Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.

Hình minh họa

Đối tượng chịu phí và người nộp phí

Dự thảo đề xuất, đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường theo quy định tại Nghị định này là bụi, khí thải xả ra môi trường của các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy định. Người nộp phí bảo vệ môi trường đối với khí thải theo quy định tại Nghị định này là các cơ sở xả khí thải.

Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải của các cơ sở xả khí thải trên địa bàn quản lý.

Căn cứ tình hình thực tế quản lý, Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân công địa bàn, đối tượng thu phí cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải của các cơ sở xả khí thải trên địa bàn.

Phương pháp tính phí

Dự thảo Nghị định quy định rõ phương pháp tính phí gồm: Phí bảo vệ môi trường đối với khí thải phải nộp trong kỳ nộp phí được tính theo công thức sau: F = f + C

Trong đó: F là tổng số phí phải nộp trong kỳ nộp phí (quý hoặc năm); f là phí cố định; C là phí biến đổi (quý). Phí biến đổi của cơ sở xả khí thải là tổng số phí biến đổi được xác định tại mỗi điểm xả khí thải.

Mức thu phí đối với khí thải

Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định xây dựng mức phí gồm 2 phần:

- (i) Phí cố định thu đối với mọi cơ sở xả khí thải, để bảo đảm chi phí xử lý các chất nằm ngoài 4 chất (Bụi tổng, NOx, SOx, CO);

- (ii) Phí biến đổi thu bổ sung đối với các cơ sở phải quan trắc khí thải (thu đối với 4 chất: Bụi tổng, NOx, SOx, CO).

Đối với phí cố định, mức phí cố định (f) đối với các cơ sở xả khí thải là 3.000.000 đồng/năm. Mức phí cố định được quy định theo năm; trường hợp người nộp phí nộp theo quý thì số phí phải nộp tính cho 1 quý là f/4; trường hợp người nộp phí nộp theo tháng thì số phí phải nộp tính cho 1 tháng là f/12.

Đối với phí biến đổi, theo điểm b khoản 2 và khoản 3 Điều 136 Luật Bảo vệ môi trường về cơ sở xác định mức phí và trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc đề xuất mức thu phí bảo vệ môi trường, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định mức phí biến đối đối với 4 chất gây ô nhiễm môi trường.

Về mức phí đối với các chất gây ô niễm môi trường có trong khí thải gồm:

- Bụi tổng có mức thu là 800 đồng/tấn;

- NOx (gồm NO2 và NO) là 800 đồng/tấn;

- SOx thu 700 đồng/tấn;

- CO thu 500 đồng/tấn.

Bộ Tài chính cho biết, hiện ô nhiễm môi trường không khí, nhất là tại các đô thị lớn đang có xu hướng ngày càng gia tăng, có thời điểm chất lượng ô nhiễm môi trường không khí ở mức báo động. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do hoạt động xả khí thải của các cơ sở xả thải và phương tiện giao thông vận tải.

Hiện cả nước có khoảng 5,1 triệu xe ô tô và số lượng lớn xe máy đang lưu hành và có hàng chục khu tổ hợp, liên hợp trong đó tập trung nhiều dự án, loại hình sản xuất bauxite, gang thép, lọc hóa dầu, trung tâm điện lực, hàng ngày xả thải khối lượng lớn khí thải công nghiệp;

Có gần 120.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó có 138 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020, chưa hoàn thành xử lý triệt để;

Khoảng 110.000 doanh nghiệp xây dựng, hoạt động xây dựng nhà ở, khu chung cư, khu đô thị mới, cầu đường, khai thác và vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải diễn ra khắp nơi trong cả nước. Các cơ sở này phát sinh khối lượng lớn khí thải công nghiệp, bụi thải, tác động xấu đến môi trường.

Châu An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.