Một trong những cái tên đáng chú ý trong danh sách doanh nghiệp có giá trị tồn kho cao ngất ngưởng là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (AGG).
Công ty bất động sản này mới niêm yết trên HoSE từ đầu tháng 1 năm nay và giá trị hàng tồn kho tính đến cuối năm 2019 là 2.611 tỷ đồng. Vậy nhưng chỉ sau 9 tháng, AGG đã nhảy vọt đứng trong nhóm các công ty bất động sản niêm yết có hàng tồn kho lớn.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020 của AGG cho thấy, hàng tồn kho tính đến hết kỳ này của công ty là 5.189 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với con số hồi đầu năm.
Cơ cấu giá trị bất động sản dở dang của AGG.
Với tình hình nói trên, khoảng 60% tài sản của AGG đang nằm ở hàng tồn kho. Được biết, việc hàng tồn kho tăng vọt bất thường này đến từ việc AGG nhận hợp nhất công ty Hoàng Ân.
Cuối tháng 6/2020, AGG đã mua thêm 5% cổ phần Hoàng Ân, tăng tỷ lệ sở hữu từ 45,01% lên 50,01%, do đó các tài sản của Hoàng Ân được hợp nhất vào AGG, trong đó giá trị hàng tồn kho được hợp nhất là khối động sản đang dở dang là dự án The Sóng.
Trong cơ cấu hàng tồn kho của AGG, dự án The Sóng chiếm 2.142 tỷ đồng, tiếp đến là các dự án River Panorama 1 và 2...
Một doanh nghiệp địa ốc khác cũng có lượng hàng tồn kho cao là Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (DXG).
Tính đến 30/9/2020, giá trị hàng tồn kho của DXG là 9.756 tỷ đồng, tăng thêm gần 3.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm, trong đó chủ yếu là các khoản bất động sản dở dang nằm ở một số dự án, như: Dự án Gem Sky World là 3.409 tỷ đồng; dự án Gem Riverside 1.580 tỷ đồng.
Cụ thể, dự án Gemriverside được triển khai từ năm 2018 với tổng vốn đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2019 nhưng đến nay vẫn vướng mắc thủ tục pháp lý.
Báo cáo cũng cho thấy, lưu chuyển tiền thuần sử dụng vào hoạt động kinh doanh của DXG vẫn tiếp tục âm 432 tỷ đồng.
DXG cũng có khoản nợ phải trả ngày một tăng cao, tính đến 30/9/2020, con số nợ phải trả là 13.143 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 10.652 tỷ đồng đầu năm.
Trong 3 quý đầu năm 2020, nợ vay tài chính của Đất Xanh tăng thêm hơn 1.500 tỷ đồng, vay nợ tăng chủ yếu đến từ các đợt phát hành trái phiếu. Đất Xanh cũng gây chú ý với giới đầu tư khi báo lỗ cả trăm tỷ đồng sau 9 tháng.
Tồn kho bất động sản, khi nào đáng lo?
Các chuyên gia cho biết, cơ cấu hàng tồn kho bất động sản bao gồm: Hàng tồn kho trong quá trình phân phối, lưu thông; hàng tồn kho do doanh nghiệp chủ động tiến độ đưa hàng ra thị trường; hàng tồn kho do chưa tiêu thụ được vì vướng mắc về pháp lý.
Trong đó, hàng tồn kho theo kế hoạch của doanh nghiệp và hàng tồn kho trong quá trình phân phối, lưu thông là điều bình thường. Nhưng hàng tồn kho đã đưa ra thị trường nhưng chưa tiêu thụ được, vì có liên quan đến tính thanh khoản của doanh nghiệp và quan hệ tín dụng với ngân hàng thương mại trong vấn đề nợ xấu và an toàn tín dụng là rất đáng lo ngại.
Bên cạnh đó, hàng tồn kho là những bất động sản dở dang từ những dự án vướng pháp lý chưa thể triển khai cũng gây sức ép lớn cho doanh nghiệp.
-
"Đừng tô hồng cho tồn kho bất động sản"
10 tháng năm 2020 đã trôi qua, hoạt động kinh doanh của nhóm doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc khi đa phần các công ty niêm yết trên sàn phải báo lỗ, lợi nhuận giảm và ghi nhận hàng tồn kho tăng mạnh. Nếu có những doanh nghiệp báo lãi lớn, đột biến thì chủ yếu nhờ ở việc chuyển nhượng dự án, hay từ hoạt động kinh doanh khác.