10/08/2012 10:43 AM
Hàng tồn trên thị trường bất động sản đang gây nên nỗi ám ảnh lớn, khi hàng ngàn căn hộ, biệt thự chưa có chủ đang triền miên “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Hàng dãy nhà bỏ hoang tại Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên. Ảnh: Chí Cường

Theo báo cáo của Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), vào cuối năm 2011, trên địa bàn Hà Nội có gần 700 căn hộ tại 16 dự án bất động sản là nhà ở bị bỏ hoang (chiếm tỷ lệ gần 35%). Trên thực tế, hiện tại, tỷ lệ này chắc chắc cao hơn nhiều.

Dự án Khu đô thị Vân Canh (rộng hơn 68 ha tại huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) đã được triển khai xây dựng trên hơn 1/3 diện tích, nhưng hầu hết nhiều căn nhà liền kề sau khi hoàn thiện đều chưa có người ở và đã xuất hiện rêu mốc.

Các khu nhà liền kề “tồn kho” tại Khu đô thị Vân Canh đều thuộc các công ty con hoặc đối tác của Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD), như HUD 1, HUD 8, Tasco hay AZLand. Vào thời điểm thị trường bất động sản lên cơn sốt, mỗi căn biệt thự ở đây được giao dịch ở mức 5 - 7 tỷ đồng. Với mức giá này, giá trị “hàng tồn kho” của các doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản tại Khu đô thị Vân Canh có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Một dự án khác cũng đang có hàng trăm biệt thự, nhà liền kề đã hoàn thiện, nhưng không được sử dụng nằm cách trung tâm TP. Hà Nội không xa là Dự án Khu đô thị Văn Phú của Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú (Văn Phú Invest). Có diện tích hơn 94 ha tại quận Hà Đông, Dự án được khởi công xây dựng năm 2007, với vốn đầu tư 1.900 tỷ đồng. Sản phẩm của Dự án là hàng trăm biệt thự, nhà liền kề san sát nhau đã xây thô xong từ giữa năm 2011, nhưng đến nay, hầu như không có người ở. Nhiều căn biệt thự song lập, nhà liền kề đã xuống cấp, tường rào hoen rỉ, cỏ dại bao phủ đầy xung quanh...

Trong số hơn 100 dự án hạ tầng và đô thị mà UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng UBND các quận, huyện tiến hành kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả đầu tư trong 2 tháng 7 và 8/2012, có Dự án Vườn sinh thái Cẩm Đình - Hiệp Thuận (trên địa bàn huyện Phúc Thọ) do Công ty TNHH Kim Thanh làm chủ đầu tư đang được giới đầu tư đặc biệt quan tâm.

Được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) từ tháng 8/2007, đây là một trong những dự án khu đô thị sinh thái đầu tiên trên cả nước. Nhiều khách hàng đã bỏ hàng tỷ đồng để mua biệt thự sinh thái tại đây. Thế nhưng, 5 năm đã trôi qua, dự án khu đô thị sinh thái rộng 236 ha này vẫn chỉ là khu đất khá hoang vu. Hiện tại, toàn bộ Dự án mới chỉ có 2 ngôi biệt thự được xây thô (nhà mẫu do chủ đầu tư thực hiện), còn lại toàn bộ các lô đất đều bỏ hoang. Nhiều hạng mục hạ tầng, như đường đi, cống thoát nước thi công dở dang đang xuống cấp nghiêm trọng. Hàng ngày, người dân trong khu vực vẫn tận dụng mặt bằng diện tích dự án làm nơi chăn thả gia súc, tạo nên một khung cảnh khá hài hước và “sinh thái”.

Khởi đầu cho “chuỗi đô thị bỏ hoang” hai bên Đại lộ Thăng Long là Dự án Khu hỗn hợp nhà ở - thương mại - dịch vụ Phúc Hà City Garden của Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh và phát triển hạ tầng khu công nghiệp Phúc Hà (IPACO). Có tổng diện tích 31.934 m2, theo thiết kế, Dự án bao gồm các căn hộ cao cấp, trung tâm mua sắm và văn phòng hạng A dành cho các tập đoàn tài chính, ngân hàng với chiều cao công trình trung bình là 30 tầng. IPACO đã kêu gọi các đối tác góp vốn xây dựng Dự án từ đầu năm 2010, nhưng đến nay, Phúc Hà City Garden vẫn là... bãi cỏ um tùm.

Song gây nhiều tai tiếng nhất có lẽ phải kể đến Công trình Chung cư Diamond Tower của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Vinaconex PVC. Công trình gồm 5 tòa nhà cao 40 tầng với tổng diện tích sàn xây dựng 353.153 m2 nằm khuôn khổ Dự án Khu đô thị Nam An Khánh. Ban đầu, Chung cư Diamond Tower do Công ty cổ phần Bất động sản tài chính dầu Khí Việt Nam (PVFC Land) làm chủ đầu tư. Sau đó, PVFC Land đã chuyển nhượng cho Công ty Đầu tư xây lắp Dầu khí Imico để đến cuối năm 2010, Imico tiếp tục nhượng lại cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Vinaconex PVC. Vinaconex PVC cũng nhiều lần thông tin khởi công vào quý I hoặc đầu quý II/2011, nhưng đến thời điểm này, công trình vẫn chỉ là... trên giấy.

Lượng hàng tồn kho lớn khủng khiếp của thị trường bất động sản cũng đặt dấu hỏi lớn về trách nhiệm của các cơ quan chức năng phê duyệt dự án.
Theo Báo Đầu tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.