10/10/2020 8:48 AM
Các di sản kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, điển hình là biệt thự cổ, cũ đang bị đe dọa trước áp lực phát triển đô thị, xây dựng phục vụ phát triển kinh tế.

 Dinh Thượng Thư gần 130 năm tuổi được bảo tổn, cải tạo thành nhà truyền thống UBND TP.HCM.

Dinh Thượng Thư gần 130 năm tuổi được bảo tồn, cải tạo thành nhà truyền thống UBND TP.HCM.

Hơn 500 biệt thự cũ biến mất

Sở Xây dựng TP.HCM - thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Kế hoạch chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan đô thị TP.HCM - vừa có báo cáo về việc thưc hiện Nghị quyết số 52/NQ-HĐND ngày 8/12/2019 của Hội đồng Nhân dân TP.HCM về kết quả giám sát công tác bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn Thành phố.

Báo cáo nêu rõ, nhu cầu cải tạo, xây dựng công trình trong các khuôn viên biệt thự cũ xây dựng trước năm 1975 nhằm mục đích thay thế công trình cũ, hư hỏng xuống cấp, tăng diện tích sử dụng kinh doanh, tách thửa ngày càng lớn, nhất là biệt thự thuộc sở hữu tư nhân.

Vì thế, trong thời gian qua, Sở Xây dựng nhận được nhiều hồ sơ đề nghị xin cấp phép xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo, hướng dẫn tháo dỡ biệt thự cũ, nhưng khó giải quyết các hồ sơ này, bởi TP.HCM chưa hoàn thành việc đánh giá phân loại biệt thự, cùng nhiều nguyên nhân khác.

Trong khi đó, biệt thự cũ cứ… từ từ biến mất hoặc bị phá bỏ, thay đổi hiện trạng.

Điển hình, tháng 5/2020, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã phải có văn bản yêu cầu làm rõ việc căn biệt thự cũ nằm trong cụm biệt thự cổ trên trục đường Ngô Thời Nhiệm - Tú Xương - Điện Biên Phủ (quận 3) bị tháo dỡ. Cụ thể, căn biệt thự này được đề xuất loại 2 (bảo tồn một phần), nhưng Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM chưa lập phiếu kiểm kê xong nên chưa phân loại, thì đã bị tháo mái, đập tường...

Một trường hợp khác là biệt thự cổ ở địa chỉ 12 - Lý Tự Trọng (quận 1) cũng đã bị đập bỏ và thay thế bằng dự án khách sạn cao hàng chục tầng.

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn TP.HCM, theo Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc (Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM,) cơ quan chức năng tập hợp được danh sách khoảng 1.550 địa chỉ biệt thự cũ xây dựng trước năm 1975, trong đó, có 1.058 biệt thự cũ được kiểm kê, hơn 500 địa chỉ không còn là biệt thự.

Các cơ quan chức năng cho biết, việc thực hiện khảo sát, kiểm kê các công trình biệt thự cũ gặp rất nhiều khó khăn, như: không được vào nhà, chủ nhà không hợp tác, công trình bị che chắn tầm nhìn, một số trường hợp không xác định được vị trí công trình do địa chỉ thực tế khác trong danh sách... Ngoài ra, có tình trạng chủ nhà tự ý phá hủy hoặc tháo dỡ công trình khi chưa được cơ quan chức năng cho phép, làm thay đổi kết quả kiểm kê, đánh giá biệt thự cũ.

Phân tích nguyên nhân của thực trạng này, giới chuyên gia chỉ ra rằng, hầu hết biệt thự cũ đều được xây dựng trên các khu đất rộng tại những vị trí đắc địa ở khu vực trung tâm TP.HCM như quận 1 (khoảng 230 căn), quận 3 (266 căn)... Chủ sở hữu các biệt thự cũ này có thể thu lợi nhuận hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng nếu tháo dỡ biệt thự để xây dựng cao ốc.

Tuy nhiên, do vướng công tác phân loại (giữ hay bỏ), nên nhiều “đại gia” sống trong biệt thự phải chịu khổ sở vì nhà cửa xuống cấp, chưa nói tới việc đánh mất cơ hội kiếm tiền tỷ.

