Tại khoản 4 Điều 4 dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) quy định: "Thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thu nhập từ bán sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam, thu nhập từ bán sản phẩm sản xuất thử nghiệm trong thời gian sản xuất thử nghiệm theo quy định của pháp luật. Thu nhập tại khoản này được miễn thuế tối đa không quá 03 năm.”.
Đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ. Ảnh: quochoi.vn
Về quy định này, đại biểu Đào Chí Nghĩa – Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ cho rằng, quy định thời gian miễn thuế như vậy là ngắn. Thời gian miễn thuế tối đa là 3 năm có thể không đủ để các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc doanh nghiệp công nghệ cao đạt được lợi nhuận từ hoạt động nghiên cứu và phát triển. Bởi, các dự án nghiên cứu và phát triển thường mất nhiều năm để hoàn thiện và thương mại hóa.
Hơn nữa, dự thảo Luật chưa nêu rõ tiêu chí để xác định thế nào là “sản phẩm công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam” hoặc “sản phẩm sản xuất thử nghiệm”. Điều này có thể dẫn đến tranh cãi hoặc lạm dụng chính sách miễn thuế.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn chiếm phần lớn trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, có thể không đủ nguồn lực để đáp ứng các yêu cầu chứng minh hoạt động nghiên cứu và phát triển, làm giảm tính tiếp cận của chính sách. Do đó, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kéo dài hơn thời gian miễn thuế cho các dự án nghiên cứu và phát triển có quy mô lớn hoặc thuộc lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, ban hành hướng dẫn chi tiết về tiêu chí đánh giá và quy trình xác nhận để đảm bảo tính minh bạch và dễ áp dụng.
ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai (Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội
Cùng chung quan điểm này, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai (Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) bày tỏ, thời gian miễn thuế tối đa 3 năm như dự thảo Luật cơ bản phù hợp, nhưng đại biểu cho rằng, thời gian 3 năm để khuyến khích đầu tư, đặc biệt lĩnh vực chuyển đổi số, khoa học công nghệ rất mới, chúng ta phải tiệm cận với thế giới là chưa đủ.
Vì vậy đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra ủng hộ đề nghị xem xét kéo dài thời gian miễn thuế lên 5 năm với các lĩnh vực thực hiện nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ được ưu tiên như: y tế, công nghệ sinh học, AI...
Đối với điều 12 về nguyên tắc, đối tượng áp dụng ưu đãi thuế, đại biểu Thanh Mai quan tâm tới khoản 2 ngành, nghề ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và đề nghị bổ sung ưu đãi với ứng dụng khoa học và thử nghiệm, bởi đây cũng là khâu quan trọng trước khi chúng ta tiến hành sản xuất đại trà.
Về quy định trích lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ, đại biểu TP Hà Nội đề xuất cần giao cho Chính phủ quy định rõ các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên trong việc sử dụng quỹ, gắn với chiến lược phát triển khoa học công nghệ Quốc gia.
"Điều này sẽ bảo đảm tinh thần mới trong xây dựng thể chế. Tùy từng giai đoạn vã lĩnh vực trọng tâm, Chính phủ sẽ ban hành để bảo đảm tính kịp thời với tốc độ phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ hiện nay" - đại biểu Thanh Mai nhấn mạnh.
-
Đề xuất miễn thuế đất nông nghiệp đến 2030
Chính phủ vừa đề xuất kéo dài chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thêm 5 năm, đến hết năm 2030, nhằm tiếp tục hỗ trợ ngành nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực và ổn định kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
-
Bộ Tài chính không ủng hộ miễn thuế thu nhập cá nhân tại trung tâm tài chính
Cho rằng không phải mọi lao động làm việc tại trung tâm tài chính là đối tượng cần thu hút, Bộ Tài chính không ủng hộ miễn thuế thu nhập cá nhân tại trung tâm tài chính.
-
Đề xuất kéo dài chính sách miễn thuế đất nông nghiệp đến hết năm 2030
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự án Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến 31/12/2030.







