29/01/2019 9:52 PM
Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả được mời tham gia trực tiếp quản trị, điều hành và thay thế một thành viên nhà đầu tư để giải cứu Dự án BOT đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.

Ròng rã suốt gần 4 năm qua, Dự án vẫn đang đối mặt với muôn vàn khó khăn, trắc trở, khiến thời hạn hoàn thành công trình dù đã được Bộ GTVT gia hạn đến 31/12/2020 cũng trở nên xa vời.

Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận vừa có công văn số 21/BOT –TLMT gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ GTVT báo cáo các khó khăn vướng mắc và đề xuất giải pháp nhằm triển khai tiếp Dự án cao tốc BOT Trung Lương – Mỹ Thuận.

Bổ sung thế và lực

Theo đó, Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết là dự kiến bổ sung nhân sự điều hành doanh nghiệp dự án bao gồm các chức danh chủ chốt như Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, Cố vấn từ Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả nhằm tăng cường năng lực quản trị, điều hành công trình xây dựng tuyến cao tốc huyết mạch từ Trung Lương đến Mỹ Thuận vốn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Để Dự án hoàn thành toàn tuyến vào năm 2020, Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đề nghị Bộ GTVT thống nhất việc thay thế và kế thừa toàn bộ số cổ phần của Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh – một trong 6 thành viên liên danh nhà đầu tư tại doanh nghiệp dự án (30% vốn điều lệ) bằng Công ty cổ phần Đèo Cả hoặc bằng Công ty cổ phần Đầu tư cầu đường CII.

Điều đáng chú ý, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cũng là nhà đầu tư từng giải cứu một dự án cao tốc lớn khác có quy mô và tính chất phức tạp tương tự cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận là Dự án cao tốc Bắc Giang – Chi Lăng (Lạng Sơn). Một điểm trùng hợp là “ông chủ” của doanh nghiệp đứng đầu liên danh nhà đầu tư cũ tại BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn là Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư UDIC) cũng dính vào vòng lao lý trong vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỷ.

Từ việc giải cứu thành công cao tốc Bắc Giang – Chi Lăng (Lạng Sơn), tháng 2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung tuyến cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị dài 43km vào dự án cao tốc Bắc Giang – Chi Lăng và giao UBND tỉnh Lạng Sơn làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Cần phải nói thêm, ngoài dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Chi Lăng – Hữu Nghị - Tân Thanh đang triển khai, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả hiện được biết đến với biệt danh “Vua hầm ở Việt Nam” khi đang là nhà đầu tư của 3 dự án hầm lớn nhất cả nước gồm: Đèo Cả, Cù Mông và Hải Vân, với tổng vốn đã đầu tư vào các dự án PPP giao thông hơn 2 tỷ USD. Hơn nữa, đây cũng là doanh nghiệp được tỉnh Cao Bằng “chọn mặt gửi vàng” khi được mời tham gia nghiên cứu, triển khai tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) với tổng mức đầu tư dự kiến trên 20.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, để giảm bớt thủ tục trung gian, tăng cường phân cấp và để đẩy nhanh tiến độ Dự án, Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển nhiệm vụ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho UBND tỉnh Tiền Giang.

“Đây là mô hình đã chứng minh tính hiệu quả trong thời gian khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển đổi vai trò cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT về địa phương như tại Dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, Hữu Nghị - Chi Lăng, Hạ Long – Vân Đồn”, ông Phan Anh Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết.

Doanh nghiệp dự án cũng mong Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT thống nhất việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ thực hiện việc cập nhật tổng mức đầu tư khi Dự án kéo dài, xuất hiện các yếu tố mang lại hiệu quả cao hơn về tài chính, kinh tế xã hội cho dự án nhằm giải quyết các vướng mắc tín dụng, trong đó có việc thực hiện điều chỉnh lãi suất vốn vay theo quy định tại điều 26 – Thông tư số 88/TT – BTC ngày 28/9/2018 để đảm bảo yêu cầu của Ngân hàng cấp tín dụng (bỏ trạm thu phí cao tốc Tp.HCM – Trung Lương; tạo cơ sở cho việc kết nối cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ; có cơ sở hoàn thành Dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, tránh kéo dài gây lãng phí có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng).

“Bộ GTVT sớm có văn bản báo cáo Thủ tướng, đồng thời thống nhất với Văn phòng Chính phủ để đăng ký lịch trong tháng 2/2019 để nghe nhà đầu tư báo cáo các giải pháp tháo gỡ thông qua đó kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để Dự án có cơ hội hoàn thành toàn tuyến trong năm 2020”, đại diện doanh nghiệp dự án kiến nghị.

Những điều kiện cần và đủ

Khởi động vào tháng 2/2015, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được kỳ vọng hoàn thành sau 3 năm thi công (năm 2018) để rút ngắn thời gian lưu thông từ TP.HCM đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giảm tải cho tuyến QL1, thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực Tây Nam bộ.

Tuy nhiên, ròng rã suốt gần 4 năm qua, Dự án vẫn đang đối mặt với muôn vàn khó khăn, trắc trở, khiến thời hạn hoàn thành công trình dù đã được Bộ GTVT gia hạn đến 31/12/2020 cũng trở nên xa vời. Thậm chí, hiện Dự án đang đứng trước bờ vực đổ vỡ nếu không được các cơ quan có thẩm quyền xử lý, tháo gỡ kịp thời.

