Câu chuyện về những bức xúc liên quan đến các dự án BOT vẫn đang tiếp tục nóng bỏng trên nhiều diễn đàn và trong cả nghị trường Quốc hội.
Mặc dù Bộ GTVT đã nỗ lực nhưng có thể nói, cho đến thời điểm này, việc nhận diện nguyên nhân và cách giải quyết bất cập của các dự án BOT vẫn còn đang rất lúng túng. Nếu không tìm cách giải quyết sớm, những bức xúc của người dân về trạm BOT chắc chắn sẽ còn diễn ra và ngày càng có nguy cơ bị kích động, khiến sự việc trở nên nghiêm trọng hơn.
Nhìn từ những vụ việc người dân tụ tập phản ứng các dự án BOT trong thời gian qua có thể thấy, việc đầu tiên mà các cơ quan quản lý và nhà đầu tư chưa làm được, đó là làm cho người dân hiểu và đồng thuận với chủ trương đầu tư dự án.
Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, BOT gần như là sự lựa chọn duy nhất để có hạ tầng giao thông. Thực tế, hầu hết các tỉnh, thành phố đều tích cực vận động để đầu tư BOT về địa phương. Thế nhưng người dân, đối tượng trực tiếp sử dụng công trình thì lại không hiểu gì về dự án, từ chủ đầu tư là ai, mức đầu tư ra sao, tiến độ thế nào, họ sẽ được hưởng lợi gì và có trách nhiệm gì. Chỉ đến khi trạm thu phí mọc lên, người dân phải móc túi trả tiền khi hàng ngày đi qua trạm thì mâu thuẫn mới nảy sinh.
Cho dù các dự án BOT đều có tiêu chí là hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, nhưng rõ ràng người dân đã không nhìn thấy lợi ích của mình. Họ chỉ thấy bỗng dưng phải trả tiền cho con đường mình vẫn đi lại tự do miễn phí. Họ chỉ thấy các dự án BOT mọc lên tràn lan bao vây các ngả. Họ chỉ thấy mất lòng tin khi những thông tin về dự án BOT đội giá hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, các trạm thu phí gian lận hàng trăm triệu đồng mỗi ngày tràn lan trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Và vì vậy, những phản ứng từ bột phát đã nhanh chóng trở thành dây chuyền tại nhiều địa phương trên cả nước. Trong khi đó, việc xử lý các vụ việc mâu thuẫn trong thời gian qua cũng cho thấy sự lúng túng của các cơ quan quản lý. Do không lường trước được hậu quả của việc không tính toán kỹ các dự án đầu tư BOT, Bộ GTVT đang phải chạy theo xử lý hết vụ việc này đến vụ việc khác.
Cái khó là do cơ chế, chính sách không rõ ràng nên giờ đây Bộ GTVT muốn đảm bảo quyền lợi người dân thì lại đứng trước nguy cơ vi phạm vào hợp đồng BOT đã được ký kết, doanh nghiệp thì cảm thấy oan ức khi bị thiệt hại kinh tế do phải miễn giảm phí cho người dân.
Như Báo SGGP ngày 19-4 đã nêu, việc đầu tư BOT, đặt trạm BOT hiện nay đều “đúng quy trình” nhưng vấn đề là ở chỗ quy trình lại chưa đúng. Đã đến lúc Bộ GTVT cần đưa ra một quy trình chuẩn cho đầu tư dự án BOT. Trước hết, phải xác định rõ chủ trương chỉ làm BOT ở những tuyến đường mới mở, không phải là độc đạo để người dân có quyền lựa chọn.
Về quy trình thực hiện các dự án BOT phải đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, từ khâu lập dự án, lựa chọn chủ đầu tư, triển khai dự án, trong đó bắt buộc phải lấy ý kiến người dân sở tại trước khi đầu tư dự án. Kinh nghiệm làm hạ tầng của Singapore cho thấy, trước khi lên kế hoạch đầu tư BOT 5 năm, chính quyền đã có bảng truyền thông xã hội để cung cấp thông tin và kêu gọi người dân đồng hành cùng phát triển, do vậy các dự án hạ tầng của Singapore được diễn ra khá trôi chảy.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng cần ban hành càng sớm càng tốt chính sách miễn giảm phí cho người dân theo cự ly, áp dụng chung cho mọi dự án.
Về minh bạch trong quản lý thu phí, quá trình triển khai dịch vụ thu phí không dừng từng bị các chủ đầu tư BOT trì hoãn, nhiều ý kiến cho rằng các chủ đầu tư không muốn minh bạch để trục lợi nhưng chủ đầu tư lại lấy lý do là không muốn sử dụng dịch vụ của một nhà cung cấp duy nhất mà Bộ GTVT cho phép.
Nhằm tháo gỡ vướng mắc này, mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã chỉ đạo tuyệt đối không để tình trạng độc quyền trong việc chọn nhà đầu tư thu phí không dừng. Theo đó, cơ quan quản lý sẽ ban hành các tiêu chuẩn về công nghệ và sẽ lựa chọn nhà cung cấp với giá dịch vụ hợp lý nhất, như vậy doanh nghiệp không còn lý do nào để trì hoãn việc thực hiện thu phí không dừng để minh bạch hoàn toàn quá trình thu phí.
Những bất cập trong đầu tư BOT thời gian qua càng cho thấy rằng, chỉ khi nào các cơ quan Nhà nước thực hiện tốt vai trò quản lý của mình, ban hành những chính sách đảm bảo cho các dự án BOT được thực hiện công khai minh bạch, cân bằng lợi ích các bên thì khi đó đầu tư BOT mới thực sự là một giải pháp tốt để có hạ tầng giao thông.
Có cơ chế chính sách tốt thì không chỉ Nhà nước dễ dàng quản lý, vai trò cũng như trách nhiệm của người dân được đặt đúng vị trí, doanh nghiệp cũng sẽ không bị làm phiền bởi những chi phí ngoài lề và khi đó đầu tư BOT mới trở thành miếng bánh hấp dẫn các nhà đầu tư và nhà đầu tư thực sự được hoan nghênh chứ không còn bị coi là “tội đồ”.
Cũng phải nói thêm một điều mà phần lớn các nhà đầu tư BOT đang mắc phải, đó là doanh nghiệp dường như chỉ chạy theo lợi nhuận mà quên mất trách nhiệm xã hội của mình, đầu tư hạ tầng mà không an lòng dân thì dự án không thể phát huy hiệu quả như mong muốn.
Bích Quyên (SGĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.