Thị trường bất động sản (BĐS) đang phát đi tín hiệu về một đợt giảm giá mới, nhất là sau khi dự án Thanh Bình, quận 7 - TPHCM công bố giá giảm 30% - 40% so với khu vực. Hiện nhiều chủ đầu tư cũng bắt đầu tung ra hàng loạt sản phẩm với mức giá mềm, cộng nhiều hỗ trợ nhằm thu hút khách hàng.
Ồ ạt “bung” nhà giá thấp
Tại TPHCM, nhiều chủ đầu tư đã nhanh chân hơn, đưa ra hàng loạt sản phẩm nhằm thu hút các khách hàng tiềm năng. Mới đây, sàn giao dịch BĐS Hòa Bình đã chào bán căn hộ thuộc dự án Babylon (số 22 Âu Cơ, quận Tân Phú) với mức giá trung bình từ 14,9 triệu đồng/m2 cho các loại diện tích nhỏ 46, 48, 50, 70, 88 m2. Khách hàng chỉ cần có hơn 700 triệu đồng là đã có thể sở hữu 1 căn hộ ưng ý, đặc biệt trả góp không lãi suất thành 9 đợt trong khoảng 2 năm. Trước đó, căn hộ dự án này được chủ đầu tư tung ra với mức từ 18,7 đến 21,6 triệu đồng/m2.
Tương tự, Công ty CP BĐS Nam Việt cũng đang mở bán gần 100 căn hộ tại dự án Lucky Apartment (số 377 Tân Hương, quận Tân Phú) với giá từ 12,5 triệu đồng/m2, tức khoảng 695 triệu đồng/căn hộ. Khách hàng chỉ cần thanh toán 70% là nhận căn hộ. Còn nhớ, cuối năm 2010, căn hộ dự án này được chào bán thấp nhất là 14 triệu đồng/m2. Không chậm chân, Công ty Hưng Thịnh Land cũng vừa chào bán đợt cuối căn hộ 27 Trường Chinh, quận 12 với giá chỉ 12,3 triệu đồng/m2, chiết khấu ưu đãi lên đến 11,9%...
Theo số liệu chúng tôi nắm được, hiện có không dưới 10 dự án nhà giá thấp, trên dưới 1 tỉ đồng/căn hộ đang được chào bán tại TPHCM.
Khó cưỡng lại xu thế
Nhiều chuyên gia cho rằng doanh nghiệp (DN) đừng “mơ” về cuộc giải cứu BĐS sắp tới. Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, ông Đoàn Nguyên Đức, cho rằng: “Thực tế, không có tổ chức nào đủ sức bao bọc DN địa ốc thời điểm này. DN muốn cứu mình chỉ còn cách hạ giá bán sản phẩm. “Trước nay kịch bản kích cầu luôn luôn đúng là bán giá rẻ nhất có thể...”.
Lãnh đạo một số DN cũng cho rằng DN nên tự cứu mình bằng cách cơ cấu lại sản phẩm, chủ động giảm giá vì cứ đưa ra giá mềm thì sẽ có người mua, thậm chí không cần khuyến mãi vì tất cả đều được tính vào giá thành. “Vấn đề hiện nay là sự sống còn của DN, nếu ngày trước lời 10 đồng thì bây giờ lời 1 đồng đã tốt” - chủ một DN nói.
Ông Trương An Dương, Trưởng bộ phận nghiên cứu của Công ty Savills Việt Nam, khẳng định động thái giảm giá căn hộ của một số chủ đầu tư đã khiến những người có nhu cầu mua nhà thực sự đang hy vọng vào những đợt giảm giá tiếp theo của phân khúc căn hộ. Chiều hướng tâm lý này rất dễ hiểu và tất nhiên các chủ đầu tư cũng phải nghiêm túc nhìn nhận lại vì sao dự án của mình ế ẩm. Thực tế có nhiều chủ đầu tư cũng muốn xả hàng nhưng một số khác muốn giữ giá bởi lo ngại nếu liên tiếp giảm giá, những khách hàng mua nhà đợt trước sẽ khiếu nại.
Nhiều chuyên gia nghiên cứu về BĐS cũng cho rằng giảm giá là giải pháp tốt nhất và cũng là xu hướng chung của thị trường hiện nay. DN không thể cố chờ thị trường tốt hơn mà buộc phải chấp nhận giảm giá để thiết lập một giá mới phù hợp với khách hàng khi giá BĐS lâu nay vẫn quá cao. DN nào khôn ngoan thì làm trước để bán hàng tốt hơn.
Có thể giảm thêm 30% - 50% giá hiện thời Trong dự thảo mới nhất về đề án phát triển thị trường BĐS, Sở Xây dựng TPHCM cho rằng nếu nhận định dưới góc độ chi phí sản xuất thì hầu hết các chuyên gia địa ốc đều khẳng định giá BĐS có thể giảm thêm 30%-50% giá hiện thời (tùy vị trí và chủng loại) mà nhà sản xuất chưa cần phải đổi mới công nghệ vẫn có lãi. Giá nhà ở tăng quá cao so với nhu cầu của người dân do mất cân đối cung cầu, chi phí đầu vào tăng, giao dịch BĐS không minh bạch. |