Theo đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã có văn bản số 882/TB-TTKQH thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đánh giá việc ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội khóa XIV về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết số 42) là một quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội; đồng thời đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương và các tổ chức tín dụng (TCTD) trong gần 5 năm qua đã tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, qua đó đã góp phần kiểm soát nợ xấu dưới mức 2%, bảo đảm an toàn của hệ thống các TCTD.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu bổ sung số liệu nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 (số tuyệt đối và tỷ trọng, phân theo đối tượng TCTD và các lĩnh vực cụ thể), gồm: tổng nợ xấu tại thời điểm Nghị quyết có hiệu lực và đã được xử lý; tổng nợ xấu phát sinh sau thời điểm Nghị quyết số 42 có hiệu lực thuộc phạm vi của Nghị quyết và đã được xử lý; tổng nợ xấu còn lại chưa được xử lý đến ngày 31/12/2021.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu có phân tích thực trạng nợ xấu của các TCTD tại thời điểm 31/12/2021 và kết quả xử lý nợ xấu nói chung, trong đó có các biện pháp xử lý như trích lập dự phòng rủi ro, mua bán nợ của các TCTD; kết quả xử lý nợ xấu của Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC); báo cáo rõ về nợ xấu trong các lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, tín dụng tiêu dùng, trái phiếu doanh nghiệp, cho vay BOT; lãi dự thu, sở hữu chéo…
Phân tích ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42; ảnh hưởng của việc thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đối với công tác giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Bổ sung thêm đánh giá tác động của việc thực hiện Nghị quyết số 42 đối với sự phát triển của hệ thống các TCTD nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung vào Báo cáo tổng kết thời gian xây dựng khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm để thay thế Nghị quyết số 42; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan nghiên cứu, đề xuất nội dung luật hóa cùng với việc rà soát, hoàn thiện Luật Các tổ chức tín dụng và các luật khác có liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, trình Quốc hội chậm nhất vào kỳ họp đầu năm 2023.
Tại Phiên họp thứ 10 ngày 14/4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, sau khi có Nghị quyết 42, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ xấu nội bảng 196,9 nghìn tỷ đồng (chiếm gần 51,8 %); các khoản nợ ngoài bảng 100,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 26,51%) và các khoản nợ đã bán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt 82,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 21,70%).
Tổng nợ xấu chưa xử lý xác định theo nghị quyết này toàn hệ thống đến cuối năm 2021 là 412,7 nghìn tỷ đồng, giảm hơn 17,2% so với giữa tháng 8/2017, thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực.
Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, vấn đề trái phiếu doanh nghiệp đã “cảnh báo nhiều lần rồi chứ không phải bây giờ mới cảnh báo” và “chắc chắn tới đây rất nóng”. Nhân đây, ông còn đề nghị Ngân hàng Nhà nước đánh giá thêm về sở hữu chéo trong hệ thống vì “manh nha bắt đầu lại, cũng phức tạp”.
-
Quy định mới từ 15/1 cho tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long, người tham gia giao thông cần lưu ý
Sở Giao thông vận tải Hà Nội mới đây đã có văn bản thông báo về việc điều chỉnh tổ chức giao thông một chiều trên tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long, thời gian áp dụng bắt đầu từ ngày 15/1/2025....
-
Dự án nhà ở xã hội gần 1.200 tỷ sẽ được triển khai tại quận rộng nhất Hà Nội
Kế hoạch sử dụng đất 2025 tại quận này có 116 dự án, đáng chú ý chỉ có duy nhất một dự án nhà ở xã hội cao 31 tầng, tổng mức đầu tư gần 1.200 tỷ đồng.
-
Đầu tư 1,5 tỷ USD, “ông lớn” Nhật Bản tiết lộ kế hoạch triển khai các dự án tại Việt Nam
Với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD, Tập đoàn AEON xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ hai chỉ sau Nhật Bản. Tập đoàn bán lẻ hàng đầu này đang tăng tốc mở rộng mạng lưới, phát triển đa dạng mô hình kinh doanh và đẩy mạnh hợp tác với nhà sản xuấ...