10/01/2021 3:00 PM
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam -CTCP không thể xóa khối tài sản trăm tỷ đồng vô dụng, nếu không sớm “khai tử” dứt điểm Dự án Đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong.

Dự án Đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong trong trong tình trạng thi công dang dở

“Vỡ mộng”

Sự bức bối là điều có thể nhận thấy trong Văn bản số 3028/HHVN-ĐT vừa được VIMC gửi tới Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), liên quan đến việc chuyển giao Tiểu dự án 1 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (Dự án Cảng Vân Phong) từ Cục Hàng hải Việt Nam về lại doanh nghiệp này.

Trong Văn bản số 3208, VIMC cho biết, doanh nghiệp đã rất nhiều lần làm việc, gửi đề xuất tới các cơ quan chức năng về việc bàn giao lại Dự án Cảng Vân Phong, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Với tính chất cấp bách của việc xử lý tồn tại của Dự án, VIMC tha thiết kiến nghị Bộ trưởng, Thứ trưởng, các cơ quan thuộc Bộ GTVT sớm xem xét chỉ đạo quyết liệt việc bàn giao lại Dự án cho VIMC.

Bên cạnh đó, VIMC cũng kiến nghị Bộ GTVT sớm có quyết định ngừng thực hiện Dự án Cảng Vân Phong do Tổng công ty làm chủ đầu tư theo đúng quy định của Luật Đầu tư.

Trước đó, tại Công văn số 7654/VPCP-CN, ngày 15/9/2020 về việc xử lý tồn tại liên quan đến Dự án Cảng Vân Phong do VIMC làm chủ đầu tư, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ: Tài chính, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan có liên quan xử lý dứt điểm theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

“Tuy nhiên, đến nay, Tổng công ty vẫn chưa nhận được chỉ đạo từ Bộ GTVT để xử lý tồn tại của dự án này”, Văn bản số 3208 của VIMC nêu.

Được biết, Dự án Cảng Vân Phong được triển khai tại vịnh Vân Phong, thuộc xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa). Với diện tích 750 ha, gồm 37 bến, chiều dài toàn bến khoảng 12.564 m, công suất thiết kế khoảng 17,5 triệu TEU/năm, tổng mức đầu tư 3,6 tỷ USD, công trình này được kỳ vọng là cảng trung chuyển nước sâu có thứ hạng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong giai đoạn khởi động, Dự án sẽ xây dựng 2 bến, tổng chiều dài mép bến là 690 m, quy mô sử dụng đất 42 ha, tổng mức đầu tư gần 6.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 710.000 TEU/năm, có thể tiếp nhận tàu container có sức chở lên đến 9.000 TEU, thời gian thực hiện trong 20 tháng.

Dự án được Bộ GTVT phê duyệt năm 2007 và giao VMIC làm chủ đầu tư nhằm tạo thế và lực cho “ông lớn” ngành hàng hải sớm định vị vị thế hàng đầu trong phát triển cảng trung chuyển quốc tế. Sau khi hoàn tất các thủ tục, cân đối nguồn vốn tự có, Dự án đã được triển khai thực hiện từ năm 2009.

Khi mới triển khai một số hạng mục đầu tiên thuộc Tiểu dự án 1, những tác động từ cuộc khủng hoảng kép kinh tế thế giới giai đoạn 2008 khiến Dự án không còn tính khả thi. Bản thân VIMC khi đó cũng bị hụt hơi, không có đủ năng lực tài chính để theo đuổi công trình. Chính vì vậy, để tránh lãng phí, được sự đồng ý của Chính phủ, năm 2012, Bộ GTVT đã chỉ đạo VIMC dừng thực hiện Dự án và bàn giao khối lượng thi công dang dở cho Cục Hàng hải Việt Nam.

Theo Bộ Tư pháp, VIMC đã bàn giao tài sản, hồ sơ của Dự án Cảng Vân Phong sang Cục Hàng hải Việt Nam để quản lý tài sản, nhưng chưa hoàn thành thủ tục chuyển nhượng Dự án cho Cục Hàng hải Việt Nam. Giá trị đầu tư của dự án này đã được ghi nhận là chi phí xây dựng cơ bản dở dang (tạm tính là 150,23 tỷ đồng) và được tính vào giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại Công ty mẹ - VICM theo Quyết định số 3402/QĐ-BGTVT ngày 8/12/2017 của Bộ GTVT. Hiện nay, giá trị của Dự án tiếp tục được ghi nhận trên sổ sách kế toán của VIMC với số tiền 213 tỷ đồng.

Vì vậy, Bộ Tư pháp nêu quan điểm, về mặt pháp lý, việc xác định các tài sản của Dự án là tài sản của VIMC, nên việc thực hiện bàn giao lại tài sản của Dự án mà Cục Hàng hải Việt Nam đang quản lý về VIMC để thanh lý tài sản là hợp lý.

Tại thời điểm đó, Bộ GTVT hy vọng, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ tìm kiếm được nhà đầu tư thay thế VIMC. Trong trường hợp Dự án Cảng Vân Phong được khởi động lại, VIMC sẽ được nhà đầu tư mới thanh toán các khối lượng đã thực hiện.

