của chính các ngân hàng trong việc kiểm soát cho vay.

Lãnh đạo Agribank thừa nhận, số nợ xấu này chủ yếu nằm đọng trong tín dụng bất động sản tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, với những dự án đầu tư từ những năm 2008, 2009.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Xuân Nghĩa cũng dẫn chứng, tính đến cuối tháng 3/2011, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng là 2,39 triệu tỷ đồng, trong đó bất động sản chiếm 10,8%. Tỷ lệ nợ xấu bất động sản trong tổng dư nợ cho vay bất động sản là 4%, cao hơn mức bình quân nợ xấu của ngân hàng.

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đang yêu cầu rút tỷ lệ tín dụng phi sản xuất, trong đó chủ yếu là bất động sản, về. Tuy nhiên, với tình hình thị trường khó khăn như hiện nay thì khả năng nợ xấu trong bất động sẽ còn tăng lên. Nguy cơ nợ xấu gia tăng sẽ bộc lộ rõ hơn trong các tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, nợ xấu - ngoài tác động của tình hình kinh tế vĩ mô nói chung thì phía doanh nghiệp và ngân hàng đều có phần trách nhiệm. Khi kinh tế khó khăn, DN làm ăn bế tắc trước khủng hoảng và lạm phát, chi phí vào tăng, đầu ra khó. Trong đó, một trong những khó khăn đẩy DN đến đường cùng chính là sự gia tăng của lãi suất cho vay từ phía ngân hàng.

Các ngân hàng đẩy mạnh lãi suất huy động một cách vô lối và đưa lãi suất cho vay lên mức 20-25%. Khó khăn với thị trường chung, DN không có được sự hỗ trợ nào mà còn bị bồi thêm chi phí vốn tăng cao nên sản xuất càng bế tắc. Đã có hàng ngàn DN phá sản và hàng chục ngàn DN khác suy giảm sản xuất, hàng loạt DN tạm đóng cửa hay cầm chừng chờ thời... Tất nhiên, khi DN không hoạt động, không có lợi nhuận thì không có khả năng thanh toán nợ ngân hàng. Và những khoản vay của họ lần lượt được thành các khoản nợ xấu.

Đó như là một quy luật tất yếu, một hệ quả trong mối quan hệ giữa DN và ngân hàng. Vì thế, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô chưa ổn định, lạm phát tăng cao, các doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn thì nợ xấu gia tăng cũng không lạ. Với thị trường tiêu thụ hàng hóa bị thu hẹp, sản xuất đình trệ khiến cho tình hình tài chính của doanh nghiệp càng xấu thêm.

Có lẽ vì thế, mà trong đợt giảm lãi suất mới đây, các ngân hàng tỏ ra rất "thoải mái" với việc để các DN tất toán sớm các khoản vay lãi suất cao trước đây để có điều kiện tiếp cận với tín dụng mới lãi suất thấp hơn. Đó như là một cách có lợi cho DN nhưng cũng cứu ngân hàng trước nguy cơ nợ xấu gia tăng.

Bên cạnh đó, một yếu tố dài hạn cần đề cập đến là trong thời gian qua, với áp lực tăng vốn, nhiều ngân hàng tìm mọi cách để tăng trưởng nhanh, đặc biệt là đã nới lỏng các tiêu chuẩn cho vay để đảm bảo hiệu quả trên đồng vốn. Song, hậu quả lại dẫn đến các khoản nợ xấu tăng nhanh. Trước đây, khi kinh tế ổn định, điều này không bộc lộ nhưng đến khi kinh tế khó khăn, hệ quả này mới càng thể hiện rõ.

Chính vì thế, theo nhiều nhiều chuyên gia ngân hàng, trước bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô còn khó khăn, lạm phát cao, trong khi các ngân hàng chỉ huy động được nguồn tiết kiệm ngắn hạn, nên việc thận trọng trong phát triển tín dụng là hết sức cần thiết để tránh nguy cơ rủi ro. Vấn đề đặt ra lúc này là chất lượng tín dụng lên hàng đầu, giữ tốc độ tăng trưởng tín dụng bền vững dù dung lượng tăng trưởng tín dụng còn cao để đảm bảo chất lượng.

Chính vì thế, trong chỉ đạo mới đây, một mặt Thủ tướng yêu cầu NHNN kéo lãi suất giảm dần phù hợp với lạm phát nhưng tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn, yêu cầu các tập đoàn rút vốn ra ngoài ngành SXKD chính. Ngân hàng Nhà nước tập trung quản lý kiểm soát nợ xấu, nhất là đối với các ngân hàng cổ phần cho vay bất động sản.

Theo Lê Khắc (Vef)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.