Đó cũng là nguyên nhân khiến hàng trăm biệt thự cũ… bỗng biến mất hoặc thay đổi hiện trạng, chủ biệt thự gây khó dễ khi cơ quan chức năng tiến hành thống kê.

Dự án trọng điểm cũng lao đao vì biệt thự cổ

Đó là Dự án Sửa chữa, nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh (công trình trọng điểm của TP.HCM với kinh phí đầu tư 472,9 tỷ đồng) được khởi công từ tháng 10/2019, dự kiến hoàn thành trước ngày 30/4/2021.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư) gửi UBND TP.HCM, thì nhà thầu đã tập trung tăng cường máy móc, thiết bị, vật tư, nhân công, tổ chức thi công đồng loạt nhiều mũi, tăng ca… để đảm bảo tiến độ công trình. Tuy nhiên, Dự án đang bị ách tắc bởi vướng biệt thự cũ tại số A17/1 - đường Phú Mỹ (phường 22, quận Bình Thạnh).

Đây là căn biệt thự cổ đã trong tình trạng xuống cấp trầm trọng, nguy cơ sụp đổ rất cao, không an toàn cho người và công trình, nên tuyến cống thoát nước đi theo hẻm 23 - Nguyễn Hữu Cảnh ra cửa xả rạch Văn Thánh thuộc Dự án Sửa chữa, nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh đi ngang qua vị trí căn nhà nói trên phải dừng lại.

Từ đầu năm 2020, Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM đã có nhiều văn bản gửi các sở, ban ngành, quận Bình Thạnh, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM..., song vẫn chưa được giải quyết.

Nguyên nhân, biệt thự này nằm trong danh sách 16 căn biệt thự cũ trước năm 1975 trên địa bàn quận Bình Thạnh đang trình UBND TP.HCM phân loại biệt thự, do đó, không thể tháo dỡ trước khi có quyết định phân loại.

Ngổn ngang trăm mối

Theo Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc, từ năm 1993, TP.HCM đã xác định bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị là công việc quan trọng cần được tiến hành nghiêm túc, thận trọng và phải được làm ngay. Vì vậy, UBND TP.HCM đã chỉ đạo và ban hành danh mục 108 đối tượng nghiên cứu bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị tại Thành phố.

Tới năm 2013, UBND TP.HCM ra quyết định ban hành Chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị và giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc là thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình hành động; Sở Xây dựng là thành viên phối hợp cùng các đơn vị khác.

Năm nào, việc kiểm tra, giám sát của các cấp, ngành liên quan cũng được triển khai. Thậm chí, năm 2019, Hội đồng Nhân dân TP.HCM ban hành Nghị quyết số 52/NQ-HĐND về giám sát bảo tồn di sản, cảnh quan kiến trúc và tháng 8/2020, ban hành Kế hoạch về khảo sát thực hiện nghị quyết này.

Thực hiện Chương trình cũng như chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở Xây dựng đã chủ trì, phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc hướng dẫn chính quyền 24 quận, huyện kiểm kê biệt thự cũ trên địa bàn TP.HCM để xác định nhanh các công trình biệt thự cũ cần được bảo tồn (theo nhóm 1, 2) và các công trình không thuộc diện bảo tồn, làm cơ sở đề xuất, giải quyết nhanh việc cho phép tháo dỡ và cấp phép xây dựng cho người dân.

Tới thời điểm này, theo báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng TP.HCM, việc thống kê, kiểm đếm, đánh giá sơ bộ 617 biệt thự cũ xây dựng trước năm 1975 đã cơ bản hoàn thành để lập hồ sơ đánh giá, trước khi trình Hội đồng Phân loại biệt thự. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đã lập danh mục 745 biệt thự, kiểm đếm sơ bộ, nhưng chưa phân loại.

