CafeLand - Mặc dù mới xuất hiện, song dịch vụ chia sẻ phòng Airbnb đã ghi nhận sự phát triển nhanh chóng trong thời gian gần đây, tạo nên sự cạnh tranh quyết liệt đối với các dịch vụ kinh doanh khách sạn truyền thống, theo CBRE Việt Nam.

Giá thuê tốt chính là yếu tố khiến cho dịch vụ thuê phòng trên Airbnb đang ngày càng nở rộ tại Việt Nam. Ảnh internet

Hãng tư vấn CBRE cho biết, tại thị trường Việt Nam thì dịch vụ này đang cạnh tranh trực tiếp với khách sạn 3 sao hoặc thấp hơn do có sự tương đồng trong mức giá. Còn với phân khúc 4 và 5 sao, mô hình này chưa tạo nhiều thách thức.

Airbnb, một mô hình kết nối người cần thuê nhà với những gia đình có phòng trống cần cho thuê thông qua ứng dụng di động đang là dịch vụ phát triển rất mạnh trên toàn thế giới.

Mặc dù Airbnb mới xuất hiện trên thị trường trong 10 năm trở lại đây, nền tảng này đã ghi nhận 5 triệu lượt đăng ký cho thuê trên 191 quốc gia, trong khi 10 đơn vị quản lý khách sạn lớn nhất thế giới hiện đang quản lý xấp xỉ 6,1 triệu phòng.

Hiện nay ở Việt Nam, mô hình này không chỉ là những chủ nhà chia sẻ căn phòng trống trong gia đình, mà có nhiều người đầu tư, bỏ vốn tìm thuê nhà để kinh doanh theo mô hình Airbnb.

Dữ liệu từ AirDNA (website theo dõi hiệu quả hoạt động của Airbnb) cho thấy tính tới tháng 8/2018, Hà Nội và TP.HCM ghi nhận 21.994 đăng ký cho thuê trên Airbnb trong khi số phòng của các khách sạn 4-5 sao hiện hữu trên địa bàn chỉ là 17.426 phòng.

Tuy nhiên, giá cho thuê trung bình của Airbnb tại Việt Nam vẫn đang thấp hơn đáng kể so với giá cho thuê của khách sạn 4-5 sao (36 USD với 106 USD tại Hà Nội, 44 USD với 108 USD tại TP.HCM).

Vì vậy, loại hình được cho là còn nhiều dư địa để phát triển trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam đang ghi nhận mức tăng trưởng trưởng khách du lịch quốc tế bình quân đạt 27% trong 2 năm vừa qua, nằm trong những quốc gia có đà tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Á.

CBRE cho biết, cuộc cách mạng công nghệ số đã thay đổi cơ chế hoạt động của ngành du lịch toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Các chủ đầu tư và đơn vị quản lý khách sạn đang thay đổi cách tiếp cận với các đối tượng khách hàng trẻ, những người đang dành nhiều thời gian sử dụng điện thoại thông minh và Internet hơn bao giờ hết.

Sức ảnh hưởng của cách mạng công nghệ số tới thị trường du lịch được thể hiện qua việc nhiều khách sạn đang tăng cường ngân sách tiếp thị qua các kênh trực tuyến, cũng như sử dụng những nhân vật có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội để quảng bá sản phẩm tới những người theo dõi họ và các công nghệ mới đang được ứng dụng nhiều hơn nhằm đáp ứng những nhu cầu thay đổi liên tục của khách sử dụng khách sạn. Các đại lý đặt phòng trực tuyến như Booking và Agoda đang trở thành kênh đặt chỗ phổ biến cho rất nhiều du khách, trong khi các nền tảng kinh tế chia sẻ cũng đang tạo ra những chuyển biến đáng kể trong ngành du lịch của Việt Nam.

Thanh Thịnh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.