FLC – nhà giàu đổ bộ tỉnh lẻ
FLC là tập đoàn kinh tế đa lĩnh vực, đa ngành trong đó mảng kinh doanh đầu tư bất động sản là chủ lực. Mặc dù mới xuất hiện trên thị trường bất động sản nhưng doanh nghiệp này đã nhanh chóng gây được nhiều sự chú ý về số lượng, quy mô dự án xây dựng, vốn đầu tư và tiến độ thi công thần tốc trên khắp cả nước.
Tổng giá trị các dự án bất động sản mà FLC đang triển khai được công ty tư vấn quốc tế chuyên về bất động sản Savills định giá xấp xỉ 1,3 tỷ USD (chưa bao gồm dự án FLC Quy Nhơn và một số dự án đang được triển khai khác).
Dù vẫn “bám” các thành phố lớn nhưng các dự án đầu tư gần đây cho thấy Tập đoàn này đang có xu hướng đổ về các tỉnh lẻ.
Một trong những dự án nổi nhất hiện nay của FLC là Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn (FLC Samson Beach & Golf Resort) được xây dựng tại xã Quảng Cư, Sầm Sơn, Thanh Hóa. Đây là địa phương mới nổi trong thu hút đầu tư cả nước thời gian qua.
Câu lạc bộ golf tại Dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn
Được khởi công từ tháng 5/2014, sau hơn 1 năm thi công, hiện công trình đã hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng vào tháng 7/2015.
FLC Sầm Sơn có quy mô 200 ha, tổng mức đầu tư 5.500 tỷ đồng. Dự án bao gồm sân golf 18 lỗ, nhà câu lạc bộ golf rộng 8.000 m2; khu biệt thự nghỉ dưỡng 5 sao cao cấp Fusion, gần 100 phòng; khách sạn 5 sao và khu bungalow À La Carte gần 600 phòng; bể bơi nước mặn 5.100 m2, trung tâm hội nghị quốc tế 1.300 chỗ ngồi, các khu vui chơi giải trí cùng hơn 1.000 căn biệt thự. Theo thông tin từ chủ đầu tư, tất cả các hạng mục đều đạt tiêu chuẩn quốc tế cao cấp.
Với 5.000 tỷ đồng đã giải ngân vào FLC Sầm Sơn, Tập đoàn FLC đã lọt vào danh sách những ông chủ sở hữu khu nghỉ dưỡng lớn nhất Việt Nam. Hoành tráng về quy mô, đẳng cấp, giới chức tỉnh Thanh Hóa đánh giá, dự án là một “hiện tượng” tại địa phương này hiện nay.
Tương tự FLC Sầm Sơn, vào cuối tháng 5 vừa qua, Tập đoàn FLC cũng đã khởi công dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Quy Nhơn tại Tp.Quy Nhơn, Bình Định.
FLC Quy Nhơn nằm trên diện tích gần 300 ha, ôm trọn địa danh Eo Gió, nơi được coi là có cảnh hoàng hôn đẹp nhất Việt Nam. Các hạng mục chính của dự án bao gồm sân golf, khu nghỉ dưỡng resort trên biển tiêu chuẩn 7 sao, khách sạn 600 phòng tiêu chuẩn 5 sao, khu biệt thự du lịch sinh thái cao cấp, trung tâm hội nghị quốc tế 1.300 chỗ, khu vui chơi giải trí cao cấp... Dự án này có tổng vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng và được đánh giá với nhiều cái nhất, về quy mô, quyết định và tiến độ phê duyệt, sự quan tâm của người dân cho đến tính khả thi của nó. Dự kiến công trình sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ quý 1/2016.
FLC Garden City - dự án nổi tiếng nhưng cũng tai tiếng của FLC
Bên cạnh các dự án nghỉ dưỡng tầm cỡ, FLC cũng gây nhiều sự chú ý với loạt dự án nhà ở cao cấp, chủ yếu tại Hà Nội. Có thể kể đến các dự án như Khu đô thị FLC Garden City, quy mô hơn 5,3 ha, gồm 1.638 căn hộ chung cư và 153 căn biệt thự và liền kề. Tổng mức đầu tư dự án lên đến 3.500 tỷ. Tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp FLC Twin Towers, quy mô hơn 1 ha, tổng mức đầu tư 5.200 tỷ.