Hội đồng Phân loại biệt thự đã xét lọc được 151 công trình biệt thự, trình UBND TP.HCM phê duyệt. UBND các quận có các công trình biệt thự cũng đã thông báo, hướng dẫn đến các đối tượng là chủ sở hữu tuân thủ nguyên tắc về quản lý, sử dụng và bảo trì, cải tạo biệt thự cũ theo quy định. Cụ thể, đối với biệt thự cũ thuộc nhóm 1, phải giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao. Đối với biệt thự cũ thuộc nhóm 2, phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài. Biệt thự cũ thuộc nhóm 3 thực hiện theo các quy định về quy hoạch, kiến trúc và pháp luật về xây dựng.

Tại đợt giám sát mới đây của Ban Văn hóa - Xã hội (Hội đồng Nhân dân TP.HCM) về việc thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-HĐND, theo đánh giá của các địa phương, công tác phân loại, công bố công khai danh mục các biệt thự cũ nêu trên của cơ quan chức quá chậm.

Sở Xây dựng cũng xác nhận, TP.HCM chưa hoàn thành công tác phân loại biệt thự cũ.

Đáng lo hơn, theo ông Lê Trần Kiên, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, đến thời điểm này, TP.HCM vẫn chưa xác định được các khu vực bảo tồn kiến trúc cảnh quan đô thị, do chương trình và kế hoạch phát triển đô thị TP.HCM vẫn chưa hoàn thành. Trong khi đó, đây là việc cấp thiết trong công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, đặc biệt là với TP.HCM, địa phương có tốc độ phát triển kinh tế, đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh.

Nguyên nhân, từ năm 2018, UBND TP.HCM đã có Thông báo số 370/TB-VP và Công văn số 4518/UBND-ĐT thống nhất chủ trương tạm hoãn việc lập Chương trình Phát triển đô thị TP.HCM đến năm 2025 cho đến khi đồ án Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2030 tầm nhìn 2050 được Thủ tướng phê duyệt.

Mặt khác, bởi việc phát triển đô thị thành phố phía Đông (TP. Thủ Đức) cần phải đồng bộ với việc điều chỉnh chung quy hoạch TP.HCM, nên Sở Xây dựng phải cùng cơ quan liên quan nghiên cứu, lập Chương trình Phát triển đô thị TP. Thủ Đức và cập nhật lại vào Dự thảo Đề cương Chương trình Phát triển đô thị TP.HCM đến giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng tới năm 2050.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, nếu biệt thự cổ nói riêng hay các công trình di tích có giá trị văn hóa bị tháo dỡ, sửa chữa không đúng quy định, thì việc phục hồi rất khó khăn. Bên cạnh vấn đề kinh phí, việc tìm kiếm vật liệu xây dựng phù hợp và nhân công lành nghề để thực hiện các chi tiết kiến trúc tinh xảo là những vấn đề khó giải quyết, khi hầu hết chủ sở hữu các biệt thự cũ thực hiện công tác phục hồi trong trạng thái miễn cưỡng.

Cần lưu ý rằng, việc bảo tồn các công trình di tích không chỉ mang ý nghĩa lớn về mặt văn hóa, mà còn có thể thu hút khách du lịch, phát triển ngành công nghiệp “không khói”.

Theo các chuyên gia, để bảo tồn các công trình kiến trúc, nhất là các ngôi nhà cổ, biệt thự có giá trị văn hóa, lịch sử trong bối cảnh phát triển đô thị mạnh mẽ hiện nay, vai trò, trách nhiệm không phải của một vài cơ quan quản lý, mà của tất cả chủ thể có liên quan, gồm nhà quản lý, nhà nghiên cứu và chủ sở hữu các công trình.

Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM kiến nghị, đối với biệt thự được phân vào nhóm 1 (có giá trị điển hình về mặt lịch sử văn hóa, cảnh quan đô thị, kiến trúc nghệ thuật) có số lượng không nhiều, nên TP.HCM cần có chủ trương thu hồi hoặc trưng mua (nếu biệt thự thuộc sở hữu tư nhân) và có chính sách hỗ trợ kinh phí duy tu bảo dưỡng, giao đất… với chế độ ưu đãi để tạo điều kiện bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị.

Ngô Nguyên (Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.