Đại diện Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết, vướng mắc nổi cộm nhất tại dự án hiện nay là phương án tài chính bị phá vỡ và nguồn vốn tín dụng cho dự án chưa được giải ngân.

Theo ông Dũng, ngày 15/6/2018, doanh nghiệp dự án đã ký hợp đồng tín dụng vay 6.850 tỷ đồng của 4 ngân hàng: Vietinbank chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, BIDV chi nhánh Bình Định, VP Bank và Agribank chi nhánh Sài Gòn để thực hiện dự án.

Theo quy định của hợp đồng tín dụng, các ngân hàng tài trợ vốn đưa ra 20 điều kiện tiên quyết đối với dự án và phải hoàn thành trước ngày giải ngân vốn. Trong đó, 14 điều kiện thuộc trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết của doanh nghiệp dự án và nhà đầu tư BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đến nay cơ bản được tháo gỡ. 6 điều kiện tiên quyết khác phụ thuộc vào thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT, gồm: hai điều kiện liên quan đến việc thế chấp tài sản (quyền thu phí hoàn vốn, cổ phần của các cổ đông trong doanh nghiệp dự án); 3 điều kiện liên quan đến lãi suất vốn vay và phần hỗ trợ của Nhà nước cho dự án; Một điều kiện liên quan đến việc chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng dự án.

“Các vướng mắc trên nằm ngoài tầm xử lý của doanh nghiệp dự án nên nguồn tín dụng cho dự án chưa được khơi thông”, ông Dũng cho biết và thông tin, do Công ty TNHH Yên Khánh đang liên quan đến nhiều vụ án hình sự nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến các bên liên quan của Dự án. Đặc biệt, các ngân hàng tài trợ vốn cho dự án yêu cầu phải thay thế nhà đầu tư Yên Khánh và xác định đây là điều kiện tiên quyết để giải ngân vốn tín dụng.

Hơn nữa, phương án tài chính của dự án BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận hiện cũng đang bị phá vỡ. Cụ thể, lãi suất vốn vay trong phương án tài chính được Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định 1700 ngày 15/6/2017 là 7,82%/năm, thấp hơn hợp đồng tín dụng đã ký với ngân hàng 10,8%/năm (thấp hơn 2,98%/năm), do đó không giải ngân được vốn vay tín dụng do chênh lệch lãi suất theo quy định với hợp đồng tín dụng quá lớn. Đặc biệt, nguồn doanh thu thu phí tại dự án cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Trung Lương để hỗ trợ dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận theo phương án tài chính ban đầu đến nay cũng không thể thực hiện được do những quy định ràng buộc của Luật Quản lý tài sản công có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018, khiến dự án bị phá vỡ phương án tài chính.

Về độ thực hiện Dự án, ông Dũng cho biết là ngày 31/8/2018, Bộ GTVT có văn bản chấp thuận hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng giai đoạn 1 cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận trước ngày 31/12/2020. Tuy nhiên, báo cáo của Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho thấy, do còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết, đến nay mới triển khai thi công 19/21 gói thầu xây lắp, còn lại 2 gói thầu địa phương chưa bàn giao mặt bằng để triển khai thi công.

Liên quan đến đề xuất của Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, trao đổi với baodautu.vn, ông Lưu Xuân Thủy - Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cho biết đã làm việc với doanh nghiệp dự án và các nhà đầu tư BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

“Về cơ bản chúng tôi ghi nhận tinh thần trách nhiệm cao với công trình của liên danh nhà đầu tư và đã bước đầu lên kế hoạch hỗ trợ để sớm hoàn thành tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận khi được các cấp thẩm quyền chấp thuận. Mặc dù xác định là sẽ gặp rất nhiều khó khăn nhưng tại thời điểm này, Đèo Cả không đặt ra bất cứ điều kiện nào với Bộ GTVT, Chính phủ. Chúng tôi vào cuộc để cùng chia sẻ trách nhiệm với đất nước và ngành GTVT ”, ông Thủy chia sẻ.

Lộ trình 10 năm xây dang dở tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận

- Tháng 5/2008: Công ty CP Phát triển đường cao tốc BIDV thành lập để triển khai dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

- Tháng 11/2009, khởi công dự án lần 1.

- Tháng 2/2012, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT tiếp nhận nguyên trạng dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận do BIDV từ chối triển khai tiếp.

- Tháng 10/2014, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư dự án theo hình thức BOT, Nhà nước hỗ trợ bằng quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đồng thời giao Bộ GTVT quyết định việc chỉ định nhà đầu tư.

- Tháng 2/2015, dự án được tái khởi động lần 2 với mục tiêu hoàn thành vào năm 2018, với liên danh 6 doanh nghiệp góp vốn đầu tư gồm Công ty Tuấn Lộc (30%), Công ty Yên Khánh (30%), Công ty BMT (10%), Công ty Thắng Lợi (10%), Công ty Hoàng An (10%), Công ty cầu đường CII (10%).

- Tháng 6/2017, dự án được điều chỉnh vốn đầu tư còn 9.668 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào quý 2/2020.

- Tháng 8/2018, Bộ GTVT cho phép điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án đến 31/12/2020.

Anh Minh (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.