11/10/2013 10:33 PM
Hợp nhất để củng cố sức mạnh là việc quan trọng mà các ngân hàng cần làm, nhưng quan trọng hơn là đảm bảo sự phát triển bền vững dài hạn, mà trước mắt là tập trung giải quyết nợ xấu. Đó là quan điểm của ông Simon Andrews, Giám đốc khu vực của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Lào trong cuộc trao đổi với ĐTCK.

Ông đánh giá thế nào về tiến trình hợp nhất, sáp nhập trong hệ thống ngân hàng Việt Nam thời gian qua?

Hợp nhất, sáp nhập đóng vai trò quan trọng trong việc giúp hồi phục, tăng cường vốn và củng cố sức mạnh của ngân hàng nói chung. Và trong bối cảnh Việt Nam hiện có thừa ngân hàng yếu, thiếu ngân hàng mạnh, thì hợp nhất, sáp nhập càng phù hợp, cần thiết. Trong đó, sự xuất hiện các nhà đầu tư nước ngoài là rất tốt, giúp các ngân hàng Việt Nam có thêm một nguồn vốn. Tôi hy vọng, trong thời gian tới, dòng vốn đổ vào các ngân hàng Việt Nam sẽ nhiều hơn, với động thái gần đây của Chính phủ trong kế hoạch tăng trần sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài.

Theo ông, thách thức của các ngân hàng sau M&A là gì?

Thách thức của những ngân hàng này là những khoản nợ khó đòi, khi mà hiện giờ, tỷ lệ này khá cao. Bên cạnh đó, vấn đề cho vay giữa các bên liên quan và sở hữu chéo giữa các nhà băng khá nổi cộm và phức tạp khi xử lý. Nhưng tôi nghĩ, nhìn chung, về ngắn hạn, hệ thống ngân hàng Việt Nam không phải đối mặt với những khoản nợ vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, do đó, thách thức hiện tại chỉ là giải quyết vấn đề nội tại giữa các ngân hàng Việt Nam.

Vậy các ngân hàng sau M&A cần làm gì?

Hợp nhất để củng cố sức mạnh của các ngân hàng là việc quan trọng cần làm, nhưng quan trọng hơn là đảm bảo sự phát triển dài hạn lành mạnh, bền vững, mà trước mắt là tập trung giải quyết nợ xấu. Tiến trình này đã bước đầu được triển khai với những bước đi đúng đắn, cần thiết và đáng khích lệ. Vấn đề tiếp theo là tái cấp vốn. Các ngân hàng phải củng cố và nâng vốn điều lệ để có thể sẵn sàng tiếp nhận những tổn thất từ những khoản nợ xấu cũng như tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia, hỗ trợ thêm vốn. Và cuối cùng, cải cách hệ thống ngân hàng cần lưu ý đến quản trị rủi ro, quản trị ngân hàng, áp dụng các thông lệ quốc tế như Basel 2, 3, minh bạch thông tin cũng như các báo cáo tài chính…

PVcomBank là sản phẩm mới nhất của hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng

Trong quá trình trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài, ông có nhận được phản hồi nào về việc Chính phủ Việt Nam sẽ nới trần sở hữu?

Các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm vào tiềm năng ở Việt Nam khi tốc độ tăng trưởng ở mức 5 - 6% và dự kiến còn cao hơn nữa trong những năm tiếp theo. Trong khi đó, dù số lượng ngân hàng Việt Nam đã khá nhiều nhưng số lượng người dân và DN chưa tiếp cận được ngân hàng vẫn khá cao. Các ngân hàng bán lẻ mới chỉ cung cấp được dịch vụ cho một phần nhỏ dân số, còn dịch vụ, giao dịch ngân hàng cho DN vừa và nhỏ vẫn còn rất nhiều đất để tăng trưởng tiếp… Do đó, các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài rất quan tâm đến việc nới trần sở hữu ở các ngân hàng Việt Nam và coi đó là một cơ hội đầu tư hấp dẫn.

Công ty Quản lý tài sản (VAMC) đã ra đời và đi vào hoạt động, nhưng theo ông, còn cách nào để xử lý nợ xấu?

VAMC là tín hiệu tích cực và đúng hướng của Chính phủ. Tuy nhiên, giải quyết nợ xấu còn có thể được thực hiện trực tiếp bởi các ngân hàng chứ không nhất thiết phải có VAMC làm trung gian. Trên thế giới có nhiều cách giải quyết nợ xấu như: Thứ nhất, tái cấu trúc khoản nợ, khi đó, chủ nợ sẽ phải chấp nhận những điều khoản mới của món nợ này, được giám sát chặt chẽ về dòng tiền đầu tư và đảm bảo thanh toán hết khoản nợ theo những điều khoản mới; Thứ hai, nếu công ty mắc nợ vẫn không thể thanh toán thì sẽ tính đến trường hợp cưỡng chế và thu hồi tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, tựu trung lại là cần chuyển danh mục nợ xấu ra khỏi ngân hàng và tái cấp vốn để ngân hàng bắt tay vào thực hiện nghiệp vụ chính của họ là cho vay. Đây cũng là tạo điều kiện chuyển danh mục nợ xấu đến những người có nghiệp vụ quản lý và thu hồi nợ xấu.

Đâu là khó khăn của các ngân hàng Việt Nam trong việc giải quyết nợ xấu, theo ông?

Việt Nam là thị trường mới, chưa có nhiều kinh nghiệm xử lý các cú sốc, hơn nữa, các văn bản pháp luật còn nhiều điều chưa rõ ràng về cách thức xử lý nợ xấu. Các nhà đầu tư nước ngoài khi mua muốn biết rõ quyền hạn của họ với khoản nợ như thế nào, chuyển dịch ra sao trên các bảng báo cáo tài chính... Chính việc nâng cao tính khả thi của các văn bản pháp luật là điều kiện cần để thu hút các nguồn lực tài chính giải quyết nợ xấu. Bên cạnh đó, hầu hết các tài sản thế chấp của các món nợ xấu đều là bất động sản, trong khi thị trường này đang khó khăn như hiện nay thì kể cả có thu hồi tài sản đảm bảo cũng không thể thu lại được tiền nợ.

IFC có dự định tham gia mua nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam hay không?

Chúng tôi là những nhà đầu tư có tổ chức, một phần trong số những nhiệm vụ của chúng tôi là giúp lành mạnh hóa hệ thống tài chính của nước sở tại, ví dụ như vấn đề nợ xấu tại Việt Nam hiện nay. Đáng mừng là VAMC đã có những khoản mua nợ xấu đầu tiên và những thông tư gần đây của NHNN đã cho phép VAMC có thể bán nợ xấu lại cho các nhà đầu tư nước ngoài. Chúng tôi thực sự quan tâm đến tiến trình giải quyết nợ xấu và rất muốn tham gia vào công cuộc này. IFC đã đầu tư 3,5 tỷ USD để giải quyết nợ xấu trên khắp thế giới, đặc biệt tại các thị trường mới nổi, với các khoản nợ xấu tại hơn 600 ngân hàng và công ty. Chính vì vậy, được tham gia vào tiến trình giải quyết nợ xấu của Việt Nam là mong muốn của chúng tôi.

Hồng Dung (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.