“Tình hình
khó khăn như hiện nay sẽ khiến một bộ phận doanh nghiệp bất động sản không trụ
nổi. Đây chính là sự thanh lọc và là cơ hội của DN có năng lực, còn DN không
chuyên sẽ rút khỏi cuộc chơi”, ông Lê Chí Hiếu, Tổng giám đốc công ty Phát
triển nhà Thủ Đức, TP HCM, cho biết.
60 - 70% dự án đình trệ
Theo ông Hiếu, bất động sản là một lĩnh vực đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khá lớn và
mất rất nhiều thời gian, thường kéo dài 3 - 5 năm. Mà vốn của chủ đầu tư thường
chiếm tỷ trọng ít hơn vốn vay ngân hàng . Chính vì vậy,
khi chính sách tín dụng siết chặt, ngay lập tức ảnh hưởng đến các doanh nghiệp.
Theo các doanh nghiệp, Nhà nước nên xem bất động sản là một ngành sản xuất. Ảnh : Đ.Sơn.
Ông Vũ
Trọng Toàn, Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí
Việt Nam, nói rằng doanh nghiệp của ông đã phải giãn đầu tư một dự án
là khu đô thị sinh thái, thương mại, dịch vụ Đảo Việt và một trung tâm thương
mại, văn phòng và khách sạn Hạ Long, Quảng Ninh, do vướng mắc về vốn đầu tư và
thị trường tiêu thụ gặp khó khăn.
Lãnh đạo một công ty địa ốc tại TP HCM cũng tiết lộ, trong đại hội cổ đông mới
đây, công ty đã phải xin cổ đông cho hoãn triển khai một số dự án để tập trung
vốn cho những dự án đang dở dang. Ngoài ra, một số khu đất cũng được công ty
đem bán hoặc kêu gọi liên kết để triển khai dự án, vì công ty không đủ tiền,
giữa lúc các ngân hàng đang “đóng cửa” với thị trường địa ốc.
Hai trường hợp trên không phải là cá biệt. Theo thống kê của Hiệp hội bất
động sản TP HCM, hiện 60 - 70% dự án bị đình trệ, rơi vào trạng thái chờ hoặc
kéo dãn tiến độ. Trong khi đó, sản phẩm nhà đất khó bán, sức mua của
khách hàng giảm sút, nhà đầu tư thận trọng hơn.
Không chỉ khó tiếp cận vốn, mà với những khoản đã vay thì doanh
nghiệp cũng phải gồng lưng gánh lãi suất cao ngất ngưỡng. Sức ép lãi suất,
áp lực từ vốn vay ngân hàng cộng với việc thị trường giao dịch chững lại, khiến
nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận giảm giá từ 15 - 25% để tháo vốn trả
nợ vay ngân hàng. Điều này góp phần làm “méo mó” giá trị thực của bất động
sản.
Loay hoay huy động vốn
Các chuyên gia kinh tế đều chung nhận định, để vượt qua khó khăn
này, doanh nghiệp phải tìm nguồn lực vốn thay thế thông qua các giải
pháp như: phát hành cổ phiếu, trái phiếu, liên doanh liên kết, lọc lại danh mục
đầu tư để chọn lựa những công trình có vòng quay nhanh, giãn tiến độ một số dự
án, nhằm thu hồi vốn nhanh và hạn chế đầu tư dàn trải.
Theo của ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi
trường, doanh nghiệp nên đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết với
các doanh nghiệp nước ngoài để thu hút nguồn vốn FDI, cùng với đó là tìm
hướng khai thác nguồn tiền nhàn rỗi khổng lồ trong dân. Ngoài ra, Nhà nước nên
có cơ chế cho phép doanh nghiệp thế chấp bất động sản tại các
ngân hàng nước ngoài để tận dụng được lãi suất cho vay thấp.
Đồng tình với quan điểm này, ông Hiếu cũng cho rằng, Nhà nước tiếp tục phát huy
các công cụ tài chính như trái phiếu bất động sản, phát triển nghiệp vụ chứng
khoán hóa, hình thành các mô hình quỹ tín thác đầu tư BĐS (REITs), nhằm mục
đích tối đa hóa nguồn vốn huy động để thực hiện các dự án đầu tư, bảo đảm thị
trường có một nguồn vốn bền vững.
Bên cạnh đó, cũng nên xem hàng hóa bất động sản là một ngành sản
xuất. Theo lý giải của ông Hiếu, bản thân các dự án xây dựng nhà ở rõ ràng là sản
xuất ra các sản phẩm căn hộ phục vụ người tiêu dùng, hơn nữa nó còn là ngành
sản xuất “chủ lực” kéo theo rất nhiều ngành khác, như vật liệu xây dựng, kiến
trúc, nội thất… phát triển.
Còn ông Phan Thanh Điệp, giám đốc sàn giao dịch bất động
sản Sudico - Hà Nội kiến nghị: “Để khắc phục tình trạng thiếu vốn phụ
thuộc vào chính sách Nhà nước, cần nới lỏng tín dụng, hạ lãi suất ngân hàng với
ngành phi sản xuất, đồng thời đầu tư công vào bất động sản”. Nhận định về thị
trường bất động sản từ quý II đến hết quý III, các chuyên gia
cho rằng, sẽ vẫn trầm lắng và ảm đạm. Và phân khúc nhà chung cư từ 1,5 - 2,5
tỷ, có thể ở được ngay, sẽ “dễ thở” nhất.
tag: dia oc, chu dau tu, du an, ti dung bat dong san,
that chat tien te,