Năm 2014 Tập đoàn FLC còn nổi danh khi liên tục thâu tóm các dự án bất động sản lớn tại Hà Nội là ION Complex (số 36 - Phạm Hùng, quận Cầu Giấy) và Khu phức hợp Lavender (quận Hà Đông). 2 dự án này sau đó lần lượt được đổi tên thành FLC Complex và FLC Star Tower.
Vingroup – đại gia “phủ sóng” toàn quốc
Vingroup hiện là tập đoàn nắm giữ quỹ đất cũng như danh mục dự án đầu tư lớn nhất trên thị trường bất động sản.
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2015 tổ chức vào tháng 4 vừa qua, tiến độ thực hiện một loạt các dự án quy mô lớn của Vingroup đã được tiết lộ.
Các dự án mà Vingroup đầu tư xây dựng bao phủ khắp cả nước, trong đó những dự án lớn chủ yếu tập trung tại Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang.
Tại Hà Nội, dự án Vinhomes Times City có quy mô 36 ha, tổng vốn đầu tư lên đến 30.300 tỷ đồng. Hiện giai đoạn 1 dự án đã hoàn thành với việc xây dựng 12 tòa nhà cao từ 27 đến 35 tầng, giai đoạn 2 đang được đẩy mạnh tiến độ thi công.
Tổ hợp Vinhomes Royal City quy mô trên 12 ha với mức đầu tư hơn 18.180 tỷ đồng. Hiện nay dự án đã cơ bản hoàn thành, một số tòa nhà đã hoàn thiện nội thất và tiến hành bàn giao cho khách hàng.
Dự án Royal City
Mới khởi công gần đây là dự án Vinhomes Nguyễn Chí Thanh. Tuy quy mô có phần nhỏ hơn với 1,3 ha, vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng nhưng dự án được đánh giá là có tiềm năng. Hiện dự án đã xây đến tầng thứ 10.
Tại Tp.Hồ Chí Minh, Vinhomes Central Park là dự án lớn đầu tiên của Vingroup với mức đầu tư lên đến 37.712 tỷ đồng. Được xây dựng trên diện tích 439 ha với 10.000 căn hộ, 100 biệt thự và trung tâm thương mại 5,9 ha. Điểm nhấn của dự án là tòa nhà 81 tầng The Landmark, dự kiến đây sẽ là tòa nhà cao nhất Việt Nam hiện nay sau khi toàn bộ dự án hoàn thành vào năm 2017.
Dự án Vinhomes Central Park có vốn đầu tư 37.712 tỷ đồng của Vingroup
Về bất động sản nghỉ dưỡng, trong năm qua, Vingroup triển khai xây dựng Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Phú Quốc. Đây là dự án lớn, bao gồm khách sạn, biệt thự, khu vui chơi giải trí và sân golf 27 lỗ tiêu chuẩn quốc tế, được xây trên khu đất 300 ha tại Bãi Dài, xã Gành Dầu. Tổng số vốn đầu tư dự án là 17.000 tỷ đồng. Hiện khu nghỉ dưỡng này đã được đưa vào khai thác từ cuối năm 2014. Ngoài ra còn có các dự án lớn như Vinpearl Premium tại Nha Trang, Đà Nẵng, Vinpearl Resort Hạ Long,… với mức đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Mới đây, vào 7/2015, tập đoàn cũng đã tiến hành khởi công giai đoạn 1 dự án Khu vui chơi giải trí, nhà ở và công viên sinh thái đảo Vũ Yên tại Hải Phòng. Dự án có quy mô 872 ha với vốn đầu tư 22.700 tỷ đồng. Dự kiến dự án sẽ đi vào hoạt động vào năm 2016.
Lĩnh vực bán lẻ gần đây cũng rất được Vingroup chú ý phát triển. Hiện nay chuỗi trung tâm thương mại Vincom hầu như đã có mặt ở các tỉnh thành có kinh tế phát triển năng động khắp cả nước. Theo thông tin từ Vingroup, Tập đoàn sẽ tiếp tục xây dựng thêm 25 trung tâm thương mại trong năm 2015.
Các dự án một mặt mang đến sự nổi tiếng nhưng chúng cũng khiến ông chủ dính phải tai tiếng. Chẳng hạn, vào tháng 3/2015, Tập đoàn FLC đã vướng phải “bê bối” khi dự án FLC Complex tại số 36 Phạm Hùng bị Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội phạt 50 triệu đồng vì xây dựng không phép. Tiếp đó, tháng 5/2015, FLC Garden City bị đình chỉ thi công do chưa có giấy phép xây dựng nhưng công trình vẫn ồ ạt thi công.