Một trong những yếu tố gây áp lực lớn lên lãi suất kể từ cuối năm 2016 đến những tháng đầu năm nay chính là quy định tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ 60% xuống còn 50% kể từ đầu năm 2017 và những thay đổi về các cấu phần tính toán chỉ số này theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN. Tuy nhiên, áp lực từ yếu tố này trong thời gian tới có thể giảm.

Biểu đồ trên cho thấy tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã tăng đột biến từ tháng 7-2016 (thời điểm Thông tư 06 có hiệu lực), với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) tăng 4,55% và nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (NH TMNN) tăng 2,17% so với tháng trước đó.

Tuy nhiên, áp lực từ Thông tư 06 đã giảm xuống gần đây nhờ các ngân hàng đã tăng cường huy động vốn trung dài hạn thời gian qua bằng cách tăng vốn điều lệ, giữ lại lợi nhuận không chia cổ tức để tăng vốn tự có cấp 1, phát hành trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi dài hạn để tăng vốn tự có cấp 2, tăng lãi suất huy động trung dài hạn để cải thiện tỷ trọng nguồn vốn trung dài hạn và đẩy mạnh triển khai nhiều sản phẩm huy động vốn trung dài hạn, tiết kiệm tích lũy.

Cũng theo biểu đồ trên, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn ở nhóm ngân hàng TMCP đã giảm xuống từ tháng 9-2016, do một số ngân hàng đã tăng được nguồn vốn trung dài hạn nhờ các phiên phát hành trái phiếu thành công cũng như tăng thêm vốn điều lệ và lợi nhuận trong quí 4. Diễn biến thực tế cũng cho thấy tỷ lệ này đã giảm xuống trong quí 1 đầu năm nay. Cụ thể tỷ lệ này của toàn hệ thống vào cuối tháng 3-2017 đang ở mức 33,32%, giảm 1,19% so với cuối năm 2016.

Đáng chú ý là trong khi nhóm NH TMCP có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn ở mức 37,1% vào tháng 3-2017, giảm 2,83 điểm phần trăm so với đầu năm, thì ở nhóm NH TMNN con số này là 37,68%, tăng 0,36% so với đầu năm, cao hơn so với nhóm NH TMCP. Điều này cho thấy dòng vốn trung dài hạn tại nhóm NH TMCP đang tăng trưởng tốt hơn nhờ lãi suất huy động cao hơn so với nhóm NH TMNN (vốn đã giảm mạnh từ tháng 9-2016 theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước - NHNN), và việc phát hành thành công các chứng chỉ tiền gửi trong quí 1 vừa qua.

Về hoạt động cho vay thì các ngân hàng đang chuyển dịch cho vay trung dài hạn sang cho vay ngắn hạn. Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỷ trọng tín dụng ngắn hạn đã tăng từ mức 44,9% vào cuối năm 2016 lên 45,4% ước đến tháng 5-2017, trong khi tín dụng trung dài hạn giảm tỷ trọng từ 55,1% xuống còn 54,6%. Trong bối cảnh phát triển tín dụng trung dài hạn bị giới hạn bởi tỷ lệ quy định trên thì các ngân hàng chỉ có cách đẩy mạnh tín dụng ngắn hạn để tăng vòng quay vốn nhằm đạt được suất sinh lời tối ưu hơn.

Theo quy định của Thông tư 06 thì tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ tiếp tục giảm xuống còn 40% kể từ đầu năm 2018. Tuy nhiên, tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp hôm 17-5-2017, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết có thể sẽ xem xét lại quy định này. Theo Thống đốc, do đặc thù của Việt Nam nên nguồn vốn trung dài hạn hiện chủ yếu vẫn huy động qua kênh ngân hàng, thay vì thị trường chứng khoán. “Do đó, thời gian tới, NHNN sẽ đánh giá diễn biến chính sách tiền tệ để xem xét điều chỉnh lại tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn phù hợp hơn với thực tế nhằm giảm bớt áp lực cho các ngân hàng thương mại”, ông Hưng nói

Vì vậy, bên cạnh yếu tố nguồn vốn trung dài hạn đang được cải thiện tại các ngân hàng, thì kỳ vọng việc áp dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm xuống còn 40% kể từ đầu năm 2018 có thể được hoãn lại nhằm giảm bớt áp lực cho các ngân hàng. Từ đó càng có thêm cơ sở giúp ổn định mặt bằng lãi suất.

Hồ Lê (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.