14/06/2013 4:23 PM
Phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được Ban quản lý dự án (BQLDA) quận Hai Bà Trưng thực hiện theo đơn giá 35.000 đồng/m2.

Qua đơn phản ánh gửi báo PL&XH, các ông bà Nguyễn Đăng Luân, Nguyễn Đăng Tăng, Đặng Thị Châm, Trần Thị Nụ, Đặng Thị Thêm, Đặng Thị Duyên, Đặng Thị Hương và Nguyễn Thị Bé, đều trú tại tổ 68 ngõ Trại Cá, phường Trương Định, trình bày về bất hợp lý trong phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại khu vực. Theo đó, 552m2 đất nông nghiệp khu vực Anh Tăng sẽ thuộc diện thu hồi của Nhà nước để thực hiện dự án xây dựng nhà văn hóa phường Trương Định. Phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được Ban quản lý dự án (BQLDA) quận Hai Bà Trưng thực hiện theo đơn giá 35.000 đồng/m2. BQLDA chỉ hỗ trợ về công tôn tạo đất của các gia đình, chứ không đền bù về đất. Liệu đằng sau phương án đền bù này có gì “khuất tất” hay không?

Công trình xây dựng trên đất “thu hồi”. Ảnh: Nguyễn Tuấn
Theo căn cứ của BQLDA, khu đất này là đất nông nghiệp sử dụng để nuôi cá của HTX nông nghiệp Đông Ba (HTX Đông Ba). Ngày 10-12-1990, theo chủ trương “khoán 10”, HTX Đông Ba đã ký hợp đồng số 015/HĐ về khoán ao nuôi cá với cụ Nguyễn Đăng Tương. Do môi trường ao bị ô nhiễm không thể thả cá, đầu năm 1991, cụ Tương đã đề nghị HTX Đông Ba được san lấp để trồng hoa màu. Trước khi cụ Tương mất năm 1992, cụ đã giao lại cho 7 người con tiếp tục quản lý và sử dụng. Đến ngày 20-5-1992, HTX Đông Ba đã ký tiếp hợp đồng với con trai cụ là ông Nguyễn Đăng Tăng.


Từ quý IV năm 1992 đến nay, theo quy định của Luật Đất đai và Quyết định số 245/TTg của Thủ tướng Chính phủ, các con cụ Tương đã thực hiện thủ tục kê khai diện tích và hiện trạng sử dụng đất thực tế đối với khu đất Anh Tăng để nộp thuế. Diện tích đất của 7 người con cụ Tương đã được ông Phạm Xuân Thường, Chủ tịch UBND phường Trương Định thời điểm bấy giờ, xác nhận trong các biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất. Các lô đất đó đều thuộc bản đồ địa chính số 5-HII-20 với các số hiệu lần lượt là 63, 64, 248, 250, 251, 256 và 260. Từ thời điểm đó đến nay, các con cụ Tương vẫn thực hiện nghĩa vụ đóng thuế đối với Nhà nước và không thực hiện bất cứ nghĩa vụ gì với HTX Đông Ba. Như vậy, vai trò quản lý của HTX Đông Ba không thực sự rõ ràng trong trường hợp này.

Được biết, trước đó, năm 1956, khu đất của cụ Tương đã được ông Trần Duy Hưng, nguyên Chủ tịch UB Hành chính Hà Nội cấp GCNQSD đất số 523, tờ địa bạ số 70. Đến năm 1959, cụ Tương mới góp diện tích ao Anh Tăng vào HTX cá giống Tiền Phong (năm 1970 hợp nhất và đổi tên là HTX Đông Ba).

Các con cụ Tương cũng phản ánh, HTX Đông Ba gần như không còn hoạt động kể từ cuối những năm 1990. Bởi các xã viên của HTX không được tham dự đại hội xã viên. Đồng thời, HTX Đông Ba cũng không có trụ sở và không có cơ cấu tổ chức theo quy định của pháp luật. Đó là những điểm mờ về vấn đề nguồn gốc đất ao Anh Tăng, điểm mấu chốt liên quan đến phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi tại khu đất trên.

Đáng nói, khi quá trình đền bù đang được thực hiện (chỉ chờ việc thống nhất mức giá đền bù) thì ngày 7-6-2013, bà Ngô Thị Thanh Hương, Chủ tịch UBND phường Trương Định đã ban hành một số quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra (trong trường hợp đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động xây dựng). Theo đó, do một số xã viên (con của cụ Tương) đã xây dựng không phép trên diện tích đất nông nghiệp của HTX Đông Ba quản lý nên UBND phường buộc khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra. Có khá nhiều điểm lạ trong các quyết định này, cụ thể:

Thứ nhất, việc xây dựng không phép đã được xác định từ trước nhưng tại sao UBND phường lại không xử lý triệt để khi các con cụ Tương xây dựng, mà phải để đến khi hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính mới tiến hành giải quyết? Đó là do sự tắc trách của một số cán bộ quản lý lĩnh vực xây dựng hay có điều gì uẩn khúc đằng sau?

Thứ hai, khu đất này đang thực hiện theo tiến trình thu hồi đất, hiện chỉ chờ thống nhất về mức giá đền bù. Theo đó, nếu công trình xây dựng trên đất là sai phạm thì BQLDA quận Hai Bà Trưng sẽ không đền bù phần xây dựng không phép này. UBND phường có nhất thiết phải chuẩn bị lực lượng để tiến hành khôi phục tình trạng ban đầu? Điều này có đi ngược với chủ trương tiết kiệm và chống lãng phí mà Chính phủ đang thực hiện hay không?

Ngày 10-6-2013, PV đã liên hệ và đăng ký lịch làm việc với UBND quận Hai Bà Trưng, UBND phường Trương Định để tìm hiểu và xác minh thêm thông tin vụ việc. Báo PL&XH sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong thời gian sớm nhất.

Nguyễn Tuấn (Pháp luật & Xã hội)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.