Phản ứng của dư luận trước thông tin Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đệ Nhất (Ficombank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) hợp nhất có thể nói là “hết sức bình tĩnh”.

Nó thể hiện ở việc, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường tại các chi nhánh lớn của cả ba ngân hàng này sau khi thông tin sáp nhập được công bố, hôm 6.12. Hai ngày sau đó, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - đơn vị thay mặt Nhà nước quản lý phần vốn nhà nước tại ngân hàng hợp nhất giữa Ficombank, TinNghiaBank và SCB- cho biết, hoạt động rút tiền ở ngân hàng hợp nhất giảm rất mạnh, trong khi lượng tiền gửi vào tăng lên. Cụ thể, chênh lệch giữa tiền gửi và tiền rút ra ở ba ngân hàng theo hướng số rút lớn hơn số gửi khoảng 900 tỷ đồng trong ngày 5.12. Đến ngày 8.12, tình hình trên đã được cải thiện rõ rệt, chênh lệch gửi vào rút ra chỉ còn 400 tỷ đồng. Lượng tiền của khách hàng gửi mới tăng so với ngày 7.12 khoảng hơn 50%.


Rõ ràng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho bước đi đầu tiên của quá trình tái cấu trúc ngân hàng. Trên diễn đàn Quốc hội và các phương tiện truyền thông, lãnh đạo NHNN nhiều lần khẳng định cam kết sẽ bảo đảm sự an toàn của hệ thống và quyền lợi của khách hàng khi thực hiện lộ trình tái cấu trúc ngân hàng. Vì vậy, về mặt tâm lý, người dân yên tâm về tài sản của mình. Họ tin rằng, sau khi hợp nhất, quy mô vốn, tình hình tài chính của ngân hàng mới chắc chắn sẽ tốt hơn nên các khoản tiền của họ sẽ không có ảnh hưởng gì.


Những thông tin xung quanh việc Ficombank, TinNghiaBank và SCB hợp nhất được công bố khá rõ ràng, minh bạch. Về nguyên nhân, thông cáo báo chí của NHNN ghi rõ: “Thời gian gần đây, ba ngân hàng này đã có những thiếu hụt thanh khoản tạm thời do mất cân đối kỳ hạn giữa nguồn vốn huy động và cho vay. Các dự án đầu tư của ba ngân hàng nhìn chung có hiệu quả nhưng nguồn vốn ngân hàng cho vay chủ yếu là trung và dài hạn, trong khi nguồn vốn huy động lại chủ yếu ngắn hạn. Có những thời điểm khách hàng rút tiền với khối lượng lớn khiến các ngân hàng trên có những lúc mất thanh khoản tạm thời”. BIDV cũng công khai lộ trình hợp nhất, gồm 2 giai đoạn và 4 vấn đề phải giải quyết. Ở giai đoạn đầu, tổ công tác thuộc ban chỉ đạo hợp nhất ngân hàng phải ổn định được tình hình chi trả, nhất là ưu tiên chi trả cho khách hàng ở thị trường 1. Giai đoạn 2 giải quyết 3 vấn đề: NHNN sẽ chỉ định cơ quan kiểm toán đánh giá thực trạng và chất lượng hoạt động của ngân hàng hợp nhất; BIDV tiếp tục hỗ trợ chi trả cho người gửi tiền hợp pháp; và do việc vốn nhà nước tiếp tục hỗ trợ cho ba ngân hàng trước và sau khi hợp nhất, đương nhiên phải có một đơn vị của nhà nước đại diện, thay mặt nhà nước quản lý phần vốn này tại đây.


Ngoài ra, việc NHNN đưa BIDV nhập cuộc được cho là sự lựa chọn đúng đắn, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng thương mại nhà nước khác đang có những khó khăn riêng. Đã cổ phần hóa, Vietcombank và Vietinbank đều có cổ đông nước ngoài nên không thể gánh vác công việc mang tính chính sách nặng nề như tham gia sáp nhập, mua bán. Agribank phải cáng đáng dịch vụ tài chính cho cả khu vực nông nghiệp - nông thôn. Hơn nữa, trên phương diện kinh nghiệm, nhiều năm trước, BIDV đã từng tham gia xử lý Ngân hàng Nam Đô.

Theo Hồng Loan (Đại biểu nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.