Trong văn bản gửi Bộ GTVT vào đầu tháng 10/2020, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc VIMC cho biết, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GTVT, đến tháng 9/2018, VIMC đã hoàn thành toàn bộ việc thanh toán, quyết toán hợp đồng với các nhà thầu thi công Tiểu dự án 1 thuộc Dự án Cảng Vân Phong; giá trị đầu tư Dự án đã được kiểm toán là 213 tỷ đồng.

Đến tháng 10/2018, VIMC và Cục Hàng hải Việt Nam ký Biên bản bàn giao Dự án, bao gồm các cọc ống thép đã đóng và chưa đóng, cọc bê tông cốt thép, các công trình tạm phục vụ thi công… Toàn bộ khối tài sản dở dang này vẫn đang được Cục Hàng hải Việt Nam trông giữ trên khu đất của Dự án trước đây.

Tuy nhiên, kể từ nhận bàn giao, Cục Hàng hải Việt Nam cũng không thể tìm được nhà đầu tư mới. Thậm chí, Dự án Cảng Vân Phong còn trở thành gánh nặng đối với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, do phải cắt cử nhân lực để trông coi khối tài sản dở dang nói trên. Bản thân Dự án Cảng Vân Phong cũng đã bị “khai tử” một phần về mặt pháp lý, sau khi bị UBND tỉnh Khánh Hòa thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi đất vào năm 2013.

Mong sớm khép lại vụ việc

Theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, toàn bộ tài sản, hồ sơ của Dự án Cảng Vân Phong đã được VIMC bàn giao đầy đủ sang Cục Hàng hải Việt Nam, nhưng về mặt sổ sách kế toán, Tổng công ty vẫn phải ghi nhận toàn bộ giá trị của Dự án “chết lâm sàng” này trong bản cân đối tài chính.

Điều đáng nói là, từ ngày 15/8/2020, VIMC chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và phải thực hiện quyết toán phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. VIMC có trách nhiệm ghi nhận giá trị đầu tư (số tiền 213 tỷ đồng) tại Dự án Cảng Vân Phong là tài sản dự án dở dang, không thể tiếp tục đầu tư, đưa vào khai thác sử dụng.

“Điều này sẽ làm cho tình hình tài chính của VIMC không lành mạnh, ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của Tổng công ty đang gặp rất nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế kéo dài và dịch bệnh đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành vận tải biển trong nước và quốc tế”, lãnh đạo VIMC thông tin.

Trong trường hợp Dự án Cảng Vân Phong không được bàn giao lại cho VIMC để xử lý tài sản, thì Tổng công ty sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc quyết toán phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần theo quy định. Đồng thời, trong Phương án cổ phần hóa VIMC đã công bố không có Dự án Cảng Vân Phong. Vì vậy, nếu không xử lý tồn tại của Dự án sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cổ đông bên ngoài đã mua cổ phần của Tổng công ty.

Được biết, để tháo gỡ vướng mắc cho VIMC, tại Công văn số 5781 GTVT-QLDN, ngày 15/6/2020 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý các tồn tại của Dự án Cảng Vân Phong, Bộ GTVT cũng thừa nhận, việc bàn giao công trình này sang Cục Hàng hải Việt Nam là chưa đủ căn cứ.

Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bàn giao lại tài sản tại Dự án Cảng Vân Phong mà Cục Hàng hải Việt Nam đang quản lý về lại VIMC để đơn vị này tự thanh lý tài sản trong giai đoạn Công ty mẹ chuẩn bị chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

“Giá trị chênh lệch sau khi thanh lý so với quyết định phê duyệt quyết toán của Dự án Cảng Vân Phong sẽ được quyết toán cùng với vốn nhà nước tại thời điểm Công ty mẹ - VIMC chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần”, lãnh đạo Bộ GTVT đề xuất.

Trong trường hợp, tại thời điểm Công ty mẹ - VIMC chính thức chuyển thành công ty cổ phần mà việc thanh lý các tài sản của Dự án Cảng Vân Phong chưa hoàn thành, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép loại trừ toàn bộ tài sản, nguồn vốn của Dự án Cảng Vân Phong ra khỏi phần tài sản, nguồn vốn bàn giao sang Công ty cổ phần. VIMC tiếp tục tổ chức thanh lý, số tiền thu được do thanh lý tài sản được để lại tăng phần vốn góp của Nhà nước tại Công ty cổ phần hoặc nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp.

Đề xuất nói trên của Bộ GTVT cũng nhận được sự đồng thuận từ phía các bộ, ngành liên quan.

Lãnh đạo VIMC cho rằng, việc xử lý những tồn tại của Dự án Cảng Vân Phong đang diễn ra rất chậm so với chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ và mong muốn khép lại vụ việc của chính các bên liên quan, bao gồm VIMC và Cục Hàng hải Việt Nam.

“Chúng tôi mong nhận được ý kiến chỉ đạo cuối cùng của Bộ GTVT trong việc thể hiện đúng bản chất của Dự án đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần; có hướng xử lý dứt điểm nhằm giảm bớt khó khăn, lành mạnh tài chính của công ty cổ phần”, lãnh đạo VIMC kiến nghị.

Bảo Như (Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.