Phân loại chậm
Báo cáo kết quả giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết 52/2019 của Hội đồng Nhân dân TPHCM (HĐND TP) về việc bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc trên địa bàn TPHCM của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP mới đây cho biết, qua rà soát, thống kê, quận 3 có 40 biệt thự nhóm 1, 39 biệt thự nhóm 2, 17 biệt thự nhóm 3; quận 5 có 4 biệt thự nhóm 2. Trong đó, nhóm 1 là phải giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao. Nhóm 2 là phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài và nhóm 3 là thực hiện theo các quy định về quy hoạch, kiến trúc và pháp luật về xây dựng.
Một biệt thự cũ tại quận 3, TPHCM. Ảnh: Phan Lê
Đến nay, Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc (thuộc Sở QH-KT TPHCM) đã tập hợp được danh sách 1.550 địa chỉ (trong đó 1.227 địa chỉ trong danh sách ban đầu và 323 địa chỉ phát sinh mới), số công trình biệt thự cũ được kiểm kê là 1.058 địa chỉ. Sau khi có Nghị quyết 52/2019, Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc đã chuyển thêm 250 hồ sơ kiểm kê đến Hội đồng phân loại biệt thự để đánh giá phân loại theo quy định. Đến tháng 8-2020, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đã tiếp nhận 1.206 trường hợp đề nghị phân loại biệt thự cũ từ các chủ sở hữu và các cơ quan liên quan.
Trong đó, số biệt thự cũ đã được phê duyệt tại Quyết định 1550/2020 của UBND TPHCM là 151 trường hợp (52 biệt thự nhóm 1, 75 biệt thự nhóm 2 và 24 biệt thự nhóm 3). Số lượng biệt thự cũ đã họp thẩm định nhưng cần ra soát lại trước khi trình UBND TP là 5 trường hợp thuộc nhóm 2. Số lượng biệt thự cũ đã đủ điều kiện cần thiết để thẩm định là 300 trường hợp. Số lượng biệt thự cũ chưa đủ điều kiện cần thiết để thẩm định là 735 trường hợp do có số phiếu kiểm kê và phiếu đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc, chưa được Sở QH-KT thông qua, chưa có ý kiến bằng văn bản về việc kiểm đếm, phân loại của UBND quận huyện. Số loại không phải là đối tượng của công tác phân loại biệt thự cũ là 15 trường hợp. Trong đó, có 7 trường hợp không phải là biệt thự cũ, 8 trường hợp đã từng là biệt thự cũ nhưng đã được tháo dỡ hoàn toàn tại thời điểm Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tiếp nhận đề nghị phân loại biệt thự cũ.
Đồng thời, theo thống kê của Việt Nghiên cứu phát triển, 54 trường hợp có văn bản đề nghị phân loại biệt thự cũ từ các chủ sở hữu và các cơ quan có chức năng liên quan. Sở QH-KT phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện việc rà soát đánh giá, xác định các khu vực cần bảo tồn cảnh quan đô thị, danh mục các khu vực cần bảo vệ không gian kiến trúc biệt thự, gồm: Khu biệt thự ở Làng Đại học Thủ Đức (phường Bình Thọ, quận Thủ Đức) và đặc biệt là khu biệt thự ở quận 3, nằm trong khu trung tâm hiện hữu 930ha.
Trong đợt giám sát, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM đánh giá, công tác phối hợp giữa các sở ngành, UBND các quận huyện chưa thực sự hiệu quả trong việc thực hiện bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn thành phố. Công tác kiểm kê, đánh giá phân loại biệt thự cũ, công bố công khai danh mục các biệt thự cũ của cơ quan chức năng còn chậm do thiếu nhân lực thực hiện; một số chủ sở hữu thiếu sự hợp tác; một số công trình không xác định được vị trí do địa chỉ thực tế thay đổi so với danh mục kiểm kê ban đầu; chủ sở hữu tự ý hủy hoặc tháo dỡ công trình không theo quy định.
Xem xét đưa một số biệt thự ra khỏi danh mục
Sở Xây dựng TPHCM cho biết, thời gian qua, sở nhận được nhiều hồ sơ đề nghị xin cấp phép xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo, hướng dẫn tháo dỡ biệt thự cũ, nhưng khó giải quyết các hồ sơ này, bởi TPHCM chưa hoàn thành việc đánh giá phân loại biệt thự. Thậm chí, đến thời điểm này, TPHCM vẫn chưa xác định được các khu vực bảo tồn kiến trúc cảnh quan đô thị do công tác xây dựng chương trình và kế hoạch phát triển đô thị TPHCM giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến năm 2050 đến nay vẫn chưa hoàn thành. Trong khi đó, việc xác định khu vực bảo tồn kiến trúc đô thị là rất cấp thiết trong công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị.
Sau đợt giám sát mới đây, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM kiến nghị UBND TP cần đẩy nhanh tiến độ đánh giá phân loại biệt thự, rà soát xem xét đưa ra khỏi danh mục những biệt thự, công trình không có giá trị tiêu biểu về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật... cần bảo tồn, tạo điều kiện cho người dân tu bổ, sửa chữa, sử dụng hiệu quả. Cùng với đó, nghiên cứu các chính sách, hỗ trợ về kinh phí duy tu, bảo dưỡng, chế độ ưu đãi đối với các công trình biệt thự được phân loại vào nhóm phải bảo tồn nhằm tạo điều kiện gìn giữ và phát huy giá trị di sản; cơ chế chính sách cho công tác bảo tồn kết hợp với phát triển du lịch theo hướng bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của thành phố.
Trước đó, Sở QH-KT TPHCM cũng kiến nghị, đối với biệt thự được phân vào nhóm 1 có số lượng không nhiều, nên TPHCM cần có chủ trương thu hồi hoặc trưng mua (nếu biệt thự thuộc sở hữu tư nhân) và có chính sách hỗ trợ kinh phí duy tu bảo dưỡng, giao đất… với chế độ ưu đãi để tạo điều kiện bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị.
-
Đô thị hóa nhăm nhe “xóa sổ” biệt thự cổ
Các di sản kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, điển hình là biệt thự cổ, cũ đang bị đe dọa trước áp lực phát triển đô thị, xây dựng phục vụ phát triển kinh tế.