25/01/2013 7:40 AM
"Vấn đề đặt ra ở đây là mở rộng có kiểm soát hay tự phát? Nâng cấp mở rộng tự phát, tức là không có sự can thiệp của cơ quan nhà nước là không được, các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là ở các địa phương dứt khoát không để xảy ra tình trạng này, nếu có phải xử lý nghiêm minh".
Trong phiên giải trình trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ngày 24/1, đại biểu Lê Nam (tỉnh Thanh Hóa) đã nêu một câu hỏi: Việc mở rộng đô thị vừa rồi dẫn đến lãng phí tài nguyên đất đai, xin hỏi Bộ trưởng có tình trạng chạy để lên được đô thị không? Trong khi BĐS đóng băng thì chúng ta lại để các thành phố khai thác quỹ đất từ đô thị bán ra thị trường, như vậy sẽ làm cho thị trường khó khăn hơn?

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho hay, tỷ lệ đô thị hóa của chúng ta là 32%, dân số khoảng 28,8 triệu người. Dự kiến tăng 1 triệu dân mỗi năm, như vậy vào năm 2020 có khoảng 38 triệu dân đô thị. "Chỉ tính 10% dân số này cần nhà thì chúng ta đã phải đáp ứng khoảng 1 triệu căn hộ, trong đó Hà Nội cần khoảng 150 nghìn căn và TPHCM khoảng 250 nghìn căn", ông Dũng nói.

Đề cập tới vấn đề "chạy chọt" để lên đô thị khiến việc mở rộng đô thị tràn lan, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng các địa phương có nhu cầu nâng cấp đô thị là yêu cầu khách quan, vì công nghiệp hóa hiện đại hóa thì đô thị hóa là đương nhiên, không thể tránh khỏi. Việc nâng cấp đô thị trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, trung ương, nâng cấp thành đô thị trực thuộc thị trấn, phường… do các địa phương làm căn cứ trên nhu cầu ở từng nơi, quy trình là địa phương phải lập đề án trình ủy ban, rồi trình HĐND cấp quận, huyện, tỉnh rồi sau đó trình trung ương xét duyệt.

Tuy nhiên, có một thực trạng dễ nhận thấy liên quan đến các quy định về phát triển đô thị mới là sau khi phê duyệt dự án và cấp phép đầu tư thì chủ đầu tư gần như nắm toàn quyền trong khâu thực hiện, cơ quan quản lý nhà nước chỉ kiểm tra khi có sự cố, và trên thực tế nhiều dự án được triển khai tại các khu vực trung tâm nhưng không có cơ quan quản lý nhà nước nào chịu trách nhiệm điều phối, góp phần thúc đẩy nhanh tiến độ.

Bên cạnh đó có thể nhận thấy khi các địa phương được phân cấp chủ động hơn thì đã xuất hiện tình trạng dự án khu đô thị mới phát triển tự phát, không theo quy hoạch đô thị. Địa phương chỉ nhằm vào mục tiêu tăng trưởng hành chính trước mắt, điều đó đã dẫn đến việc "đẻ" ra nhiều dự án vượt quá xa so với khả năng kinh tế của địa phương, vượt xa nhu cầu thực tế của địa phương, dẫn tới lãng phí các nguồn lực xã hội và tác động tiêu cực tới thị trường BĐS hiện nay.
Ông Dũng nhấn mạnh: "Vấn đề đặt ra ở đây là mở rộng có kiểm soát hay tự phát? Nâng cấp mở rộng tự phát, tức là không có sự can thiệp của cơ quan nhà nước là không được, các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là ở các địa phương dứt khoát không để xảy ra tình trạng này, nếu có phải xử lý nghiêm minh".
Vấn đề chất lượng đô thị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, đô thị Việt Nam phát triển rất mạnh, từ 1999 tới nay đã có 32% tỷ lệ đô thị hóa, bộ mặt đô thị ngày càng khang trang hơn, nhiều khu đô thị không chỉ phát triển tốt, có ý nghĩa trong khu vực mà còn ở quốc tế.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng khẳng định, chất lượng đô thị hiện nay chưa tương xứng với mong muốn, còn nhiều hạn chế. Chất lượng phát triển đô thị không đồng đều, khu này tốt nhưng khu kia lại không tốt, hạ tầng không đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ đời sống người dân, giao thông tắc nghẽn, môi trường ô nhiễm, phát triển đô thị còn thiếu bền vững… đó là những vấn đề có thật.
"Chúng ta không thể nóng ruột, vì GDP mới hơn 1 nghìn USD/1 người thì không thể làm ngay được như những nước thu nhập 10 nghìn USD/1 người. Chúng ta ko bằng lòng, chúng ta cố gắng nhưng đầu tư thế này ở thời điểm hiện tại cũng là cố gắng rồi, nếu đầu tư quá nhiều vào đô thị thì không đầu tư được cho nông thôn và không thể kiểm soát được mục tiêu công bằng xã hội. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 11, đây là cách tiếp cận mới hoàn toàn mới, yêu cầu phát triển đô thị phải theo kế hoạch, không được để hạ tầng kém, chất lượng quản lý kém", ông Dũng nói.
Ngọc Quang (Giáo dục Việt Nam)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.