Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 20%, bình quân 5 tháng cuối năm phải đạt khoảng 2,6%, nhưng theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đây là mức quá cao, có thể gây nhiều hệ lụy cho nền kinh tế.

Đề xuất giảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng xuống 15%

Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn cho rằng Việt Nam cần chuẩn bị sẵn kịch bản để đối phó, trong trường hợp kinh tế thế giới suy thoái lần 2. Ảnh: Nhật Minh


Ủy ban Giám sát Tài chính vừa trình Chính phủ thảo báo cáo kinh tế vĩ mô 8 tháng và dự báo năm 2011 - 2012.


Nhận định về chính sách tiền tệ, đặc biệt là tăng trưởng tín dụng, Ủy ban cho rằng mức tăng 7,23% của 7 tháng đầu năm là thấp so với mục tiêu 20% của cả năm. Điều này không chỉ gây ra nhiều hệ lụy đối với nền kinh tế cũng như gây áp lực tăng mạnh dòng vốn trong những tháng cuối năm. Nếu giữ nguyên mục tiêu tăng tín dụng cả năm 2011 ở mức 20%, mức tăng trung bình trong những tháng còn lại phải đạt khoảng 2,6% mỗi tháng.


“Đây là mức tăng trưởng quá cao trong điều kiện hiện nay”, báo cáo nhận định.


Để phù hợp với mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát của năm 2011, Ủy ban Giám sát tài chính kiến nghị nên giữ tốc độ tăng trưởng hằng tháng không quá 1,8 - 2% trong thời gian còn lại của năm. Như vậy, nên điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng của 2011 xuống mức 15%. Mức tăng tổng phương tiện thanh toán cả năm cũng nên được rút xuống mức 11 - 12%, thay vì 15% như hiện nay.


Bước sang 2012, Ủy ban Giám sát tài chính cũng kiến nghị mức tăng trưởng tín dụng không nên vượt quá 20%, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16%. Điều này vừa có lợi cho nền kinh tế, vừa giúp hệ thống ngân hàng hạn chế được rủi ro.


Theo số liệu của cơ quan giám sát, tỷ lệ cho vay so với huy động vốn của các tổ chức tín dụng Việt Nam hiện xuyên ở mức trên 0,9 (cao thứ 2 trong khu vực Đông Á, chỉ sau Hàn Quốc). Trong đó, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,19% (cuối 2010) lên 2,91% (tháng 7/2011). Nếu áp theo chuẩn quốc tế thì tỷ lệ nợ xấu này thậm chí còn cao hơn. Ủy ban kiến nghị Chính phủ cần sớm có đề án chi tiết và phù hợp về cải cách hệ thống ngân hàng Việt Nam.


Về vấn đề lạm phát, Ủy ban Giám sát tài chính cho rằng, CPI năm 2011 nhiều khả năng dao động quanh ngưỡng 18%. Con số dự kiến cho 2012 là 9-10%. Để kiềm chế lạm phát hiệu quả hơn, Báo cáo đề xuất thực hiện giảm mặt bằng lãi suất, thúc đẩy lưu thông, phân phối hàng hóa… bên cạnh các giải pháp tác động vào tổng cầu. Ủy ban cũng kiến nghị Tổng cục Thống kê cần công bố thêm chỉ số lạm phát cơ bản (loại trừ 2 yếu tố lương thực thực và xăng dầu) bên cạnh việc công bố CPI tổng thể như hiện nay.


Về tăng trưởng, Báo cáo dự kiến mức tăng GDP 2011 khó đạt mục tiêu 6% đề ra mà chỉ có thể dao động trong khoảng 5,5% - 6%. Ủy ban Giám sát dự kiến mức tăng trưởng có thể cao hơn trong năm 2012, đạt khoảng 6,5-6,7%. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc khá nhiều vào diễn biến kinh tế thế giới và Việt Nam cần chuẩn bị sẵn kịch bản đối phó khả năng kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái lần 2.


Báo cáo kinh tế vĩ mô nói trên đã được Ủy ban Giám sát tài chính soạn thảo và trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 8 diễn ra tại Hà Nội hai ngày qua. Kết quả của phiên họp này sẽ được công bố tại phiên Họp báo thường kỳ diễn ra chiều nay (1/9). Đây là phiên họp báo đầu tiên của Chính phủ trong nhiệm kỳ mới.

Theo Nhật Minh (Vnexpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh