13/02/2021 2:00 PM
Bộ Giao thông vận tải được Thủ tướng giao chủ trì xây dựng dự án sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Chúng tôi quán triệt xây dựng thể chế không tốn tiền, chỉ cần bỏ thời gian nghiên cứu thực tế, tận dụng "chất xám" sẽ tạo ra đột phá lớn và tạo nên tính lan tỏa...

Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải

2020, một năm đầy khó khăn của ngành giao thông vận tải khi vừa phải đối phó với đại dịch Covid-19, vừa phải đối mặt với sức tàn phá khủng khiếp của thiên tai dị thường. Song, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, năm 2020 lại là năm tâm đắc nhất trong cả nhiệm kỳ 2016 – 2020, chứng kiến những nỗ lực vượt bậc và để lại nhiều dấu ấn nhất.

Bộ Giao thông vận tải liên tục dẫn đầu về giải ngân, đưa 21 công trình, dự án lớn vào khai thác và hoàn tất thủ tục triển khai thi công 19 dự án mới, cải thiện năng lực hạ tầng, tăng năng lực lưu thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Xin Bộ trưởng cho biết những điểm nổi bật của ngành Giao thông vận tải trong năm 2020 và nhiệm kỳ 2016-2020?

Xuyên suốt lịch sử của ngành cũng như trong nhiệm kỳ vừa qua, Bộ Giao thông vận tải hết sức tập trung vào ba nhiệm vụ: triển khai tốt công tác xây dựng cơ bản, tổ chức vận tải tốt hơn và đảm bảo an toàn giao thông cho người dân. Tuy nhiên, tôi tâm đắc nhất năm 2020 bởi đó là năm thực hiện ba nhiệm vụ này tốt nhất, với một số kết quả và bài học kinh nghiệm hết sức sâu sắc.

Thứ nhất, về công tác xây dựng cơ bản, năm 2020, Bộ Giao thông vận tải được đánh giá là một trong những đơn vị giải ngân tốt nhất hiện nay, dù ảnh hưởng của đại dịch Covid, việc đi lại của các nhà thầu, công nhân khó khăn. Năm 2020, Bộ Giao thông vận tải được giao 39.826 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 11, kết quả giải ngân ước đạt 32.190,514 tỷ đồng, đạt 80,83% kế hoạch giao năm 2020. Hết thời gian giải ngân theo quy định vào ngày 31/1/2021, Bộ Giao thông vận tải tập hợp khối lượng, bổ sung, điều chỉnh vốn cho những gói thầu, dự án tốt, cố gắng giải ngân 100%.

Riêng vốn ODA, hiện nay cả nước được bố trí 40.000 tỷ đồng, riêng Bộ Giao thông vận tải chiếm 6.500 tỷ đồng. Bình quân cả nước hiện nay, giải ngân 41%, riêng Bộ Giao thông vận tải đến thời điểm này, giải ngân được 80%, là đơn vị giải ngân vốn ODA tốt nhất hiện nay.

Có được thành tích này, là nhờ Chính phủ chỉ đạo ngay từ đầu năm. Thủ tướng Chính phủ thường xuyên chủ trì các cuộc họp, nhằm tháo gỡ khó khăn. Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với các địa phương làm tốt công tác giải phóng mặt bằng. Bộ rất quyết liệt, họp giao ban hàng tháng, các ban hàng tuần ngồi lại với nhau để rà soát.

Ngoài ra, Luật Đầu tư công (sửa đổi) cũng tạo nên một tác động rất lớn. Theo đó, giao trách nhiệm cho chủ đầu tư, được quyền điều chỉnh nguồn vốn trong phạm vi các dự án đang triển khai. Trong gần 40.000 tỷ đồng, có 6.500 tỷ Bộ Giao thông vận tải điều chuyển vốn, dự án chậm do mặt bằng hoặc do nhiều lý do, sẽ cắt giảm vốn đầu tư; dự án tốt được bố trí thêm vốn.

Thứ hai, tổ chức vận tải đột phá về thể chế. Ngay từ đầu năm 2020, Nghị định 100/CP của Chính phủ có hiệu lực đã tác động mạnh mẽ đến ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông khi nghiêm khắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Tiếp đó, ngày 17/1, Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/CP thay thế Nghị định 86/2014/CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải được Thủ tướng giao chủ trì xây dựng dự án sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Chúng tôi quán triệt xây dựng thể chế không tốn tiền, chỉ cần bỏ thời gian nghiên cứu thực tế, tận dụng "chất xám" sẽ tạo ra đột phá lớn và tạo nên tính lan tỏa.

Thứ ba, tai nạn giao thông giảm liên tiếp trong 5 năm liền trên cả 3 tiêu chí. So với giai đoạn 2011-2015, số vụ tai nạn giao thông giảm 42,7%, số người chết giảm 19%, số người giảm 53,91%. Khâu yếu nhất là kết nối các loại hình kém, dẫn đến khai thác không hiệu quả. Ví dụ cảng Cái Mép – Thị Vải, cảng tốt nhất Việt Nam có khả năng đón tàu tải trọng siêu khủng, nhưng chỉ khai thác được khoảng 50% công suất.

Để thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia các dự án trọng điểm của ngành giao thông, tăng tính kết nối của hạ tầng giao thông, giải pháp của Bộ Giao thông vận tải sẽ như thế nào nhằm hoá giải những khó khăn khi nguồn vốn ngân sách Nhà nước và đầu tư công hiện đang rất eo hẹp, thưa Bộ trưởng?

Hợp tác công tư PPP là hình thức đầu tư tốt nhất trong ngành giao thông. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư để xây dựng Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 và đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 ngày 18/6. Đây được xem là khung pháp lý quan trọng để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông trong giai đoạn tới. Vừa qua, khi tổ chức đấu thầu theo hình thức PPP không thành công, là vì Luật PPP mới ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, nên chưa đi vào thực tiễn.

Khó khăn lớn nhất trong việc triển khai các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông theo hình thức PPP chính là việc huy động vốn tín dụng để triển khai đầu tư. Với những cơ chế mới trong Luật PPP, cho phép áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu, đồng thời, cho phép doanh nghiệp dự án chủ động huy động vốn để triển khai dự án. Đây là các điều kiện rất thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư cũng như huy động nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án thành phần còn lại của cao tốc Bắc - Nam.

Bộ Giao thông vận tải sẽ nghiên cứu một số quy định đặc thù, để tham mưu Chính phủ ban hành những văn bản dưới luật. Theo đó, nếu muốn thu hút vốn tư nhân, phải đảm bảo phương án tài chính, phải có một số cơ chế tiếp cận vốn, những ưu đãi về thuế, đất cho từng vùng miền, từng lĩnh vực, để khai thác tốt nguồn lực vốn tư nhân và cả xã hội đang có.

Trong năm qua, Bộ Giao thông vận tải đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án giao thông trọng điểm, đặc biệt là các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Xin Bộ trưởng đánh giá kết quả thực hiện đại dự án này?

Trong năm 2020, Bộ Giao thông vận tải triển khai nhiều dự án trọng điểm, đáng chú ý nhất là dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 52 ngày 22/11/2017. Hiện nay mặt bằng đủ điều kiện để bàn giao tương đương với chiều dài tuyến là 601,8/652,77 km, đạt 92,3%.

Đối với 3 dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công, gồm Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2, hiện tại đang đồng loạt triển khai thi công các gói thầu xây lắp, với tiến độ cơ bản đáp ứng yêu cầu theo kế hoạch đề ra. Với 3/8 dự án chuyển đổi hình thức đầu tư từ hình thức đối tác công tư PPP sang đầu tư công, gồm Mai Sơn – Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, tổng số gồm 13 gói thầu xây lắp, Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán 13/13 gói thầu, hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu.

5 dự án đầu tư theo hình thức PPP, bao gồm Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Với 2 dự án Quốc lộ 45- Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu không lựa chọn được nhà đầu tư, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chuyển đổi sang đầu tư công. Với 3 dự án còn lại, có khả năng ký hợp đồng với nhà đầu tư.

Giữa tháng 12/2020, Bộ Giao thông vận tải đã lựa chọn được nhà đầu tư đoạn Nha Trang - Cam Lâm. Đây là dự án cao tốc Bắc - Nam đầu tiên theo hình thức PPP có nhà đầu tư. Sau khi lựa chọn nhà đầu tư, Bộ Giao thông vận tải sẽ đàm phán, ký kết hợp đồng với nhà đầu tư để triển khai thi công. Nếu không có gì thay đổi, trong quý I/2021 hoàn chỉnh hợp đồng của Bộ Giao thông vận tải với nhà đầu tư liên danh trúng thầu.

Xin Bộ trưởng cho biết Bộ Giao thông vận tải sẽ chọn những dự án động lực nào để ưu tiên dồn vốn, tạo động lực lan tỏa cho những năm tiếp theo?

Năm 2021, ngành Giao thông vận tải sẽ triển khai hàng loạt dự án, công trình giao thông trọng điểm, ưu tiên số một cho đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Chúng tôi muốn có một con đường cao tốc, trục xương sống từ Lạng Sơn đến Cà Mau, song song với Quốc lộ 1 để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp đến, cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 được khởi công đầu năm 2021, áp dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất trong việc đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành khai thác theo tiêu chuẩn quốc tế, thu hút thị trường vận chuyển hành khách, hàng hóa quốc tế. Đồng thời, tập trung nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh là tuyến đường huyết mạch phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, mỗi khu vực, chúng tôi chọn một số đột phá. Khu vực Hà Nội, cố gắng tối đa cho đường vành đai 4, khép kín các đường vành đai để tạo thế phát triển liên hoàn, gắn kết với các địa phương lân cận. Ở thành phố Hồ Chí Minh, ưu tiên bố trí nguồn vốn để đầu tư khép kín tuyến đường vành đai 3, làm đến đâu, công nghiệp phát triển tới đó.

Xem xét đầu tư trọng tâm, trọng điểm, từng bước hình thành hệ thống đường bộ kết nối với hệ thống cảng biển, tạo cơ chế phát triển hệ thống logistics. Đặc biệt quan tâm kết nối giữa đường thủy và đường biển để thông thủy từ đường sông ra các cảng biển dễ dàng. Lĩnh vực hàng không tập trung vào sân bay Điện Biên, Chu Lai, Côn Đảo... Trong những ngày đầu của năm 2021, Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ đưa vào khai thác một loạt các công trình hạ tầng giao thông quan trọng.

  • Điểm tên những dự án hạ tầng giao thông đột phá

    Điểm tên những dự án hạ tầng giao thông đột phá

    Nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cần Thơ dài 1.799 km; hoàn thành việc xây dựng đường Hồ Chí Minh dài 2.744 km; đưa vào khai thác sân bay Long Thành giai đoạn I sẽ là 3 mục tiêu ưu tiên của ngành giao thông trong 5 năm tới.

Tú Anh (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.